|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cà phê tháng 11 thấp nhất trong cùng kỳ hơn 15 năm

14:59 | 17/12/2024
Chia sẻ
Mặc dù đã bước vào vụ thu hoạch nhưng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 11 chỉ đạt 63.019 tấn, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất trong cùng kỳ hơn 15 năm qua.

Lượng xuất khẩu thấp nhất trong cùng kỳ hơn 15 năm

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11 đạt 63.019 tấn, kim ngạch 351,7 triệu USD, giảm mạnh 47% về lượng và 1,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là khối lượng xuất khẩu thấp nhất trong các tháng 11 kể từ trước năm 2009 đến nay. Nguyên nhân được cho là bởi lượng tồn kho ở mức thấp, trong khi vụ thu hoạch mới bị gián đoạn bởi thời tiết bất lợi và đơn hàng gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) ước tính lượng hàng tồn kho từ vụ 2023 - 2024 chuyển sang vụ mới gần như bằng 0.

Trong khi đó, theo Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương), thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến các vùng thu hoạch cà phê trọng điểm của Việt Nam, gây nên mối lo ngại về gián đoạn nguồn cung.

Sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2023 - 2024 ước đạt khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, giảm 6% so với niên vụ trước đó. Niên vụ 2024 - 2025 (hiện đang trong giai đoạn thu hoạch) được dự báo tiếp tục giảm.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo sản lượng niên vụ hiện tại giảm khoảng 5%.

Đồng thời cho biết tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang gặp khó khăn.

“Thời điểm này tìm được đơn hàng không phải dễ vì các nhà nhập khẩu năm nay cũng có lựa chọn khác. Những công ty xuất khẩu nào năm vừa rồi có tỷ lệ giao hàng chậm chễ cao thì khách hàng không mua nữa. Đơn hàng của một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn năm nay chỉ bằng 50% so với năm ngoái vì tỷ lệ giao chậm nhiều”, ông Hải nói.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Như vậy, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,22 triệu tấn, tương ứng kim ngạch thu về 4,93 tỷ USD, giảm 14% về lượng nhưng lại tăng 35,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù lượng xuất khẩu giảm nhưng nhờ giá tăng mạnh nên kim ngạch xuất khẩu cà phê đã vượt xa con số 4,24 tỷ USD của cả năm 2023 và thiết lập mốc kỷ lục mới.

Giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 11 tháng năm nay đạt bình quân 4.052 USD/tấn, tăng 57,4% (1.478 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2023.

Tính riêng trong tháng 11, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 5.581 USD/tấn, tăng 86% so với cùng kỳ, nhưng đã hạ nhiệt và giảm 2,4% so với tháng trước.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Về thị trường xuất khẩu, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm, chiếm 38,4% tổng kim ngạch xuất khẩu với khối lượng đạt 477.859 tấn, kim ngạch trên 1,89 tỷ USD, giảm 8,2% về lượng nhưng tăng 50,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kim ngạch cà phê xuất khẩu sang các thị trường lớn như Đức đạt 535,6 triệu USD, tăng 39,4%; Italy đạt 402,6 triệu USD, tăng 43,3%; Tây Ban Nha đạt 409,9 triệu USD, tăng 89,1%...

Ngoài EU, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường hàng đầu khác như Nhật Bản, Mỹ, Nga đều giảm mạnh về lượng nhưng kim ngạch lại tăng lần lượt là 33,3%, 9% và 17,3%.

Trong khi đó, châu Á đang nổi lên trở thành khu vực xuất khẩu nhiều tiềm năng của Việt Nam với lượng và kim ngạch tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia…

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Niên vụ 2024-2025, giá cà phê cao hơn 90% so với vụ trước

Ở trong nước, mặc dù Việt Nam đang trong vụ thu hoạch nhưng giá cà phê vẫn tăng mạnh theo đà tăng của thị trường thế giới. Theo đó, giá cà phê hôm 17/12  tại khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 123.200 – 125.000 đồng/kg, tăng 700 – 800 đồng/kg so với ngày hôm trước và cao hơn gần 90% so với mức giá 65.500 – 66.200 của cùng kỳ năm ngoái.   

Trên thị trường thế giới, đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 17/12, giá robusta hợp đồng giao tháng 1/2025  trên sàn London tiếp tục tăng 21 USD/tấn so với phiên giao dịch trước, lên mức 5.230 USD/tấn.

Còn trên sàn giao dịch New York, giá arabica hợp đồng giao tháng 3/2025 tăng 2,47% (7,9 US cent/pound), lên 327,4 US cent/pound.

Trước đó, giá cà phê robusta đã có thời điểm tăng lên mức cao kỷ lục vào cuối tháng 11 và arabica đạt cao nhất trong gần 50 năm vào hôm 10/12.

Giá cà phê nhân toàn cầu liên tiếp đạt đỉnh mới do thời tiết bất lợi ở Brazil và Việt Nam - những quốc gia trồng cà phê hàng đầu thế giới, đã ảnh hưởng đến triển vọng sản lượng. 

Theo CNBC, đợt tăng giá phi mã của cà phê đang đi kèm với những lo ngại về vụ mùa năm 2025 tại Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới.

“Brazil đã trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm vào tháng 8 và tháng 9, sau đó là mưa lớn vào tháng 10, làm dấy lên lo ngại rằng mùa trổ hoa cà phê có thể thất bại,” ông Ole Hansen, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank (Đan Mạch), viết trong một báo cáo nghiên cứu công bố vào thứ Ba.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo bán niên công bố tháng trước dự báo sản lượng cà phê của Brazil trong năm 2024-2025 đạt 66,4 triệu bao (mỗi bao 60 kg), trong đó có 45,4 triệu bao arabica và 21 triệu bao robusta. Con số này giảm 5,8% so với dự báo trước đó, do điều kiện thời tiết không ổn định ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của cây, đặc biệt là arabica.

“Đây sẽ là vụ thu hoạch arabica đáng thất vọng thứ 5 liên tiếp tại Brazil do thời tiết bất lợi,” ông Carlos Mera, Trưởng bộ phận thị trường hàng hóa nông nghiệp tại Rabobank, trả lời phỏng vấn tờ CNBC.

Về triển vọng trong thời gian tới, ông Mera dự đoán giá cà phê “chắc chắn có thể tăng cao hơn nữa” từ mức kỷ lục hiện tại.

Một số chuyên gia nhận định, điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Brazil có thể khiến giá cà phê khó giảm trong thời gian ngắn.

Hoàng Hiệp