Tỉnh mạnh về nông nghiệp muốn phát triển thêm khu kinh tế, hút vốn FDI một năm hơn cả 5 năm trước cộng lại
Là tỉnh ven biển, nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Thái Bình từ lâu đã được mệnh danh là "quê lúa", nơi có nền nông nghiệp phát triển nhờ đất đai phì nhiêu màu mỡ do được bồi tụ bởi hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.
Bên cạnh nền nông nghiệp phát triển, Thái Bình hiện cũng hướng tới mở rộng phát triển lĩnh vực công nghiệp, dần trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Thu hút dòng vốn FDI tăng mạnh trong năm 2021, lớn hơn 5 năm trước cộng lại
Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Thái Bình, trong năm 2015, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 29,05% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tuy nhiên đến năm 2021, tỷ trọng ngành này đã chiếm tới 40,85%. Trong khi đó tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản giảm từ 30,11% năm 2015 xuống 23,33% trong năm 2021.
Có thể thấy, bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế Thái Bình chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ.
Tăng trưởng kinh tế Thái Bình trong những năm qua luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 5 năm 2016 - 2020, GRDP ước tăng 10,13%/năm, vượt xa mục tiêu đề ra là 8,6%/năm, gấp 1,5 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/năm) và là một trong ba tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng.
Riêng năm 2021, Thái Bình cũng là địa phương không nằm ngoài ảnh hưởng chung từ đại dịch COVID-19, song tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn ghi nhận kết quả tích cực với mức tăng 6,68% so với năm 2020. Kết quả này đã giúp địa phương đứng thứ 14 cả nước về tốc độ tăng GRDP.
Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 22.020 tỷ, trong đó thu nội địa đạt 10.534 tỷ đồng, lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10.580 tỷ đồng tăng 65,5% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa ước đạt 3.325,8 tỷ đồng bằng 39,3% dự toán tăng 63,9% và thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 1.060 tỷ đồng đạt 66,3% dự toán, tăng 176,5% so với cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư, theo báo cáo của tỉnh Thái Bình tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương ngày 8/5 vừa qua, năm 2021, tỉnh đã thu hút được 89 dự án với tổng số vốn 20.041 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2020, đặc biệt đã thu hút được 7 dự án FDI với tổng số vốn gần 540 triệu USD, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về thu hút FDI.
Như vậy, số dự án FDI mà tỉnh thu hút trong năm 2021 đã lớn hơn tổng số vốn đầu tư FDI của cả giai đoạn 2016-2020. Riêng 4 tháng đầu năm 2022, tỉnh có 33 dự án đầu tư được chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng số vốn tăng thêm 13.823 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ.
Hướng đến năm 2025, tỉnh phấn đấu sẽ thu hút được khoảng 25 dự án lớn với tổng mức đầu tư khoảng 500.000 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế theo các ngành: công nghiệp - xây dựng chiếm 55 - 60%, thương mại - dịch vụ chiếm 28 - 30%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10 - 17%.
Qua đó giúp tạo việc làm mới cho 30.000 - 40.000 lao động, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,5 - 2 lần mức bình quân chung của tỉnh.
Tiềm năng thu hút dòng vốn lớn từ Khu kinh tế Thái Bình
Để hoàn thành những mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Bình đã được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình (KKT Thái Bình), tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 28/10/2019.
Theo đó, KKT Thái Bình có diện tích tự nhiên 30.583 ha bao gồm 30 xã, một thị trấn thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển. Đến nay, tỉnh đã và đang hoàn thiện quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 của 26 khu chức năng gồm khu công nghiệp, khu đô thị - du lịch, khu cảng và khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.
Xét về vị trí địa lý, KKT Thái Bình nằm ở gần các đầu mối giao thông quan trọng của vùng như cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 40 km, cảng biển Hải Phòng khoảng 30 km và tiếp cận trực tiếp hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nội địa của quốc gia.
Song song, KKT Thái Bình còn nằm trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Trong tổng diện tích của KKT Thái Bình, diện tích dành cho công nghiệp, đô thị, dịch vụ chiếm trên 8.000 ha. Bên cạnh quỹ đất phát triển dồi dào, Thái Bình còn có lợi thế về dân số trong độ tuổi lao động tới hơn 1 triệu người.
Có thể thấy, đây là những lợi thế rất lớn để Thái Bình bứt phá phát triển công nghiệp, trở thành nơi thu hút nhiều dự án lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện, KKT Thái Bình đã có một số dự án lớn, trọng điểm như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2, Nhà máy Amon Nitrat, dự án khí mỏ Hàm Rồng, cảng Diêm Điền,...
Để sớm đưa KKT đi vào hoạt động, thời gian qua, Thái Bình đã tập trung vào việc đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn. Điều này có thể thấy rõ qua việc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm của tỉnh ước đạt 35% kế hoạch thuộc Top đầu và cao hơn bình quân chung của cả nước (18,48%).
Tỉnh quy hoạch và huy động mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình. Tuyến đường cao tốc ven biển nối liền 6 tỉnh ven biển phía Bắc, từ Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Ðịnh - Ninh Bình - Thanh Hóa.
Toàn tuyến cao tốc có chiều dài khoảng 160 km tọa lạc tại cạnh đáy của tam giác đồng bằng sông Hồng được khởi công xây dựng đoạn đầu vào 13/09/2014.
Với vị trí kết nối đặc biệt, cao tốc Quảng Ninh – Thanh Hóa được xem là một trong những tuyến cao tốc quan trọng bậc nhất thúc đẩy giao thương Thái Bình trong tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Hiện nay, phân đoạn cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đoạn đầu của toàn quyến cao tốc với tổng chiều dài hơn 25 km đã chính thức đi vào hoạt động. Phân đoạn cao tốc Hải Phòng - Thái Bình và Thái Bình - Ninh Bình đều được khởi công xây dựng vào năm 2017 với quy mô 4 làn xe.
Báo cáo trong buổi đi thăm, khảo sát một số dự án, công trình trên địa bàn Thái Bình của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra ngày 8/5 vừa qua, Bí thư Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết tỉnh đang quyết tâm thông tuyến đường ven biển qua tỉnh với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng vào tháng 5/2023.
Ngoài ra, Thái Bình cũng đã có chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong KKT Thái Bình. Tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tuyến đường là 2.516 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là 1.500 tỷ đồng, còn lại nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.