|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thép 2024: Phục hồi trong bất định

08:06 | 26/12/2024
Chia sẻ
Ngành thép trong năm 2024 bắt đầu phục hồi nhưng không quá nổi bật khi lượng tiêu thụ tăng 13% trên mức nền thấp của năm ngoái. Đồng thời, thị trường còn nhiều yếu tố bất định khi Trung Quốc - quốc gia có sức ảnh hưởng đến thép thế giới, được dự báo nhu cầu thép tiếp tục giảm vào năm sau.

Những bước tiến đầu tiên trong quá trình phục hồi

Ngành thép 2024 đã có những dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài lao dốc. Theo đó, lượng bán hàng thép thành phẩm các loại trong 11 tháng đạt 26,7 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khoảng cách giữa sản xuất - tiêu thụ được co hẹp chỉ còn hơn 170.000 tấn, so với con số hơn 1,3 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái.  Trong đó, mặt hàng tôn mạ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất với lượng bán hàng tăng gần 33% lên hơn triệu tấn. Điều này một phần kéo theo tiêu thụ thép cuộn cán nguội (nguyên liệu sản xuất tôn mạ) tăng 41%. 

Bán hàng thép xây dựng tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 11 triệu tấn, chiếm khoảng 42% trong cơ cấu bán hàng thép thành phẩm. Trong đó, riêng trong tháng 10 lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng tới 44% so với cùng kỳ lên 1,25 triệu tấn. Con số này thậm chí cao hơn so với tháng 10/2021 - thời kỳ đỉnh cao của ngành thép. 

 

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết thị trường thép trong nước ghi nhận những tác động tích cực từ nhu cầu về tôn mạ, thép xây dựng để lợp lại nhà cửa, sửa chữa các công trình bị hư hỏng của cơn bão Yagi và một số cơn bão miền Trung trong tháng 9.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản có những dấu hiệu khởi sắc. Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 diễn ra ngày 8/11, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản đang nóng lên, đang sôi động hơn và đang sốt giá,...

Các số liệu đang cho thấy, thị trường bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Trong ba quý đầu năm 2024 có gần 40.000 sản phẩm được đưa vào thị trường. Tỷ lệ hấp thụ cũng ở mức tốt. 

Ngoài ra, hoạt động sản xuất công nghiệp trong 11 tháng cũng tăng trưởng tốt. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tuy nhiên, thép cuộn cán nóng lại đi ngược xu thế phục hồi của các sản phẩm thép khác khi doanh số bán hàng giảm 2,2%. Trong đó, riêng xuất khẩu giảm tới hơn 30%. Riêng trong tháng 11, xuất khẩu lao dốc hơn 70% xuống hơn 101.000 tấn. Đây đồng thời là tháng giảm xuất khẩu thứ 3 liên tiếp của mặt hàng thép này. 

Xuất khẩu khó khăn, các doanh nghiệp đẩy mạnh việc bán hàng trong nước. Điều này thể hiện rõ trong cơ cấu thị trường tiêu thụ thép HRC. Theo đó, tỷ trọng xuất khẩu trong cơ cấu tiêu thụ thép HRC nội địa còn khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với mức 50% của 11 tháng 2023. Tính riêng tháng 11, con số này chỉ khoảng 20% trong khi năm ngoái là gần 60%.

Lượng tiêu thụ thép HRC ở thị trường nội địa trong 11 tháng năm nay đạt gần 3,9 triệu tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Bán hàng - tiêu thụ các sản phẩm thép trong 11 tháng năm 2024

Sóng gió từ các thị trường xuất khẩu

Ngành thép phục hồi trong “cơn bão” của các cuộc điều tra chống bán giá, chống trợ cấp mà các nước khởi xướng. Tỷ lệ xuất khẩu thép thành phẩm các loại trong 11 tháng năm nay bị co hẹp xuống 28%, từ mức 31% của cùng kỳ năm ngoái.

Làn sóng phòng vệ thương mại của thế giới đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam trỗi dậy trong nửa cuối năm nay. Theo đó, chỉ tính từ tháng 6, đã có tới 7 vụ việc các nước sử dụng các biện pháp liên quan đến phòng vệ thương mại mặt hàng thép. Trong đó bao gồm 6 vụ khởi xướng điều tra, và 1 vụ kết luận. 

STT

Thời gian

Vụ việc điều tra/kết luận PVTM thép nhập khẩu từ Việt Nam nửa cuối năm 2024

1

08/08/2024

EU điều tra CBPG thép HRC

2

14/08/2024

Ấn Độ điều tra CBPG thép HRC

3

04/09/2024

Canada kết luận cuối cùng điều tra CBPG dây thép

4

24/09/2024

Australia điều tra thanh cốt thép cán nóng

5

25/09/2024

Mỹ điều tra CBPG, chống trợ cấp thép CORE

6

03/10/2024

Thái Lan điều tra CBPG thép không gỉ cán nguội

7

14/10/2024

Malasia điều tra CPPG thép dây

Nguồn: Cục Phòng vệ Thương mại (H.Mĩ tổng hợp)

Mặt hàng thép mà các nước khởi xướng điều tra/ áp thuế bao gồm thép cuộn cán nóng, dây thép, thép chống ăn mòn (CORE), thanh cốt thép cán nóng,.... Trong đó, riêng mặt hàng thép HRC, có hai thị trường lớn là Ấn Độ và EU đồng loạt khởi xướng điều tra chống bán phá giá trong tháng 8. 

Tại thị trường EU, nguyên đơn là Hiệp hội Thép Châu Âu (Eurofer) cáo buộc rằng thép HRC nhập khẩu từ Việt Nam và Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản tăng tổng thể theo giá trị tuyệt đối và thị phần, theo Steel Orbis. 

Eurofer cũng cung cấp bằng chứng cho thấy việc nhập khẩu sản phẩm này từ Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam có tác động tiêu cực đến khối lượng bán ra, mức giá bán và thị phần mà ngành công nghiệp EU nắm giữ. Điều này dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi đáng kể đối với hiệu suất tổng thể, tình hình tài chính và tình trạng việc làm của ngành công nghiệp EU.

Đối với Ấn Độ, nguyên đơn là Hiệp hội Thép Ấn Độ cũng đưa ra lý do tương tự khi yêu cầu chính phủ nước này điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Việt Nam, theo Argus Media. 

Các nhà sản xuất thép này cáo buộc rằng thép HRC nhập khẩu được bán phá giá. Đồng thời, mức giá thấp này gây áp lực lên giá cả trong nước, làm tổn hại thị phần, lợi nhuận và lợi tức đầu tư của các nhà sản xuất thép trong nước.

Theo dữ liệu từ Ủy ban nhà máy liên hợp của Bộ Thép Ấn Độ, lượng nhập khẩu thép thành phẩm từ Việt Nam đã tăng gấp đôi so với năm trước, đạt 737.000 tấn trong năm tài chính từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024. Con số này chiếm gần 9% tổng lượng nhập khẩu thép thành phẩm của Ấn Độ. Động thái của Ấn Độ được đưa sau khi Việt Nam cũng khởi xướng thép HRC nhập khẩu từ nước này hồi tháng 7. 

Hiện tại, EU là thị trường xuất khẩu thép các loại lớn thứ hai của Việt Nam (sau ASEAN), chiếm 25% tỷ trọng; Ấn Độ đứng thứ 5 với 4%. 

Một trường hợp khác cũng được quan tâm là Mỹ khởi xướng điều tra kép chống bán phá giá; chống trợ cấp với thép chống ăn mòn (CORE) nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), Mỹ cáo buộc biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 195,23% (cao hơn so với biên độ phá giá cáo buộc trong Đơn kiện, và cao nhất trong số 10 nước bị điều tra).

Đối với điều tra trợ cấp, Mỹ đã khởi xướng điều tra 26 chương trình trợ cấp từ Chính phủ thuộc các nhóm chương trình cho vay, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi miễn và hoàn thuế nhập khẩu, ưu đãi về đất,….

Bình luận về việc thép Việt Nam gần đây liên tục trở thành đối tượng điều tra của các nước, trao đổi với chúng tôi, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thép luôn là mặt hàng “nhạy cảm” trên thế giới. 

“Thép luôn là mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất thế giới. Đến một thời điểm nào đó, mặt hàng thép lại trở thành mục tiêu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các nước”, ông nói.

Theo Business Standard, các nhà sản xuất thép Ấn Độ đã báo động tình trạng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc chuyển hướng qua Việt Nam theo hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN trong một thời gian. Việc nhập khẩu với giá thấp hơn đã tác động đến giá thép trong nước. Do đó, họ muốn chính phủ áp thuế chống bán phá giá thép HRC Việt Nam. 

Tuy nhiên, ông Trung khẳng định thép HRC của Việt Nam bị điều tra không liên quan đến hàng của Trung Quốc.

“Các vụ điều tra gần đây của các nước đối với sản phẩm thép Việt Nam không phải liên quan đến hành vi lẩn tránh thuế. Trước đây, một số vụ việc điều tra lẩn tránh thuế thép Việt Nam là do doanh nghiệp sử dụng thép cán nóng của Trung Quốc để sản xuất thép cán nguội và một số sản phẩm khác để xuất khẩu. Nhưng hiện tại Việt Nam đã có 2 doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng là Hoà Phát và Formosa”, ông Trung cho biết.

 Ảnh minh hoạ: H.Mĩ

Triển vọng phục hồi còn nhiều trắc trở

Sự phục hồi của ngành thép năm nay bên cạnh các yếu tố cơ bản như thị trường bất động sản ấm dần lên, nhu cầu tái thiết sau bão, chính phủ đẩy mạnh đầu tư công,... thì không thể không kể đến yếu tố mức nền thấp của năm ngoái.

2023 là năm ngành thép vẫn ở quanh mức đáy khi thị trường bất động sản đóng băng và tình hình kinh tế khó khăn. Do vậy mức tăng trưởng hơn 10% chưa phải quá lớn đối với ngành. Điều này cũng một phần phản ánh thông qua tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản.

TS. Nguyễn Văn Đính cho biết mặc dù con số sản phẩm bất động sản được đưa vào thị trường trong năm 2024 và tỷ lệ hấp thụ đã cải thiện nhưng so sánhvới giai đoạn 2018 - 2019 thì vẫn còn khiêm tốn. Tức là thị trường mới đang khôi phục lại một phần nhỏ, chứ chưa phục hồi trở lại một cách thực sự như giai đoạn bình thường. 

Bên cạnh đó, giá thép xây dựng trong năm 2024 vẫn trong xu hướng giảm. Mức giá trung bình của thép cây CB300 tính đến cuối tháng 12 khoảng 13,7 triệu đồng/tấn, thấp hơn 14,4 triệu đồng/tấn hồi đầu năm. Dẫu vậy, với việc giá quặng sắt giảm mạnh, có thời điểm chạm đáy 2 năm xuống còn khoảng 92 USD/tấn giúp giảm bớt áp lực lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất bằng lò cao. 

 Nguồn: Steelonline (H.Mĩ tổng hợp)

Giới chuyên gia nhận định năm 2025, tốc độ phục hồi của ngành thép Việt Nam ra sao sẽ còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc - vốn cũng đang phải vật lộn để tiêu thụ lượng thép sản xuất khi ngành bất động sản vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, tiêu thụ thép của nước này được dự báo vẫn tiếp tục giảm trong năm 2025. 

Mới đây, Reuters dẫn báo cáo Viện Quy hoạch và Nghiên cứu Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc (MPI) cho biết nhu cầu thép của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm 1,5% vào năm 2025 và giảm 4,4% vào năm 2024 so với năm trước. Tiêu thụ thép của Trung Quốc trong các năm 2024 và 2025 được dự báo lần lượt đạt 863 triệu tấn và 850 triệu tấn.

Công ty tư vấn Mysteel dự báo tiêu thụ thép thô thực tế của Trung Quốc dự kiến giảm 0,4%, tương đương 3,7 triệu tấn, xuống còn 894,2 triệu tấn vào năm 2025.

Đối với lĩnh vực bất động sản, ngành sử dụng thép lớn nhất của Trung Quốc, dự kiến sẽ bước vào giai đoạn tái cơ cấu kéo dài sau khi chạm đáy, với khả năng phục hồi hình chữ V khó có thể xảy ra. Tổng diện tích dự án bất động sản khởi công mới trong năm 2025 có thể giảm 7-10% so với năm trước. Trong 11 tháng đầu năm 2024, diện tích xây dựng mới của Trung Quốc đạt 673,08 triệu m², giảm khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục đóng vai trò công cụ điều chỉnh chu kỳ quan trọng, dù tác động có thể giảm dần. Ngành sản xuất dự kiến duy trì đà phục hồi trong năm 2025, nhưng tốc độ sẽ chậm hơn.

Tổng thể, nhu cầu thép từ các ngành công nghiệp hạ nguồn chính được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm 2025, nhưng tốc độ suy giảm sẽ chậm lại.

Triển vọng ảm đạm nhu cầu thép của Trung Quốc của được phản ánh thông qua những dự báo về giá quặng sắt từ các tổ chức. Điển hình như mới đây, ngân hàng Goldman Sachs dự đoán giá quặng sắt sẽ giảm trong hai năm tới. Theo đó, giá quặng sắt có thể giảm xuống trung bình 95 USD/tấn trong năm 2025 và 90 USD/tấn vào năm 2026. Cuối năm 2026, giá có thể giảm xuống còn 84 USD/tấn.

Bà Aurelia Waltham, chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs, cho biết triển vọng bi quan của thị trường quặng sắt phản ánh ba yếu tố: lượng quặng sắt dự trữ tại các cảng Trung Quốc tăng, đồng tiền Trung Quốc mất giá và nhu cầu thép của Trung Quốc thấp hơn gây áp lực lên giá cả.

Trao đổi với chúng tôi ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research, cho rằng mặc dù ngành thép Việt Nam năm 2025 tiếp tục được hưởng lợi từ chu kỳ phục hồi ngành bất động sản và thúc đẩy đầu tư công nhưng giá thép khó lòng quay trở lại xu hướng tăng do còn phải phụ thuộc vào diễn biến tại thị trường Trung Quốc.

Theo ghi nhận của chuyên gia, trong quá khứ, chu kỳ giảm của giá thép Việt Nam và thế giới chỉ diễn ra khoảng 2 năm nhưng ở chu này đã kéo dài tới 3 năm. Ở thị trường Trung Quốc, nhu cầu thép của Trung Quốc được dự báo vẫn duy trì ở mức thấp. 

“Điều này ảnh hưởng đến việc giá thép khó phục hồi mạnh. Tuy nhiên, giá cũng khó lòng giảm sâu vì hiện công suất của Trung Quốc cũng đã giảm khá nhiều. Bên cạnh đó, vẫn có yếu tố hỗ trợ về giá liên quan đến biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của Trung Quốc. Nếu xảy căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc có thể có gói kích thích nền kinh tế trong nước”, ông Châu nói. 

Đối với hoạt động động xuất khẩu, ông Châu nhận định mức độ rủi ro của ngành thép khi tăng công suất sẽ phụ thuộc nhiều vào áp lực từ các vụ điều tra chống bán giá mà các nước đang tiến hành. Có thể sản lượng của các nhà máy vẫn tốt nhưng họ sẽ phải cắt giảm giá bán nhiều hơn nếu thị trường không như kỳ vọng.

Tuy nhiên, ông Châu cũng lưu ý rằng mức độ ảnh hưởng đối với mặt hàng HRC sẽ dịu bớt nếu Việt Nam áp thuế chống bán giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

“Nếu thép HRC của Việt Nam bị EU, Ấn Độ áp thuế, nhưng đồng thời Việt Nam cũng áp thuế nhập khẩu với mặt hàng này các doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn là thiệt hại. Bởi hơn 6 triệu tấn hàng nhập khẩu đã bị chặn. Nhưng nếu Việt Nam không áp thuế HRC nhập khẩu, Hoà Phát sẽ gặp khó khăn lớn bởi năm sau họ tăng công suất”, ông Châu nói.

Trong tổng thể, vị chuyên gia này cho rằng, đà phục hồi của thị trường thép trong nước có thể sẽ còn phải kéo dài trong 2 - 3 năm tới. 

H.Mĩ

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.