|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thói quen người tiêu dùng thay đổi ra sao trong mùa dịch COVID-19?

16:02 | 21/04/2020
Chia sẻ
Nhóm ngành chăm sóc sức khỏe và bảo vệ an toàn có mức tăng trưởng doanh thu cao, trong khi giá các mặt hàng xa xỉ lại giảm.

Dịch COVID-19, với đặc thù khiến nhiều người phải hạn chế đi lại, đã tác động tương đối lớn tới các doanh nghiệp theo cơ chế tác động kép. Mới đây, ông Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch NextTech từng nhận định rằng các doanh nghiệp mùa COVID-19 đang gặp khó khăn bởi cả cung lẫn cầu đều bị ảnh hưởng.

Mọi người đều dự đoán sự thay đổi nhu cầu và thói quen người tiêu dùng vì dịch bệnh. Với một số nhóm mặt hàng, sự thay đổi về thói quen mua sắm của khách hàng tương đối khác nhau trong mùa dịch bệnh.

Thói quen người tiêu dùng thay đổi ra sao trong mùa dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Khẩu trang là một trong những mặt hàng "đắt khách" mùa dịch. Ảnh: Shopee

Theo thống kê của Nielsen, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ an toàn là ngành thu hút sự quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng. Thống kê đã chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng tiêu thụ một số sản phẩm của ngành trong tuần thứ tư của tháng 3 lên đến hai chữ số. 

Một số sản phẩm đạt siêu tốc độ tăng trưởng là khẩu trang y tế (319%) và mặt nạ/khẩu trang bảo hộ (262%). Doanh số nước rửa tay tăng trưởng 73%, nhiệt kế 47% và nước khử trùng 32%.

Đối với ngành thực phẩm và nước giải khát, doanh số sữa tăng trưởng mạnh nhất, với tốc độ lên đến 280,5% trong thời điểm khảo sát. Ngoài ra, doanh số thực phẩm khô đóng gói (có hạn sử dụng) tăng trưởng 4,7%, còn nước giải khát tăng 14,9%.

Bên cạnh những ngành phục vụ nhu cầu thiết yếu, một số ngành sẽ phải chứng kiến nhu cầu người tiêu dùng giảm sút. Do thu nhập của nhiều người bị giảm, các mặt hàng xa xỉ sẽ không còn là ưu tiên. Theo Vogue Business, ngành hàng xa xỉ sẽ thiệt hại 10 tỉ USD trong năm 2020 vì COVID-19.

Vogue Business nhận định thị trường châu Á rất tiềm năng với mặt hàng xa xỉ. Tuy nhiên, đây cũng là châu lục mà COVID-19 bắt đầu bùng phát và phải chịu tác động từ dịch bệnh ngay từ những tháng đầu tiên trong năm 2020. 

Một khảo sát của Adsota về thói quen mua sắm trong dịch COVID-19 thay đổi thế nào theo độ tuổi đã chỉ ra rằng những người thuộc thế hệ Y (Gen Y) là nhóm tích cực thay đổi hành vi mua sắm nhất.

Thói quen người tiêu dùng thay đổi ra sao trong mùa dịch COVID-19? - Ảnh 2.

Hành vi mua sắm của thế hệ Y (Gen Y - Millenials) chịu tác động lớn từ COVID-19. Ảnh: Adsota.

Khảo sát phân chia người tiêu dùng thành 4 nhóm độ tuổi: Baby boomer (có năm sinh trong khoảng năm 1946 đến 1964), Gen X (năm 1965-1980), Gen Y (năm 1981-1996) và Gen Z (sinh sau năm 1996).

Nhóm Baby boomer và Gen Z cảm thấy lo lắng nhất về dịch bệnh (72% và 73%), song nhóm Gen Y mới là những người thay đổi thói quen mua sắm nhiều nhất vì COVID-19, với 54% số họ thay đổi quyết định tiêu dùng.

39% số người thuộc Gen Y (tỉ lệ cao nhất) xác nhận họ giảm việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng và 30% (cao nhất) số người lựa chọn việc mua sắm trực tuyến nhiều hơn.

Ngoài ra, một khảo sát rất đáng chú ý khác phân chia quyết định mua hàng mùa dịch theo giới tính. Kết quả khảo sát cho thấy, quyết định mua hàng của đàn ông chịu tác động từ COVID-19 (49%) nhiều hơn so với phụ nữ (41%).

Tiểu Phượng

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.