|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhà băng 'giấu' tín dụng bất động sản vào tầm ngắm

21:28 | 19/08/2018
Chia sẻ
Công ty tài chính không phải là đối tượng chính được cơ quan quản lý nhắm tới trong chủ trương siết tín dụng tiêu dùng lần này. Tuy nhiên, những ngân hàng lâu nay nhập nhèm dư nợ cho vay bất động sản vào tín dụng tiêu dùng bắt đầu phải lo lắng.

Lôi tín dụng bất động sản “ẩn nấp” trong tín dụng tiêu dùng ra ánh sáng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa yêu cầu siết tín dụng một số lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán, BOT, BOT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Riêng về tín dụng tiêu dùng, NHNN yêu cầu: “Kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản”.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, NHNN định hướng giảm dần dư nợ cho vay với tín dụng tiêu dùng. Năm 2018, NHNN đặt mục tiêu tín dụng tiêu dùng chỉ tăng khoảng 20%, giảm mạnh so với năm 2017 (tăng 30%).

nha bang giau tin dung bat dong san vao tam ngam
Già nửa tổng tín dụng tiêu dùng trong năm qua được sử dụng để mua nhà ở. Ảnh: Đức Thanh

Theo ông Hùng, cho vay tiêu dùng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên việc “hãm” là cần thiết. Dù vậy, NHNN cũng sẽ không giảm sâu, mà duy trì ở mức tăng trưởng 20% để đảm bảo nhu cầu vay của người tiêu dùng.

Việc NHNN siết tín dụng tiêu dùng khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi tuy đây là lĩnh vực tăng trưởng “nóng” thời gian qua, song tỷ lệ vẫn còn nhỏ bé. Thị trường cho vay tiêu dùng ở nước ta mới đang ở giai đoạn đầu phát triển.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, chỉ thị mới của NHNN không siết chung tín dụng tiêu dùng, mà chỉ nhắm vào tín dụng bất động sản lâu nay “ẩn nấp” trong tín dụng tiêu dùng. Nói cách khác, trong đợt siết tín dụng tiêu dùng lần này, các ngân hàng mạnh tay cho vay mua nhà đang trong tầm ngắm, trong khi công ty tài chính - vốn không cho vay mua nhà, sửa nhà - ít bị ảnh hưởng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết: “Nếu đọc kỹ Chỉ thị 04/2018/CT-NHNN, có thể thấy, NHNN không siết tín dụng tiêu dùng nói chung, mà chỉ nhắm vào tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản. Như tôi đã nhiều lần kiến nghị, vay sửa chữa nhà có thể tính là vay tiêu dùng, nhưng vay mua nhà là khoản đầu tư, chứ không phải tiêu dùng. NHNN đã có quy định liên quan đến vấn đề này, nhưng chưa rõ ràng, nên một số ngân hàng vẫn nhập nhằng tín dụng bất động sản vào tín dụng tiêu dùng. Vì vậy, việc NHNN kiểm tra, bóc tách để nhận diện rõ ràng tín dụng bất động sản là hợp lý”.

Cũng theo TS. Lực, hiện nay, dư nợ cho vay mua nhà, sửa nhà chiếm trên 50% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng (tập trung ở khối ngân hàng thương mại), nên nếu như các khoản vay này bị bóc tách ra khỏi tín dụng tiêu dùng, thì tăng trưởng lĩnh vực này sẽ giảm mạnh mà không cần siết chung tín dụng tiêu dùng.

Cho vay bất động sản đã đáng báo động?

Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế gới, dòng vốn được rót từ ngân hàng vào chứng khoán, bất động sản dưới “mác” tín dụng tiêu dùng.

TS. Đỗ Hoài Linh (Đại học Kinh tế quốc dân) cho hay, hiện tượng này từng xảy ra tại Trung Quốc và Thái Lan, dẫn tới sự sụp đổ của hàng loạt công ty tài chính. Đây cũng là bài học cho các ngân hàng, công ty tài chính ở Việt Nam.

“Năm 2017, tín dụng tiêu dùng cho vay mua nhà ở nước ta tăng 38,4%, chiếm tới 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng. Điều này cho thấy, dòng vốn vay tiêu dùng đổ vào bất động sản là hiện hữu. Tăng trưởng dư nợ cho vay mua nhà quá cao sẽ đẩy đầu cơ lên cao, nên tiềm ẩn nguy cơ bong bóng”, TS. Linh cảnh báo.

Theo thống kê của NHNN, tín dụng tiêu dùng đã lên tới trên 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ nền kinh tế, trong khi tín dụng bất động sản chỉ chiếm khoảng 7%. Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã nhiều lần cảnh báo, một lượng lớn tín dụng bất động sản đang ẩn nấp trong tín dụng tiêu dùng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, nếu tính đầy đủ, tín dụng bất động sản hiện chiếm 15 - 20% tổng dư nợ của nền kinh tế (nếu bóc tách kỹ từ tín dụng tiêu dùng, tín dụng xây dựng…).

Tín dụng bất động sản thực tế cao hơn con số thống kê, cùng với những cảnh báo liên tục của NHNN khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng tín dụng bất động sản thực đang ở mức đáng báo động?

Trả lời câu hỏi này của phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực nhận định, tín dụng bất động sản ở nước ta hiện chiếm tỷ trọng thấp và trong tầm kiểm soát. Việc yêu cầu siết chặt của NHNN là để giám sát, quản lý rủi ro.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín (CEO Trường Doanh nhân BizLight) cho rằng, việc siết chặt tín dụng bất động sản là động thái cơ cấu lại dòng vốn của NHNN, nhằm chuyển vốn từ lĩnh vực không ưu tiên sang lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Động thái này cũng cho thấy, NHNN ngày càng quản lý tốt hơn, chứ không phải tín dụng bất động sản đang ở mức báo động.

Một nguyên nhân nữa khiến NHNN siết tín dụng bất động sản là hiện nay, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng đang khá thấp. Tính toán cho thấy, nếu thực hiện theo chuẩn Basel II, CAR của nhiều ngân hàng sẽ chỉ còn 6 - 7%, tức là không đạt mức tối thiểu. Trong khi đó, cho vay bất động sản có trọng số rủi ro cao (250%), buộc ngân hàng phải co hẹp cho vay lĩnh vực này để bảo vệ hệ số CAR.

Xem thêm

Hà Tâm