|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ứng dụng giao đồ ăn gốc Việt chia sẻ về chiến lược bản địa hóa tới các thị trường mang tính chất địa phương

11:37 | 18/02/2021
Chia sẻ
Trong khi Grab có được vị trí “thống lĩnh” mảng giao đồ ăn ở các thành phố lớn, ở nhóm tỉnh, thành nhỏ, một cái tên gốc Việt lại đang hướng tới các thị trường mang tính chất địa phương hơn.

Vài năm trước, trong một chuyến thăm Trung Quốc, ông Nguyễn Hoàng Trung và cộng sự ở Loship, một ứng dụng giao hàng theo nhu cầu của Việt Nam, vào một nhà hàng Haidilao, chuỗi nhà hàng lẩu Trung Quốc lớn nhất thế giới.

Trong lúc đợi bàn, họ thoải mái sử dụng miễn phí các dịch vụ của Haidilao, ví dụ như ăn kem. Trong con mắt một khách hàng, ông Trung thừa nhận điều đó khá ấn tượng.

Startup Việt Nam Loship có gì để tranh với ‘ông lớn’ Grab tại chính quê hương? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, đồng sáng lập và CEO Loship. (Ảnh: e27)

"Chúng tôi muốn mang mô hình này đến Loship và cảm thấy thôi thúc với việc mang đến những điều mới mẻ cho khách hàng trong lúc họ đợi đơn hàng. Podcast (nội dung dưới dạng âm thanh) là thứ tuyệt vời để chúng tôi thử nghiệm", ông Nguyễn Hoàng Trung nhớ lại hành trình khởi nghiệp và chia sẻ với e27.

Được ông Nguyễn Hoàng Trung và Trần Minh Sơn sáng lập vào năm 2017, Loship là ứng dụng chuyên giao đồ ăn, hàng tiêu dùng nhanh, đồ điện tử, thời trang, mỹ phẩm, giặt là, thuốc, bưu phẩm, hoa, gọi xe và các nguyên liệu cho ngành hàng B2B.

Điều khiến Loship khác biệt so với các đối thủ là việc nó có một tính năng cho phép người dùng nghe podcast trong lúc đợi giao hàng.

"Đây là lần đầu tiên khách hàng có thể nghe podcast trong lúc đợi hàng. Họ không cần đăng xuất và tìm một nền tảng khác để làm điều này", ông Trung chia sẻ.

Ông tiết lộ, kể từ thời điểm tính năng podcast ra mắt, nó thu hút 20.000 người nghe mỗi ngày. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2020, con số người nghe đã chạm mốc 100.000.

Hiện tại, startup hợp tác với một vài nhà cung cấp dịch vụ podcast như Voiz FM hay Hamlet Truong Radio.

Podcast sẽ chỉ là điểm khởi đầu. Cùng thời điểm, Loship đang tìm cách để mở rộng sang nhiều loại hình giải trí âm thanh khác như âm nhạc, sách nói hay phim âm thanh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Từ Lozi đến Loship

"Nguồn gốc" của Loship là Lozi, ứng dụng đánh giá đồ ăn với chức năng "mua và bán". Tương tự như Carousell, Lozi cho phép khách hàng đăng bán nhanh sản phẩm. Người dùng Lozi có thể mua sản phẩm bằng cách trò chuyện vời nhà hàng.

12 tháng sau khi thành lập, Lozi có khoảng 200.000 người dùng, trong khi đó lưu lượng truy cập web cán mốc hơn 2 triệu. Lozi cũng nhanh chóng gọi vốn thành công và chuyển đổi thành một nền tảng thương mại điện tử C2C "siêu địa phương".

Dù có những thành công ban đầu, ông Trung nhanh chóng nhận ra điểm yếu của Lozi. "Lozi có người bán và người mua nhưng thiếu người giao hàng. Chúng tôi không biết giao dịch giữa người mua và người bán được hoàn thành như thế nào hay có vướng mặt gì trong quá trình giao hàng không", ông nói.

Lúc này, Lozi nhận ra cách tốt nhất để biết tình trạng giao dịch chính là kiểm soát việc giao hàng. "Vì thế, Loship nhanh chóng trở thành mảng quan trọng nhất trong mô hình kinh doanh của chúng tôi", ông Trung nói thêm.

Có thời điểm, ông Trung nhận ra rằng nếu làm đúng hướng, ông đang đứng trước cơ hội tăng trưởng tới 1.000 lần.

Hiện tại, Loship đang có mặt ở 5 thành phố tại Việt Nam với hơn 70.000 tài xế, hơn 200.000 đối tác bán hàng và 2 triệu khách hàng.

Ông Trung tiết lộ mục tiêu dài hạn của Loship của có 1 triệu nhà bán hàng địa phương. "Chúng không chỉ có các nhà hàng cao cấp mà còn cả các quán ăn địa phương, phù hợp túi tiền", ông Trung chia sẻ. Bên cạnh đó, Loship cũng muốn tạo ra một "hệ sinh thái phục vụ bất kỳ thứ gì khách hàng cần".

Lợi thế "địa phương"

Một yếu tố cốt lõi khác tạo ra điểm khác biệt của Loship là "lợi thế địa phương". Ông Trung tự tin khẳng định Loship là "tay chơi" duy nhất hiểu khách hàng địa phương ở một tầng sâu hơn.

"Như thấy được ở thất bại của Foodpanda ở Việt Nam, rõ ràng là việc hiểu biết thị trường địa phương là vấn đề then chốt. Việc Uber và Uber Eats không thể hoạt động ở Đông Nam Á cũng phần lớn do Uber không nỗ lực đủ để địa phương hóa", ông Trung nhận định.

Hiện tại, Loship chủ yếu có doanh thu từ phí hoa hồng, phí giao hàng, quảng cáo và cung cấp nguyên liệu cho các nhà bán hàng. Loship không có ý định kiếm tiền từ các podcast.

"Podcast sẽ là nơi đơn thuần để khách hàng thưởng thức và giải trí", ông Trung chia sẻ. Theo ông, so với các chiến lược marketing hoặc giữ chân khách hàng khác, podcast là cách làm ít tốn kém hơn.

Thị trường giao đồ ăn ở Việt Nam ước tính tăng trưởng ở tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép) khoảng 24% trong giai đoạn từ 2021 – 2026, theo Expert Market Research. Trong khi đó, doanh thu ở mảng này có thể chạm mốc 377 triệu USD ngay trong năm 2021, theo dự phóng của Statista.

Dù vậy, khi so sánh với các quốc gia Châu Á như Ấn Độ hay Nhật Bản, quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhỏ. Theo tính toán của e27, thị trường giao đồ ăn Việt Nam mới chỉ tương đương khoảng 0,2% dung lượng thị trường toàn cầu. Vì vậy, tiềm năng tăng trưởng vẫn là rất lớn.

Những thách thức

"Thách thức lớn nhất của chúng tôi là cạnh tranh quá khốc liệt", ông Trung thừa nhận.

Hiện tại, Việt Nam đang chứng kiến cạnh tranh của 4 ứng dụng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn lớn khác là Grab, Gojek, Baemin và Now. Trong đó, Grab đang chiếm thế "thượng phong" ở nhóm thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP HCM.

Dù vậy, ở các tỉnh thành nhỏ hơn, Loship lại có vị trí tốt nhờ am hiểu địa phương.

"Việt Nam có nhiều điều kiện thích hợp cho mảng giao đồ ăn, bao gồm thị trường lớn, lượng người dùng dồi dào và tỷ lệ người dùng điện thoại và internet cao. Vì thế, Việt Nam thu hút nhiều "ông lớn" tham gia với tham vọng dẫn đầu", ông Trung chia sẻ thêm.

Theo ông Trung, việc các công ty lớn có nhiều nguồn lực để cạnh tranh thị phần khiến các startup giao đồ ăn địa phương gặp nhiều khó khăn để tồn tại. Bên cạnh đó, người dùng cũng có nhiều lựa chọn và thường có xu hướng chọn ứng dụng có khuyến mãi tốt hơn. Vì thế, tỷ lệ người dùng trung thành khá thấp.

Với đặc thù trên, Loship lựa chọn chiến lược thâm nhập và khai thác các thị trường chưa được phục vụ như các tỉnh thành nhỏ để phát triển tệp người dùng.

Sau bốn năm hoạt động, Loship đã có một vài vòng gọi vốn. Hồi tháng 10/2020, Loship nhận đầu tư từ Vulpes Investment Management (Singapore). Trước đó, vào tháng 9/2019, nó cũng chốt thành công vòng gọi vốn Series B do Smilegate Investment (Hàn Quốc) dẫn dắt  với số tiền lên tới 8 con số

Vài ngày trước, đồng sáng lập Skype là ông Jann Tallinn, thông qua công ty MetaPlanet, đã đầu tư vào Loship. Theo ông Trung, đây là khoản đầu tư đầu tiên của MetaPlanet vào Đông Nam Á.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thái Sơn