Giá cà phê tăng vọt buộc các thương nhân xoay xở tìm giải pháp phòng ngừa rủi ro mới
Tại New York, giá tương lai của hạt cà phê arabica – loại được ưa chuộng trong các dòng cà phê cao cấp – đã tăng khoảng 70% trong năm nay, vượt qua mức cao nhất trong hơn 40 năm, theo Bloomberg. Sự biến động lớn này khiến các sàn giao dịch hoặc nhà môi giới yêu cầu thêm tài sản thế chấp, hay còn gọi là ký quỹ, để duy trì các vị thế bán khống hợp đồng tương lai vốn đã trở nên không có lợi nhuận.
Đối với các thương nhân đang giữ hàng triệu bao cà phê trong kho hoặc trên đường vận chuyển, điều này đồng nghĩa với việc họ có thể phải đối mặt với hàng tỷ USD yêu cầu ký quỹ khi giá biến động mạnh. Đặc biệt, các thương nhân có hàng hóa đang vận chuyển hoặc đang chờ thanh toán từ người mua cuối cùng dễ dàng rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền mặt.
Để ứng phó, nhiều thương nhân đã chuyển sang sử dụng các lựa chọn thay thế, như hợp đồng quyền chọn hoặc các giải pháp phi sàn giao dịch, nhằm tránh phải nộp thêm ký quỹ. Một số khác chọn cách giảm quy mô kinh doanh. Những thay đổi này phản ánh áp lực thanh khoản ngày càng gia tăng trong thị trường, nơi phần lớn được chi phối bởi các nhà kinh doanh nhỏ, những người không đủ nguồn lực để đối phó với các yêu cầu ký quỹ khổng lồ. Ca cao, một mặt hàng tăng giá "nóng" khác trong năm, cũng đã gặp phải những vấn đề tương tự.
Ông Kit Gulliver, Giám đốc tại Origin Commodities Ltd. và Dragon Commodities Ltd., nhận định: “Đây là thời điểm đầy biến động và rất khó khăn cho các thương nhân. Họ phải thay đổi cách tiếp cận. Việc tiếp tục làm như cũ chỉ khiến họ mất tiền.”
Các thương nhân thường phải phòng ngừa rủi ro khi vận chuyển cà phê từ các nước sản xuất như Brazil, Việt Nam, hoặc Guatemala đến những người mua chủ yếu ở châu Âu và Mỹ. Họ thường bán hợp đồng tương lai để bảo vệ giá trị hàng hóa khi cam kết mua cà phê vật chất theo giá liên quan đến sàn giao dịch. Một nhà tư vấn tại Brazil ước tính rằng, riêng trong tháng 11, thị trường cà phê đã phát sinh khoảng 7 tỷ USD yêu cầu ký quỹ.
Các ngân hàng đã cung cấp sản phẩm “hoán đổi thanh khoản” cho các nhóm lớn từ lâu. Theo đó, ngân hàng sẽ giữ vị thế phòng ngừa rủi ro của khách hàng trong một khoảng thời gian cố định để đổi lấy một khoản phí. Cấu trúc này giúp thương nhân tránh được yêu cầu ký quỹ cho đến khi hàng hóa được giao, mặc dù họ vẫn phải thanh toán nếu giá không giảm khi hợp đồng kết thúc.
Trong đợt tăng giá cà phê gần đây, các nhà môi giới và tổ chức tài chính cũng đã cung cấp sản phẩm này cho các khách hàng nhỏ hơn. Ông Albert Scalla, Phó chủ tịch cấp cao tại StoneX Group Inc., cho biết nhu cầu đối với các sản phẩm này đã tăng đáng kể và công ty của ông cung cấp các hoán đổi thanh khoản cho một số khách hàng nhất định.
Bên cạnh đó, các thỏa thuận mua lại (repo) cũng ngày càng trở nên quan trọng trong ngành. Trong các thỏa thuận này, thương nhân bán lô hàng cà phê của mình cho ngân hàng hoặc nhà môi giới để lấy tiền mặt tạm thời, sau đó mua lại lô hàng với lãi suất thỏa thuận tại một thời điểm nhất định.
Ông Drew Geraghty, một nhà môi giới hàng hóa tại TP ICAP Group Plc, nhận xét: “Đã có rất nhiều hoạt động phi sàn giao dịch, từ việc ngân hàng thực hiện hoán đổi thanh khoản đến mua hàng hóa vật chất từ thương nhân và bán lại sau đó để giải phóng tiền mặt.”