Giá cà phê tăng cao kỷ lục, doanh nghiệp lo lắng khó chốt đơn hàng
Xuất khẩu cà phê chạm đáy nhiều năm
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11 đạt 63.019 tấn, kim ngạch 351,7 triệu USD, giảm mạnh 47% về lượng và 1,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây cũng là khối lượng xuất khẩu thấp nhất trong các tháng 11 kể từ trước năm 2009 đến nay. Nguyên nhân được cho là do lượng tồn kho ở mức thấp trong khi vụ thu hoạch mới bị gián đoạn bởi thời tiết bất lợi và thiếu đơn hàng.
Sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2023 - 2024 ước đạt khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, giảm 6% so với niên vụ trước đó. Niên vụ 2024 - 2025 (hiện đang trong giai đoạn thu hoạch) cũng được dự báo tiếp tục giảm khoảng 5%.
Bên cạnh đó, giá cao cũng là nguyên nhân khiến đơn hàng ít dần. Trao đổi với chúng tôi bên lề Hội nghị Cà phê Quốc tế Châu Á hồi đầu tháng 12, ông Thái Như Hiệp- Chủ tịch HĐTV Kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết mức giá hiện tại “quá không hợp lý” để các nhà rang xay tham gia vào thị trường. Bên cạnh đó, trong tháng 11 - 12, nhiều nhà rang xay đã mua đủ hàng từ những quốc gia khác, còn ở Việt Nam thì không nhiều.
“Các nhà rang xay chỉ chờ qua tháng 3, 4, 5 năm sau khi hàng tồn kho cạn dần thì mới bắt đầu mua hàng mới. Thị trường đang thể hiện sức mua rất chậm. Nếu không có sức mua từ nay đến Tết thì không biết thế nào? Giới đầu cơ tài chính sẽ nghĩ thế nào?”, ông nói.
Tiếp nối đà tăng tới 70% trong năm 2023, giá cà phê trong năm 2024 liên tục thiết lập những kỷ lục mới và hiện giá cao gần gấp đôi so với đầu năm.
Giai đoạn cuối năm nay, sức nóng giá cà phê thế giới và trong nước dường như vẫn chưa có dấu hiệu dịu lại, thậm chí còn “tăng nhiệt” khi thiết lập kỷ lục mới (5.300 USD/tấn ở thị trường thế giới và 130.000 đồng/kg ở thị trường nội địa).
“Bản chất đà tăng giá này là trò chơi của giới đầu cơ tài chính, không phản ánh bản chất cung - cầu thực sự của thị trường. Điều này gây ra rủi ro cho thị trường cà phê niên vụ 2024 - 2025. Tình hình trở nên phức tạp khi nhà xuất khẩu có đơn hàng thì lại lo không mua đủ cà phê để giao. Còn nhập khẩu mua được hàng rồi thì không biết có bán được cho người tiêu dùng không vì biến động của thị trường cực lớn”, ông Hiệp nói.
Ông cho biết các nhà xuất khẩu của Việt Nam đã nhìn ra câu chuyên này và hiện đang rất thận trọng, nhất là trong bối cảnh thị trường cà phê trong một năm qua đầy biến động.
“Trong niên vụ 2024 - 2025, nếu giá cà phê giữ được như hiện tại thì có thể đem về kim ngạch 7 tỷ USD - con số cực kỳ tốt 28 năm qua. Nhưng để đạt con số này còn phụ thuộc vào sản lượng năm sau. Phải sang quý I/2025 thì mới xác định được sản lượng thế nào”, ông Hiệp nói.
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, kết thúc niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm nay), Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 1,47 triệu tấn cà phê, giảm 11,3% so với niên vụ trước. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu trong niên vụ vừa vẫn tăng tới 33%, lên mức 5,42 tỷ USD - cao nhất trong lịch sử.
Chia sẻ với chúng tôi ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang gặp khó khăn.
“Thời điểm này tìm được đơn hàng không phải dễ vì các nhà nhập khẩu năm nay cũng có lựa chọn khác. Những công ty xuất khẩu nào năm vừa rồi có tỷ lệ giao hàng chậm chễ cao thì khách hàng không mua nữa. Đơn hàng của một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn năm nay chỉ bằng 50% so với năm ngoái vì tỷ lệ giao chậm nhiều”, ông Hải nói.
Mức giá thế nào là hợp lý?
Ở thời điểm hiện tại, giá cả dường như là yếu tố mà các nhà tham gia thị trường đang chờ đợi. Các nhà nhập khẩu có nhu cầu hàng thực đang chờ đợi một mức giá hợp lý để “khớp lệnh”. Còn với những nhà xuất khẩu, giá cà phê cũng cần phải trải qua một đợt điều chỉnh để thị trường trở nên bền vững.
Câu hỏi đặt ra lúc này là vậy đâu là mức giá hợp lý mà tại đó tất cả thành phần tham gia thị trường đều có lợi?
Theo ông Hiệp, mức giá hợp lý là quanh mốc 100.000 đồng/kg bởi với giá này, người nông dân sẽ vẫn duy trì chăm sóc diện tích cà phê hiện có. Nếu giá giảm mạnh như những năm trước, họ sẽ chuyển sang những loại cây trồng khác và vòng lặp thiếu cung - dư cầu, giá cà phê tăng mạnh lại diễn ra. Bản chất đợt tăng giá vừa qua cũng một phần lớn vì những năm trước, khi giá cà phê về còn 30.000 - 40.000 đồng/kg, nhiều người bỏ vườn, chuyển sang loại cây khác, khiến sản lượng giảm.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp xuất khẩu - nhập khẩu cần thúc đẩy kinh tế chia sẻ, giúp duy trì diện tích trồng bền vững. Các nhà rang xay cần nhìn ra đâu là cái giá phù hợp cho người trồng tiếp tục đầu tư cho các vườn cây cà phê để cung cấp hàng cho họ.
“Tôi cho rằng diện tích khó lòng mở rộng vì những quy định nghiêm ngặt về phòng chống phá rừng mà mà EU đưa ra (EUDR). Sản lượng nếu tăng thì nhờ yếu tố duy nhất là những vườn cây được tái canh trong những năm gần đây”, ông nói thêm.
Chủ tịch Vicofa cho rằng giá cà phê có thể điều chỉnh trong thời gian tới nhưng sẽ không xuống quá sâu. Trong dài hạn, có nhiều yếu tố hỗ trợ cho giá vì tình hình - cầu vẫn chưa thể cân đối. Ngoài ra, theo ông về dài hạn, giá cà phê còn được hỗ trợ bởi các yếu tố như cước vận tải tăng cao, căng thẳng địa chính trị, sản lượng giảm do biến đổi khí hậu.
Đối với thị trường thế giới, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Intimex, cho rằng giá cà phê sẽ điều chỉnh trong ngắn hạn.
“Xu hướng chung của thị trường trong thời gian tới có thể là điều chỉnh vì giá đã quá cao. Tuy nhiên, giá sẽ không xuống mức quá thấp. Theo tôi giá cà phê robusta trên sàn London giảm xuống mốc 4.000 USD/tấn là hợp lý nhất”, ông Nam nói.