|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không xuất hiện trên ứng dụng gọi món, sao The Coffee House lại chọn Loship?

18:41 | 24/08/2020
Chia sẻ
Ông Hoàng Tùng, CEO chuỗi Pizza Home, chia sẻ câu chuyện xoay xung quanh việc The Coffee House không đưa cửa hàng lên nền tảng giao món.

The Coffee House là một trong những chuỗi đồ uống lớn nhất đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Hiện tại theo thông tin trên trang chủ, chuỗi đang có hơn 140 quán trên toàn quốc.

Mặc dù các đối thủ như Highlands, Starbucks hay Phúc Long đều lần lượt bán hàng trên các ứng dụng gọi món, nhưng The Coffee House không làm vậy. 

Gần đây, The Coffee House bất ngờ xuất hiện trên Loship, một nền tảng gần tương tự Grab hay Gojek.

Hoàng Tùng đặt ra giả thuyết có thể The Coffee House lo dữ liệu khách hàng có thể bị các ứng dụng gọi món chia sẻ tới đối thủ. Trên thực tế, ông Đinh Anh Huân, Chủ tịch HĐQT The Coffee House, cũng từng chia sẻ với giới truyền thông nỗi lo tương tự vào thời điểm năm 2019.

Không xuất hiện trên ứng dụng gọi món, tại sao The Coffee House lại lựa chọn Loship? - Ảnh 1.

The Coffee House bán hàng trên Loship. Ảnh: The Coffee House.

"Khi một doanh nghiệp chuyển dịch bán hàng ẩm thực lên các App giao đồ ăn, việc san sẻ dữ liệu với các nền tảng này là điều đương nhiên. Nhưng chúng ta cũng đừng chỉ nghĩ các nền tảng thứ ba đó thu thập thông tin khách hàng. Các nhà hàng, quán café cũng có thể thu thập được thông tin khách hàng từ các App gọi đồ ăn? Quan hệ này thực tế là cho và nhận", ông Tùng nhận định.

Mối quan hệ giữa ứng dụng gọi món và nhà hàng, theo ông Tùng, cùng giao thoa tệp khách hàng để tạo nên một tệp lớn hơn. Thậm chí, dữ liệu mà các ứng dụng giao món thường thậm chí có thể lớn hơn so với dữ liệu khách hàng mà The Coffee House nắm.

Hiện trạng ấy dẫn đến một giả định thứ hai: The Coffee House đánh giá dữ liệu khách hàng của họ "chất" hơn so với dữ liệu mà các ứng dụng giao đồ ăn nắm Trên thực tế, đây là điều dễ hiểu khi dữ liệu của nhà hàng là những người từng đặt hàng, trong khi dữ liệu của ứng dụng là những người từng đặt món/gọi xe trên nền tảng. 

Song ông Tùng cho rằng, xu hướng khách hàng hiện tại là mua hàng trên ứng dụng. Đó cũng là lí do mà nhiêu nhà hàng dần "số hóa" bằng cách đưa sản phẩm lên "sàn".

Ông Tùng vẫn chưa hiểu lí do The Coffee House quyết định lựa chọn Loship để đưa sản phẩm của họ lên ứng dụng.

"Nếu đã không đưa lên các App giao đồ ăn thì chẳng bằng không chơi hẳn, chỉ tập trung vào phát triển App riêng. Đó là cách để tạo sự sang chảnh và hình ảnh cao cấp, đồng thời có thể tối ưu luồng khách hàng về hệ thống chuỗi quán. Nhưng The Coffe House lại chọn lên Loship, ứng dụng yếu nhất trong các ứng dụng giao đồ ăn hiện tại", ông Tùng nhấn mạnh.

Giám đốc Pizza Home dự đoán có thể The Coffee House đã thỏa thuận thành công một mức chiết khấu tốt khi đặt sản phẩm trên nền tảng Loship. Các ứng dụng khác thu mức chiết khấu khá cao (8%-20%) trên mỗi đơn hàng giao đồ ăn.

Một giả định khác của ông Tùng là có thể công ty mẹ của The Coffee House đã mua cổ phần hoặc nắm quyền chi phối Loship. Trên thực tế, trên thế giới không thiếu những vụ mua bán, sáp nhập kiểu như vậy. Một trong những thương vụ đình đám gần đây là Uber đã chi 2,65 tỉ USD để mua lại hãng giao đồ ăn Postmates.



Tiểu Phượng