Uber, Grab 'đấu' taxi truyền thống: Cú huých cho thể chế cạnh tranh?
Xương sống khỏe khoắn của thể chế kinh tế thị trường
Đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tại Hội trường sáng nay (15/11), đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho rằng, Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Cạnh tranh vào thời điểm này có yếu tố rất thuận lợi về quan điểm chỉ đạo.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Hà Nam |
Cách đây 5 tháng, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, đường lối chỉ đạo đối với việc hoàn thiện thể chế pháp lý tạo môi trường cho cạnh tranh lành mạnh được thể hiện rất đậm nét, được đề cập 5 lần trong nghị quyết, vừa kế thừa, vừa phát triển gắn với những tư tưởng rất mới, rất mạnh mẽ về hoàn thiện thể chế kinh tế, giải phóng sức sản xuất, thực hiện nhất quán 1 chế độ pháp lý kinh doanh cho mọi thành phần kinh tế. Xóa bỏ rào cản, xóa bỏ can thiệp hành chính trực tiếp, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước, bà Hiền nhấn mạnh.
Theo đại biểu Trần Thị Hiền, trong bối cảnh phát triển hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Cạnh tranh để đạo luật này thực sự đóng vai trò trụ cột, xương sống khỏe khoắn của thể chế kinh tế thị trường.
Do đó, bà Hiền đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục đầu tư, nghiên cứu để thể chế hóa trọn vẹn, đầy đủ hơn những quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 11 vào các chế định và quy phạm cụ thể về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, tập trung kinh tế.
Đại biểu đoàn Hà Nam lấy ví dụ: Với quan điểm thị trường là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất Nghị quyết 11 thì cuộc đối đầu giữa taxi công nghệ Uber, Grab với taxi truyền thống cần được nhìn nhận như một cú huých cho thể chế cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường trong điều kiện ngày càng xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh và cạnh tranh mới.
Taxi công nghệ Uber, Grab đang chiếm được "cảm tình" của nhiều khách hàng Việt (Ảnh minh họa: KT) |
Có thể giả thiết rằng với một khuôn khổ pháp lý cạnh tranh hiệu quả hơn, thị trường vận tải hàng không cũng sẽ được thúc đẩy nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ để người tiêu dùng được hưởng lợi, bà Hiền nêu quan điểm.
Về mô hình cơ quan cạnh tranh quốc gia, đại biểu Trần Thị Hiền tán thành việc tổ chức lại Hội đồng cạnh tranh và Cơ quan quản lý cạnh tranh thành một cơ quan duy nhất là Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công thương theo đề xuất của Chính phủ.
Tuy nhiên, bà Hiền đánh giá, đây chưa hẳn là mô hình hoàn hảo, vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa thực hiện chức năng tài phán tố tụng.
Trong bối cảnh thực hiện chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả theo Nghị quyết 18 cần coi đây là bước quá độ theo tinh thần thực hiện thí điểm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm từng bước hoàn thiện, bà Hiền nêu ý kiến.
Góp ý về vị trí Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia, Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) bày tỏ: Nằm ở đâu không quan trọng, miễn đảm bảo tính độc lập và phải nâng cao trách nhiệm, cũng như năng lực của cơ quan này trong việc xử lý các vụ việc cạnh tranh.
Bộ Công thương đang là cơ quan chủ quản một loạt các doanh nghiệp nhà nước, cho nên giao Bộ Công thương là không hợp lý. Đảng đã có chủ trương, Chính phủ đang có đề án thành lập cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước, cho nên tất cả các doanh nghiệp của Bộ Công thương sẽ được chuyển giao cho cơ quan quản lý đó, như vậy Bộ Công thương không còn là cơ quan chủ quản. Do đó, nếu cơ quan quản lý cạnh tranh này do Bộ trưởng Bộ Công thương trực tiếp quản lý cũng không ảnh hưởng gì đến tính chất độc lập và tính công bằng, ông Lộc phân tích.
Những sự kiện vô lý đến “kỳ lạ”
Đánh giá về môi trường cạnh tranh, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, người lạc quan nhất cũng không thể nói rằng cạnh tranh hoàn hảo. Thị trường thỉnh thoảng lại chứng kiến những sự kiện vô lý đến kỳ lạ, giá xăng giảm nhưng giá vận tải không giảm, giá sữa cứ tăng trong khi giá nguyên liệu không tăng.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI |
Đại biểu này nêu thực tế: Cơ quan nhà nước có thể vô tư ra lệnh cấm bán cát cho khách ngoại tỉnh, uống bia nội tỉnh, yêu cầu nông dân phải dùng thuốc trừ sâu tỉnh nhà, những quyết định hành chính như vậy đã can thiệp trực tiếp vào cung cầu và ít các cơ quan khi ban hành một quyết định hành chính như vậy lại có tính toán gì đến góc độ là quyết định đó ảnh hưởng như thế nào đến cạnh tranh.
Theo ông Lộc, nguyên nhân của thực trạng này được là do những hạn chế trong quy định của luật chưa đủ bao quát các hành vi hạn chế cạnh tranh, quy định chưa đủ thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sử dụng. Thêm vào đó là hạn chế từ các cơ quan thực thi, cơ quan thực thi chưa chủ động phát hiện xử lý hoặc ít nhất là lên tiếng các vụ việc có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc góp ý nên rà soát các quy định của dự thảo, trong đó có nội dung về các căn cứ để miễn trừ thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và việc hạn chế quyền tập trung kinh tế.
The ông Lộc, quyền tập trung kinh tế là kinh tế tự do của doanh nghiệp. Việc hạn chế chỉ là trong trường hợp trong đó tập trung kinh tế đạt tới một ngưỡng nào đó có thể ảnh hưởng đến cạnh tranh chung trên thị trường.
Tiêu chí cho phép hay không cho phép tập trung kinh tế phải dựa vào tác động của tập trung kinh tế đối với thị trường. Ví dụ căn cứ vào thị phần lớn đến mức nào thì có khả năng ảnh hưởng đến hành vi cạnh tranh của các chủ thể khác trên thị trường, ông Lộc góp ý.
Uber sắp bán 10 tỷ USD cổ phần cho Softbank
Uber vừa đạt thỏa thuận mở đường cho một khoản đầu tư khổng lồ từ nhóm công ty dẫn đầu bởi Softbank và Dragoneer. |
Taxi bay của Uber có thể cất cánh vào năm 2020
Nỗ lực chung của Uber và NASA có thể khiến giấc mơ taxi bay của nhiều người trở thành hiện thực sớm hơn so với ... |