|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

8 điểm nhấn nổi bật ngành ngân hàng 2024

08:57 | 26/12/2024
Chia sẻ
Ngành ngân hàng đã khép lại năm 2024 trong bối cảnh nhiều ẩn số khó đoán định với những điểm sáng tối đan xen. Tỷ giá trải qua giai đoạn biến động mạnh trong khi lãi suất cho vay giảm xuống mức thấp kỷ lục.

 

 

Trong năm 2024, tỷ giá USD/VND tiếp tục chứng kiến một năm với nhiều biến động khó lường trước nhiều biến số như bầu cử Tổng thống Mỹ, các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và các căng thẳng địa chính trị khác.

Trong đầu quý II, tỷ giá USD đã tăng mạnh từ mức 24.650 VND/USD lên mức cao nhất năm 25.460 VND/USD chỉ trong vỏn vẹn gần hai tháng, tương đương mức mất giá hơn 3%. Trong giai đoạn đó, kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed giảm, khiến khác biệt về chính sách điều hành trở nên rõ nét và đưa chênh lệch lãi suất VNĐ – USD tăng cao.

Để hỗ trợ thị trường, NHNN đã phải can thiệp thông qua nghiệp vụ bán USD từ dự trữ ngoại hối cũng như phát hành tín phiếu ngắn hạn nhằm giảm đà tăng của tỷ giá.  

Bước sang quý III, xu hướng đảo chiều khi USD giảm giá mạnh trở lại về mức 24.600 VND/USD, tương đương mức mất giá chỉ còn 1,3% tại thời điểm cuối tháng 9. Nhờ vào các biện pháp hỗ trợ thị trường từ cơ quan điều hành, cũng như việc Fed hạ lãi suất lần đầu tiên đưa chỉ số USD Index hạ nhiệt.

Tuy nhiên, trong quý IV, áp lực tỷ giá tăng quay trở lại. Tỷ giá USD tiếp tục tăng nhanh và mạnh quay trở lại gần mức đỉnh cũ của năm nay là 25.450 VND/USD. Những biến số trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ cho tới khi ông Donald Trump đắc cử, cùng những số liệu kinh tế khả quan của Mỹ thổi bùng lên đà tăng giá chỉ số USD, cũng như hạ đi kỳ vọng về cường độ giảm lãi suất của Fed trong chu kỳ mới này.

Tương tự như những giai đoạn trước, NHNN đã áp dụng chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt thông qua việc đặt giá bán USD hỗ trợ thị trường tại mức 25.450 đồng thời tiếp tục sử dụng lại công cụ phát hành tín phiếu nhằm điều tiết nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng, góp phần củng cố niềm tin thị trường và giảm áp lực lên tỷ giá.

 Nguồn: Bloomberg, SSI tổng hợp.

 

Theo dữ liệu từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất cho vay đã giảm về mức thấp kỷ lục trong quý III/2024. Cụ thể, theo báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết, lãi suất cho vay trung bình đã giảm khoảng 2,7 điểm % từ mức đỉnh của quý I/2023.

Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giữ nguyên lãi suất điều hành, trong khi lãi suất cho vay bình quân giảm tiếp 0,96 điểm % so với cuối năm 2023 (sau khi đã giảm khoảng 2,5 điểm % trong năm 2023). 

NHNN đứng trước nhiệm vụ tương đối nặng nề khi điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng thông qua phấn đấu giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.Tuy nhiên, khi tỷ giá đứng trước áp lực tăng, chính sách tiền tệ của Mỹ và các quốc gia vẫn chưa chuyển hướng rõ rệt đặt ra rất nhiều thách thức để hoàn thành nhiệm vụ này. 

Các chuyên viên phân tích dự báo việc lãi suất huy động đã điều chỉnh tăng trở lại từ quý II/2024 sẽ có độ trễ 3 – 6 tháng để phản ánh vào lãi suất cho vay. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường kỳ vọng sẽ đi ngang trong quý IV/2024 và tăng thêm 0,5 – 0,7 điểm % vào năm 2025 trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.

 

 

Nhiều tổ chức phân tích trong nước dự đoán rằng nợ xấu đã tạo đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025.Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với mức 2% của năm 2022. 

Các chuyên gia của ACBS đã chỉ ra một số dấu hiệu nhưtỷ lệ nợ chuyển quá hạn (bao gồm cả nợ được tái cơ cấu) có xu hướng giảm dần và ở mức 0,23% dư nợ trong quý III, thấp hơn trung bình lịch sử là khoảng 0,5%/quý; nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu cũng có xu hướng giảm.

 

Đồng quan điểm, VCBS đánh giá nợ xấu đã đạt đỉnh và dự kiến đi ngang trong quý IV/2024. Theo đó,tỷ lệ nợ xấu mới hình thành trong quý IV thường thấp và các ngân hàng thường đẩy mạnh trích lập xóa nợ xấu trong quý cuối năm. 

Các chuyên gia kỳ vọng những khoản nợ tái cơ cấu trong giai đoạn thử thách ở nhóm 2 và nhóm 3 sẽ chuyển về nhóm nợ thông thường từ quý II/2025 khi dòng tiền và hoạt động kinh doanh của khách hàng phục hồi trở lại.

Theo dự phóng của Chứng khoán Tiên Phong (TPS),dự phóng kết thúc năm 2024, ngành ngân hàng có thể ghi nhận mức nợ xấu giảm nhẹ so với quý III/2024. Sang 2025, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể giảm xuống 1,8% nhờ vào các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ hơn và sự cải thiện trong chất lượng tài sản.

TPS nhận định triển vọng nợ xấu trong năm 2025 là tích cực, song vẫn cần sự quản lý rủi ro chặt chẽ và các biện pháp hỗ trợ từ chính phủ để đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

 

Tín dụng mảng doanh nghiệp đang tiếp tục cho thấy sức mạnh của mình khi trở thành động lực tăng trưởng tín dụng chính trong năm 2023 và năm 2024 tại nhiều ngân hàng.

“2024 là một năm khá bội thu của ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp”, chuyên giaLê Hoài Ân, Founder IFSS, nhận định.

Ông cho biết từ góc nhìn vĩ mô, tăng trưởng kinh tế tới từ đầu tư FDI, đầu tư tư nhân, là những lĩnh vực mà doanh nghiệp có thế mạnh. Trong đó, Techcombank, MB, HDBank và LPBank đã có thành công nhất định với mức sinh lời tương đối cao so với thị trường.

Ở chiều ngược lại, 2024 là một năm tương đối khó khăn với nhóm ngân hàng chuyên cho vay cá nhân vì tiêu dùng chưa phục hồi. Để có thể tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng chuyên bán lẻ đã phải thay đổi chiến lược, mở rộng sang bán buôn để có thêm dư địa phát triển. Có thể kể đến những cái tên như VIB, ACB,..

 

Năm 2024 đánh dấu một năm thay đổi về chính sách điều hành tín dụng khi ngay từ đầu nămNHNN đã thực hiện phân bổ hết room tín dụng 15% cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm. Động thái này nhằm mục đích thúc đẩy việc bơm vốn ra nền kinh tế trong bối cảnh trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết cách cấp hạn mức tín dụng mới là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành, thể hiện sự minh bạch khách quan, không còn cơ chế xin cho nào cả.

"Nếu như những năm trước đây chúng ta coi đó là những khoản cấp phát thì nay là cơ chế giao để cho các ngân hàng phấn đấu để đạt. Bởi vì năm ngoái, cũng có ngân hàng tăng hết room nhưng rất nhiều ngân hàng không đến room thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm.", ông nói.

 

Ngày 28/8, NHNN tiếp tục đưa ra thông báo cho phép các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu thông báo từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ, không cần đề nghị cơ quan quản lý. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023.

Đến ngày 28/11, NHNN lại tiếp tục phát đi thông báo điều chỉnh nới room tín dụng cho một số đối với các tổ chức tín dụng.Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị.

Thông tin từ một số tổ chức trong nước công bố, một số ngân hàng được nới room tín dụng trong đợt cuối của năm nhưVietinBank (từ 14% lên 16%), ACB (từ 18,4% lên 20,69%), VIB (từ 18,4% lên 21,6%), Techcombank (từ 18,5% lên 20%), MSB (từ 16,3% lên 18,27%) và Nam A Bank (lên 18,4%).

 

Ngày 17/10, hai trong ba ngân hàng 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CB) vàNgân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) đã chính thức được chuyển giao về với Vietcombank và MB. Đây là một động thái lớn trong việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng mới cho cả ngân hàng được chuyển giao và ngân hàng nhận chuyển giao.

Oceanbank và CB là hai ngân hàng cùng được NHNN mua lại giá 0 đồng trong năm 2015. Sau đó, các ngân hàng này đã trải qua quá trình tái cơ cấu, đàm phán việc sáp nhập, mua lại với nhiều tổ chức tín dụng nhưng sau gần 10 năm thương vụ này mới được "chốt đơn".

  Lễ công bố quyết định chuyển giao bắt buộc ngân hàng. (Ảnh: TTXVN).

Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank sẽ trở thành Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn và sẽ được thực hiện đầy đủ các hoạt động kinh doanh được NHNN cấp phép. Mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB, OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.

Ngoài OceanBank và CB, hiện còn một ngân hàng 0 đồng khác là GPBank và hai ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt DongABank và SCB. 

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, Chính phủ yêu cầu NHNN sớm hoàn thiện phương án xử lý Ngân hàng SCB, đồng thời trình phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt còn lại là GPBank, DongABank trước ngày 20/12.

Đến nay, chưa có thêm thông tin công bố chính thức nào về các thương vụ sáp nhập tiếp theo.

 

Trong năm 2024, ngành ngân hàng ghi nhận nhiều sự kiện thoái vốn của các tổ chức nước ngoài. Lý do được phần lớn các tổ chức này đưa ra là nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Cuối tháng 10, Commonwealth Bank of Australia (CBA), cổ đông chiến lược lâu năm của VIB, đã xác nhận bán gần 15% vốn điều lệ nắm giữ tại VIB, ước thu về khoảng 480 triệu USD (tương đương 8.000 tỷ đồng). CBA cũng nhấn mạnh việc thoái vốn tại VIB là để phù hợp với chiến lược tập trung vào mảng ngân hàng tại khu vực Australia và New Zealand. 

Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 11/6/2024, VIB đã thông qua việc hạ room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% xuống 4,99%để tiếp tục chờ những nhà đầu tư tiếp theo thế chỗ CBA.

Trước đó, cập nhật đến ngày 30/9, TPBank cho biếtCông ty Tài chính quốc tế (IFC) không còn là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng này. Trước đó, IFC nắm 25,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,17% vốn tại TPBank.

Trong quý II, ABBank cũng chứng kiến sự ra đi của cổ đông ngoại IFC sau 14 năm gắn bó. Cụ thể, cuối tháng 5/2024, IFC bán hơn 84 triệu cổ phiếu của ABBank, tương đương 8,2% cổ phiếu đang lưu hành, thu về khoảng 739 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 3, quỹ ngoại Whistle Investment Limited bán hết 193,9 triệu cổ phiếu ACB, thu về tổng cộng hơn 5.471 tỷ đồng sau 6 năm gắn bó. Tuy nhiên, tỷ lệ trống này nhanh chóng được lấp đầy ngay sau đó, room sở hữu nước ngoài tại ACB vẫn ở mức 30%.

 

Năm qua cũng là năm tương đối xáo trộn ở các vị trí lãnh đạo cấp cao tại nhiều ngân hàng. Nếu chỉ xét ở thay đổi tại các "ghế nóng" Chủ tịch Hội đồng Quản trị hay Tổng Giám đốc, có thể kể đến những cái tên như: LPBank, OCB, PGBank, Kienlongbank và Eximbank.

Mới đây nhất, PGBank. thống báo bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hương, Quyền Tổng Giám đốc giữ chức vụ Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 2024 - 2027, kể từ ngày 7/12. Trước khi gia nhập PGBank, ông Hương đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc của OCB.

Người tiền nhiệm,bà Đinh Thị Huyền Thanh đã xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân kể từ ngày 25/4 sau khi đảm nhiệm vị trí này được gần nửa năm, chiếc ghế Tổng Giám đốc đã trống 5 tháng.

Tại OCB, ông Phạm Hồng Hải được bổ nhiệm giữ chức danh Tổng giám đốc kể từ ngày 16/7, sau khi ông Nguyễn Đình Tùng thôi nhiệm vị trí này và giữ vai trò là thành viên HĐQT OCB. Ông Phạm Hồng Hải có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và từng là CEO của HSBC Việt Nam.

Tháng 10, ông Vũ Quốc Khánh được bổ nhiệm vị trí Quyền Tổng Giám đốc của LPBank sau khi ông Hồ Nam Tiến thôi đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc để giữ chức Phó Chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng.Ông Khánh có hơn 22 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng trong đó 6 năm làm việc tại Agribank và trên 16 năm công tác tại LPBank.

Tháng 7,KienlongBank công bố thông tin bà Trần Thị Thu Hằng sẽ từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT KLB từ ngày 9/7 theo nguyện vọng cá nhân.Ông Trần Ngọc Minh, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, sẽ là người thay bà Hằng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Ông Trần Hồng Minh, Phó Tổng giám đốc, được phân công giữ chức vụ quyền Tổng giám đốc.

Trước đó vào tháng 4, Eximbank đã thông qua đơn đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của bà Đỗ Hà Phương đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Anh đảm nhận thay thế.Ông Nguyễn Cảnh Anh có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp quy mô như Viettel, Vingroup.

Ngoài việc thay đổi lãnh đạo cấp cao một số ngân hàng cũng thu hút sự chú ý của thị trường khi thông báo đổi tên hay có kế hoạch rời trụ sở chính. LPBank đã chốt đổi tên thành Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam và tiết lộ kế hoạch rời trụ sở khỏi Hà Nội để sang một tỉnh thành khác. Trong khi đó câu chuyện chuyển trụ sở từ TP HCM ra Hà Nội của Eximbank cũng gây bão dư luận khi vấp phải sự phản đối của nhiều cổ đông.

H.T

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.