Tỉnh từng chịu cú sốc tăng trưởng âm 14,58% sắp khởi công ba dự án lớn của Vingroup, mục tiêu hút 5,5 tỷ USD vốn đầu tư
Kinh tế Hà Tĩnh năm 2021: Sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, thu ngân sách khá
Nhìn vào bức tranh tăng trưởng kinh tế của Hà Tĩnh từ 2015 đến nay, năm 2016 có thể coi là một nốt trầm khi kinh tế giảm đến 14,58%. Đây cũng là năm Công ty Formosa gây ra sự cố môi trường gây thiệt hại nặng nề đến ngành thuỷ sản, hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch, đời sống sinh hoạt của người dân.
Đến năm 2018, kinh tế Hà Tĩnh bứt phá, tăng trưởng đến 20,85%, cao hơn cả mức tăng của năm 2015. Năm 2018 cũng là năm chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng ấn tượng 88,5% so với năm 2017; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 tăng gấp 3,6 lần so với năm 2015.
Năm 2020 khi bắt đầu xuất hiện COVID-19, kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng khiêm tốn ở mức 0,53% và năm nay ước tăng 5,02% (thấp hơn kế hoạch là 9%) đứng thứ 4 khu vực Bắc Trung Bộ.
Sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, đóng góp 4,46 điểm% trong mức tăng trưởng chung của kinh tế toàn tỉnh.
Về GRDP bình quân đầu người, dù năm nay không đạt chỉ tiêu đề ra nhưng nhìn lại giai đoạn trước, đây vẫn là một điểm nhấn đáng để nói đến của Hà Tĩnh.
Nhờ đạt được tốc độ tăng trưởng liên tục nên GRDP theo giá hiện hành ước tính năm 2020 đạt 83.434 tỷ đồng, tăng 93,2 lần so với năm 1991, tăng 21,9 lần so với năm 2000 và tăng 3,7 lần so với năm 2010.
GRDP bình quân đầu người năm 1991 chỉ đạt 0,73 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 đạt 64,25 triệu đồng/người/năm. Trong 30 năm qua, GRDP bình quân đầu người tăng 16,7%/năm, trong đó giai đoạn 2010-2020 ghi nhận mức tăng 16,05%/năm.
Về xuất nhập khẩu, báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2021 của tỉnh cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng mạnh so với năm trước; trong đó xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7% chủ yếu do giá thép tăng cao nên Formosa đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu thép; nhập khẩu ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 50% chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Formosa.
Từ năm 2016 đến 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chưa khi nào chạm đến 1 tỷ USD thì hai năm COVID-19 liên tiếp là 2020 và 2021 đều vượt mốc này, đồng thời cũng vượt luôn tỉnh "hàng xóm" là Nghệ An.
Ngoài ra, thu ngân sách của Hà Tĩnh năm nay dự kiến đạt 16.000 tỷ đồng, vượt 31% dự toán, tăng 25% so với năm 2020. Công ty Formosa Hà Tĩnh đóng góp khá lớn vào thu ngân sách của tỉnh.
Sắp khởi công ba dự án lớn của Vingroup, đặt mục tiêu hút đến 5,5 tỷ USD vào Khu kinh tế Vũng Áng
Nhắc đến Hà Tĩnh là phải đề cập tới Khu kinh tế Vũng Áng với những siêu dự án tỷ USD từ những doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Formosa với tổng mức đầu tư giai đoạn một hơn 10 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I 1,2 tỷ USD. Gần nhất hôm 12/12, Vingroup khởi công nhà máy sản xuất pin giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Ngoài dự án này, theo Báo Hà Tĩnh, dự kiến trong năm 2022 Vingroup sẽ khởi công ba dự án khác gồm dự án hạ tầng khu công nghiệp ô tô và linh kiện phụ trợ nhà máy ô tô VinFast với tổng diện tích dự kiến xây dựng là 1.160 ha, tổng mức đầu tư 250.000 tỷ đồng, sẽ triển khai vào quý III/2022.
Hai dự án khác sẽ khởi công trong quý IV/2022 là dự án đầu tư cảng biển, logistics tổng mức đầu tư 40.000 tỷ đồng và dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Kỳ Ninh tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.
Khu kinh tế Vũng Áng, diện tích hơn 22.000 ha, thành lập năm 2006, hiện có 151 dự án đầu tư, gồm 94 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 59.802 tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 13,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động.
Tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu trong những năm tới sẽ đưa Khu kinh tế Vũng Áng trở thành trung tâm kinh tế đa chức năng với các trụ cột như công nghệ luyện kim, năng lượng, logistics, dịch vụ cảng biển.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư mới vào Khu kinh tế Vũng Áng đạt từ 3,5 tỷ USD - 5,5 tỷ USD (vốn thực hiện từ 60 - 70%). Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt từ 15% - 20%/năm.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn cả giai đoạn đạt từ 55.000 - 60.000 tỷ đồng. Hàng hóa thông qua cảng trên 40 triệu tấn/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả giai đoạn đạt từ 7,5 - 8,5 tỷ USD. Giải quyết việc làm trên 25.000 lao động.
Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, thu hút vốn đăng ký đầu tư mới đạt từ 4 tỷ USD - 7 tỷ USD (vốn thực hiện từ 60% - 70%). Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt từ 15% - 20%/năm.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn cả giai đoạn đạt từ 100.000 - 120.000 tỷ đồng. Hàng hóa thông qua cảng trên 60 triệu tấn/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả giai đoạn đạt từ 12 tỷ USD - 14 tỷ USD. Giải quyết việc làm trên 30.000 lao động.
Về hạ tầng lớn, tỉnh nhận thấy khu kinh tế còn thiếu hạ tầng giao thông phục vụ cho các dự án trọng điểm. Hồi cuối tháng 11, tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng, cụ thể là dự án đường từ quốc lộ 12C đi khu liên hợp gang thép Formosa.
Theo khái toán kinh phí, tuyến đường của dự án này có chiều dài 3,7km với tổng mức đầu tư là hơn 668 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 513 tỷ đồng, số tiền còn lại dành cho chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chi phí quản lý dự án, chi phí dự phòng và các chi phí khác.