|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bùng nổ tín dụng tiêu dùng: Giải pháp nào để kiểm soát rủi ro?

07:04 | 24/05/2018
Chia sẻ
Thị trường tín dụng tiêu dùng đang ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng từ cả phía cung và phía cầu. Tuy nhiên đi kèm với đó là những rủi ro đến từ thói quen quản lý tài chính cá nhân của người đi vay và áp lực quản lý nợ xấu. Đó cũng là thách thức đặt ra đối với nhà quản lý khi tính toán những giải pháp nhằm kiểm soát tốt thị trường tín dụng tiêu dùng giai đoạn bùng nổ như hiện nay.
bung no tin dung tieu dung giai phap nao de kiem soat rui ro Bộ Xây dựng: Không nên tính khoản cho vay mua nhà là tín dụng tiêu dùng
bung no tin dung tieu dung giai phap nao de kiem soat rui ro NIM 2018 của VPBank có thể tăng cao nhất, khả năng mất kiểm soát nợ xấu trước tín dụng tiêu dùng

Tăng trưởng ấn tượng cả cung lẫn cầu

Hoạt động tín dụng tiêu dùng tiếp tục đạt được sự tăng trưởng ấn tượng trong vài năm trở lại đây từ cả về phía cung và phía cầu. Về phía cầu, mức sống ngày càng nâng cao cùng với sự lạc quan về triển vọng thu nhập trong tương lai khiến người dân sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn ở hiện tại.

Tính bình quân trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bình quân 10%/năm. Cơ cấu dân số trẻ khiến việc lập kế hoạch chi tiêu cho gia đình trở nên dễ dàng hơn, cùng với đó người trẻ cũng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm tài chính mới, thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng với các khoản vay thường giá trị thấp và cần thủ tục nhanh gọn.

Về phía cung, với việc biên độ lãi suất cho vay tiêu dùng rất cao, đóng góp lợi nhuận rất lớn, nhiều ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh mảng cho vay ở phân khúc này trong giai đoạn gần đây, kể cả những ngân hàng bán buôn. Hàng loạt ngân hàng đang hướng hoạt động vào cho vay tiêu dùng thông qua việc mua lại hoặc thành lập các công ty tài chính.

Tính đến hết năm 2017, nước ta có 16 công ty tài chính (CTTC) đang hoạt động với tổng vốn điều lệ đạt 17.468 tỷ đồng, tương đương với vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại tốp 5.

Trong đó chỉ tính riêng trong năm 2017, nhiều CTTC mới đã được thành lập trên cơ sở mua lại/tái cơ cấu các CTTC hoạt động chưa hiệu quả, chẳng hạn như CTTC tiêu dùng SHB, MB Shinsei...

Bên cạnh đó, hàng loạt các trung gian cho vay tiêu dùng ứng dụng công nghệ mạnh mẽ như F88, Tima.vn, DoctorDong.vn... mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng khiến thị trường càng thêm sôi động.

Việc các ngân hàng mở ra các công ty tài chính tiêu dùng trước hết là một xu thế tất yếu, khi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào tiêu dùng. Đồng thời cũng là đáp ứng nhu cầu hiện đang tăng nhanh của người dân, ngoài ra tín dụng tiêu dùng còn là công cụ hữu hiệu để giải quyết các nhu cầu của người dân, để dẹp bỏ tín dụng đen, để dần dần chính thức dòng vốn di chuyển trong dân cư chứ không phải với tư cách là nhà đầu cơ.

bung no tin dung tieu dung giai phap nao de kiem soat rui ro
Tín dụng tiêu dùng nếu không kiểm soát được rủi ro, sẽ dẫn đến nguy cơ “bong bóng” tín dụng tài chính cá nhân, và nợ xấu trong hoạt động cho vay sẽ ngày một gia tăng.

Các giải pháp kiểm soát rủi ro

Vấn đề pháp lý đối với hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn chưa hoàn chỉnh. Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/3/2017 nhưng chỉ quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng trực tiếp giữa bên cho vay với khách hàng. Trong khi đó, thị trường đã xuất hiện một số hình thức mới nằm ngoài sự điều chỉnh của quy định này.

Chẳng hạn, vấn đề pháp lý đối với hoạt động của các nền tảng hỗ trợ cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer), tức là các bên trung gian kết nối người có tiền rảnh rỗi với những người có nhu cầu vay tiền - chẳng hạn như Tima.vn, vẫn chưa được điều chỉnh nên đang tạo ra nhiều tranh cãi. Điều này dẫn đến rủi ro cho tất cả các bên. Bên trung gian có thể bị đóng cửa bất cứ lúc nào, bên cho vay gặp rủi ro mất vốn, và bên đi vay có thể phải vay nặng lãi.

Do đó, hoạt động cho vay tiêu dùng đang được nhìn nhận là có mức độ rủi ro cao, nhất là khi các khoản vay chủ yếu là tín chấp, trong khi người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của lịch sử tín dụng của chính bản thân, đặc biệt là khi thị trường cho vay phi chính thức vẫn còn đất sống mạnh mẽ.

Để giảm thiểu rủi ro, tránh nặng lãi, nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng, trước hết cho vay tiêu dùng đòi hỏi phải có một số điều kiện để kiểm soát được như phải có cơ sở dữ liệu về khách hàng thật tốt; phải có nghiên cứu về nhu cầu của khách hàng; phân loại, xếp hạng khách hàng… Tất cả những thông tin này phải được cập nhật thường xuyên khi có sự thay đổi về khách hàng.

Ngoài ra, phải có hệ thống quản lý nợ khoa học bao gồm: đánh giá cảnh báo sớm, thu hồi nợ chặt chẽ, dứt khoát. Có trích lập dự phòng rủi ro để xử lý trong trường hợp cần thiết vì đây là thị trường khá rủi ro.

Đồng thời, trong quản lý cho vay tiêu dùng phải lưu ý một số vấn đề quan trọng. Quản lý phải phòng ngừa rủi ro về kho quỹ để chống gian lận mà thoả hiệp giữa cán bộ tài chính tiêu dùng với người vay; hai là, giám sát các hợp đồng tín dụng chặt chẽ, tránh tình trạng gian lận ngay khi làm hợp đồng. Ví dụ, người đi vay chưa tốt nghiệp Đại học nhưng lại khai tốt nghiệp Đại học, công việc không ổn định lại khai là ổn định, thu nhập được 5 triệu đồng thì khai là 10 triệu đồng để được vay nhiều hơn...

Muốn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn phải ổn định nguồn vốn. Các ngân hàng nên có kế hoạch nguồn vốn (bagetplan), chi tiết từng tháng, từng quý, thậm chí là từng tuần để bảo đảm tính thanh khoản, đảm bảo vốn thu về và nợ cho vay là cân bằng; tránh tình trạng dùng các thủ pháp chuyển tiền từ ngân hàng sang cứu trợ công ty tài chính tiêu dùng khi công ty này mất cân đối.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cần sớm được hoàn thiện, tạo sân chơi công bằng cho cả bên cho vay, bên đi vay và các trung gian. Một số quy định sẽ được triển khai sớm đó là việc buộc các công ty cho vay tiêu dùng phải niêm yết lãi suất cho các sản phẩm cụ thể. Điều này giúp người vay chủ động có được sự lựa chọn tốt nhất cho mình.

Phi Nam