|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao The Coffee House, KFC, 30Shine, Thế Giới Di Động,... kiến nghị coi COVID-19 là sự kiện bất khả kháng?

10:37 | 22/04/2020
Chia sẻ
Ngoài việc kiến nghị coi COVID-19 là sự kiện bất khả kháng, nhóm doanh nghiệp này còn mong muốn Chính phủ hỗ trợ về tài chính cũng như chính sách.

Hôm 17/4, hàng loạt các chuỗi bán lẻ và dịch vụ thực phẩm (F&B) đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính. Nội dung đơn kiến nghị nhằm mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ ngành vượt qua khó khăn trong dịch COVID-19.

Những chuỗi bán lẻ này bao gồm Golden Gate, The Coffee House, KFC, 30Shine, Thế Giới Di Động, Kids Plaza.... 

Dịch bệnh kéo dài đã khiến thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi, mà tiêu biểu nhất là việc ưu tiên lựa chọn sử dụng các dịch vụ có thể mua đồ mang về. Từ đó, nhiều chuỗi bán lẻ và dịch vụ thực phẩm chịu tác động đến doanh thu là điều dễ hiểu.

"Các doanh nghiệp bán lẻ và thực phẩm hầu như không có khách hàng từ tháng 2/2020 và phải đóng cửa từ 26/3. Điều này gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM khi các cửa hàng hầu như không có doanh số song vẫn phải gánh chịu các chi phí", đơn kiến nghị nêu.

The Coffee House, KFC, 30Shine, Thế Giới Di Động... kiến nghị Thủ tướng coi COVID-19 là sự kiện bất khả kháng: Luật sư nói gì? - Ảnh 1.

Nhiều chuỗi bán lẻ kiến nghị với Thủ tướng và các bộ mong muốn nhận được hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Ảnh: Thế Giới Di Động.

Trên thực tế, đơn vị chủ quản của các chuỗi lớn với số lượng cửa hàng trong danh sách kiến nghị đã chủ động đàm phán với các bên liên quan, từ chủ mặt bằng, nhà cung cấp cho tới nhân viên về những khó khăn mà công ty đang đối mặt. 

Tuy nhiên không phải tất cả những đối tác đều có thể cảm thông và hợp tác với những đề xuất ban đầu của công ty.

Ngoài ra, đơn kiến nghị cũng chỉ ra rằng một số doanh nghiệp đang gặp khúc mắc về vấn đề pháp lí. 

Cụ thể, khi dịch bệnh tăng cao và một số công ty dần chuyển sang hình thức kinh doanh trực tuyến, nhưng các cơ quan quản lí địa phương cho rằng hoạt động này không được phép thực hiện trong giai đoạn cách li xã hội.

Sau khi nêu ra những khó khăn, nhóm doanh nghiệp đưa ra ba kiến nghị lên các cơ quan chức năng. Ba kiến nghị này bao gồm: Xác nhận dịch COVID-19 là sự kiện bất khả kháng, Chính phủ hỗ trợ về tài chính và chấp thuận hoạt động kinh doanh trực tuyến của một số công ty.

Trong 3 kiến nghị này, kiến nghị cuối cùng có nhắc đến việc hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách, trong khi kiến nghị thứ hai lại đề cập cụ thể tới mức hỗ trợ tài chính mà nhóm doanh nghiệp này mong muốn.

Cụ thể, đơn kiến nghị hi vọng Chính phủ cho phép hoãn một số loại thuế phát sinh trong năm 2020 tới ngày 31/12/2020 (bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, các loại bảo hiểm bắt buộc).

Ngoài ra, giá tiền điện nước và thuế giá trị gia tăng với nhóm doanh nghiệp bán lẻ được đề xuất giảm 50% cho tới hết ngày 31/12/2020.

Về đề xuất việc đưa COVID-19 vào nhóm sự kiện bất khả kháng, điều này có thể giúp tác động gián tiếp lên số tiền thuê mặt bằng các chuỗi bán lẻ, thực phẩm phải trả.

The Coffee House, KFC, 30Shine, Thế Giới Di Động... kiến nghị Thủ tướng coi COVID-19 là sự kiện bất khả kháng: Luật sư nói gì? - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa khuyên các chuỗi bán lẻ nên đàm phán với các bên liên quan, chủ mặt bằng về vấn đề tiền thuê. Ảnh: Luật sư X/Khởi nghiệp và Pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa thuộc văn phòng luật sư X trực thuộc công ty Luật TNHH LSX, nếu trường hợp COVID-19 được coi là một sự kiện bất khả kháng, và các công ty chứng minh được việc doanh thu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì sẽ có lợi hơn khi đưa ra xét xử trong trường hợp không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền thuê mặt bằng.

Điều 351 Bộ luật dân sự năm 2015 có qui định: "Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có qui định khác".

Ở đây, ông Nghĩa giải thích việc có lợi hơn, có nghĩa là các doanh nghiệp vẫn phải thanh toán đầy đủ nghĩa vụ tiền thuê, nhưng sẽ có thể được miễn trách nhiệm dân sự (như phạt vi phạm hợp đồng, phạt thanh toán chậm...). Ngoài ra các doanh nghiệp có thể trả tiền thuê vào kì thanh toán kế tiếp, hoặc tạm dừng hợp đồng cho thuê.

Khi được hỏi liệu các doanh nghiệp có cách nào giảm tiền thuê mặt bằng, ông Nghĩa cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể.

Điều 488 trong Luật dân sự 2015 cũng có qui định: "Khi giao kết hợp đồng thuê khoán, các bên có thể thỏa thuận điều kiện về việc giảm tiền thuê khoán; nếu hoa lợi, lợi tức bị mất ít nhất là một phần ba do sự kiện bất khả kháng thì bên thuê khoán có quyền yêu cầu giảm hoặc miễn tiền thuê khoán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".

Do đó, trong trường hợp các chuỗi bán lẻ và doanh nghiệp thực phẩm chứng minh được bản thân nằm trong nhóm được điều chỉnh bởi điều 488, có thể đàm phán với chủ mặt bằng để giảm giá. Dù vậy, đàm phán vẫn nên là ưu tiên hàng đầu cho các bên, chứ không phải việc kiện tụng tại tòa.

"Dù theo điều 351 hay 488, qui định ở đây đều là vấn đề thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì hai bên lại phải đưa nhau ra tòa để có một phiên phán xét xem bên nào là bên đúng", ông Nghĩa kết luận.

Tiểu Phượng