Tín dụng tăng tốc, nhà băng cạn room
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến cuối tháng 11/2016, tổng phương tiện thanh toán trong hệ thống ngân hàng tăng 14,92%, huy động vốn tăng 15,28% so với cuối năm 2015. Thanh khoản của hệ thống tiếp tục được đảm bảo, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt.
Tín dụng tăng từ đầu năm và đến cuối tháng 11 vừa qua đã tăng 14,57% so với cuối năm 2015, trong đó tín dụng bằng VND tăng 15,81%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 3,49%, phù hợp với chủ trương chống USD hóa của Chính phủ. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay ở mức 18-20% thì “room” còn lại cho hơn 1 tháng cuối năm 2016 là không ít (khoảng 3-5%).
Thế nhưng, do nhu cầu vốn gia tăng trong tháng 12 vì đây là mùa kinh doanh cao điểm cuối năm của ngân hàng, vả lại, do tín dụng đã cải thiện tích cực trong 2 quý giữa năm nay, nên không ít nhà băng đã cạn “room”, không còn dư địa để cho vay ra.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, dự đoán được tình hình và thực tế thị trường năm 2016 có chiều hướng thuận lợi hơn cho hoạt động tăng trưởng tín dụng, nên mục tiêu dư nợ của ngân hàng ông là 18%. Thế nhưng, theo vị tổng giám đốc trên, chỉ mới đầu quý III/2016, ngân hàng ông đã sử dụng hết room tín dụng được phép và đã đệ trình NHNN để xin thêm quota. NHNN đã đồng ý cho phép nhà băng này được nới room thêm 3%, tức từ 18% lên 21%.
Tuy nhiên, do room được nới quá ít, không có nhiều dư địa để tăng trưởng nên chỉ sau hơn 1 tháng nhà băng này lại cạn room và tiếp tục xin thêm, song không dễ dàng được đáp ứng.
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng tích cực, nhưng NHNN cũng nhận thấy, việc kiểm soát chất lượng là cần thiết hơn tăng trưởng về số lượng. Không chỉ có ngân hàng trên sớm cạn room tín dụng, một số nhà băng khác cũng sử dụng hết quota khi dư nợ tăng trưởng khá tích cực trong hơn 3 quý đầu năm nay.
Tại các ngân hàng TMCP lớn như: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank); Ngân hàng Á Châu (ACB); Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đều đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 15% trong hơn 3 quý đầu năm. Thậm chí, có nhà băng còn đạt tăng trưởng dư nợ ở mức 18%.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, nguồn thu tín dụng hiện vẫn đóng góp phần lớn vào tổng lợi nhuận của ngân hàng. Mặt khác, trong 2 năm trước, tín dụng tăng trưởng chậm nên một khi nền kinh tế hồi phục, tín dụng tăng trưởng tích cực là cơ hội để ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay, tất nhiên là sẽ phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng mới hạn chế được nợ xấu.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng đưa ra nhận định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN đưa ra ở mức 18 - 20% là phù hợp với bối cảnh thị trường năm nay, không tăng trưởng quá nóng. Song, theo ông Lực, trong bối cảnh nợ xấu chưa thể xử lý nhanh và nợ mới vẫn phát sinh, thì điều quan trọng hơn với ngân hàng vẫn là kiểm soát chặt chất lượng khoản vay.
NHNN cũng đã có quan điểm rõ về vấn đề này và cho biết, trong các tháng cuối năm 2016, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm ổn định lạm phát, thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 từ 18-20%, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát rủi ro.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường kiểm tra, giám sát dự án được Chính phủ bảo lãnh, kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn, cấp tín dụng đối với khách hàng có dư nợ lớn.
Đó cũng là lý do một số nhà băng lớn đã cạn room, khó có thể được cấp thêm hạn mức tín dụng, song với một số nhà băng nhỏ, tăng trưởng dư nợ về con số tuyệt đối còn thấp vẫn được NHNN xem xét nới room.
Một trong số đó là Viet Capital Bank vừa được NHNN chấp thuận cho nới room tín dụng lên 30%. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu ngân hàng này thực hiện tốt các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống. Viet Capital Bank phải thực hiện cấp tín dụng đúng theo quy định, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn, chấp hành các quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn ngoại hối, quản trị rủi ro, hạn chế phát sinh nợ xấu.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/