Ứng dụng nhiều giải pháp để hạn chế rủi ro cho tín dụng tiêu dùng
Kiểm soát tín dụng bất động sản | |
Bùng nổ tín dụng tiêu dùng: Giải pháp nào để kiểm soát rủi ro? |
Triển khai số hóa và tự động hóa quy trình phục vụ khách hàng được xem là một trong những giải pháp giúp giảm rủi ro cho hệ thống tín dụng tiêu dùng. Ảnh minh họa: Uyên Viễn. |
Dư nợ cho vay tiêu dùng tăng 32,5%
Những năm gần đây, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đã khởi sắc nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng so với mức tăng tín dụng toàn ngành.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến cuối tháng 12-2017, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống tăng 32,5% so với tháng 1-2017. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động cho vay tiêu dùng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
TS. Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, phân tích sự phát triển của hoạt động cho vay tiêu dùng chính là sự mở rộng tiếp cận tài chính cho người dân đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi, người không có thu nhập cao, chủ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đây là những đối tượng có nhu cầu vay vốn cao nhưng lại không tiếp cận được dịch vụ từ ngân hàng vốn yêu cầu khá khắt khe.
Đơn cử, các hộ nông dân có thể vay tiêu dùng mua xe máy để vừa làm phương tiện đi lại, vừa là phương tiện kinh doanh, giúp họ tham gia các hoạt động thương mại trong khu vực rộng hơn, có nhiều lợi nhuận hơn.
TS. Nguyễn Tú Anh cũng cho rằng, sự phát triển cho vay tiêu dùng cũng làm cho việc sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển cho vay tiêu dùng còn giúp thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị sản xuất, bán lẻ và các nhà phân phối, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Như vậy, cho vay tiêu dùng phát triển chính là điều kiện cần thiết để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp phát triển, đặc biệt là tại các nền kinh tế mà các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp còn rất ít và mỏng như Việt Nam. Trên góc độ vĩ mô, cho vay tiêu dùng phát triển giúp tăng tổng cầu qua đó tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Tú Anh cũng chỉ ra rằng, cho vay tiêu dùng là lĩnh vực còn mới ở Việt Nam, nên kinh nghiệm cho vay, kinh nghiệm quản lý rủi ro của cả các TCTD và người đi vay còn non trẻ.
Sự phát triển nhanh của hoạt động cho vay tiêu dùng đã và đang đặt ra rất nhiều vấn đề về quản lý rủi ro đối với tất cả các bên tham gia hoạt động này, đòi hỏi các công ty tài chính và cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường phương thức quản lý nhằm giảm thiểu rủi ro cho chính doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Áp dụng công nghệ để hạn chế rủi ro
Theo các chuyên gia tài chính, để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động cho vay tiêu dùng, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý với hoạt động này, nỗ lực giảm lãi suất cho vay tiêu dùng xuống mức hợp lý của các TCTD cũng sẽ tạo ra những tác động tích cực.
Thực tế cho thấy, xu hướng cạnh tranh khá rõ giữa các công ty tài chính hiện nay là giảm lãi suất cho vay cũng như đa dạng hóa các hình thức trả góp lãi suất 0%, trả trước 0 đồng, tặng lãi khi thanh toán trước hạn để thu hút khách hàng.
Các công ty tài chính cũng đẩy mạnh triển khai cho vay dựa trên nền tảng thuật số, triển khai số hóa và tự động hóa quy trình phục vụ khách hàng. Những điều này sẽ giúp khách hàng nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận khoản vay với chi phí ngày một hợp lý hơn.
Phó tổng giám đốc phụ trách khối Dịch vụ tài chính EY Việt Nam, bà Nguyễn Thùy Dương bổ sung thêm rằng, mặc dù thu hút khách hàng, mở rộng thị phần là mục tiêu hàng đầu, song việc bảo đảm nguyên tắc quản lý hiệu quả rủi ro tín dụng vẫn luôn phải được các công ty tín dụng “khắc cốt ghi tâm”.
Việc ứng dụng những công nghệ mới vào các hoạt động chuyên môn cũng đã giúp các công ty tài chính nâng cao tính minh bạch và an toàn hệ thống. Đặc biệt, công nghệ mới sẽ giúp các công ty tài chính ghi lại mọi dấu vết giao dịch và không thể đảo ngược hay sửa đổi được, qua đó góp phần minh bạch hóa số liệu cũng như giảm thiểu những rủi ro phát sinh.