|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai tỉnh rượt đuổi sát nút TP HCM về hút FDI, tốc độ lập KCN nhanh như 'vũ bão', không tiếc tiền đổ vào hạ tầng

17:14 | 18/11/2021
Chia sẻ
Nhiều năm qua, Bình Dương và Đồng Nai cùng "dắt tay nhau" kiên trì rượt đuổi TP HCM trong danh sách địa phương hút FDI mạnh nhất. Hai tỉnh này cũng có kế hoạch chi hàng chục nghìn tỷ vào các dự án hạ tầng.

Luôn nằm top đầu hút FDI trong nhiều năm

Vùng Đông Nam Bộ có 3 tỉnh thành là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai thường xuyên nằm trong top đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài TP HCM là đầu tàu kinh tế cả nước, phát triển nổi bật và hay giữ vị trí đầu bảng về hút FDI, thì Bình Dương và Đồng Nai nhiều năm qua vẫn kiên trì rượt đuổi sát nút TP HCM. 

Có lợi thế giáp ranh TP HCM, diện mạo kinh tế hai tỉnh này thay đổi đáng kể những năm qua với điểm nổi bật nhất là luôn góp mặt trong top 5 (Bình Dương) và top 8 (Đồng Nai) hút FDI mạnh nhất.

Hai tỉnh phía Nam rượt đuổi sát nút TP HCM về hút FDI, tốc độ lập KCN nhanh như 'vũ bão', không tiếc tiền đổ vào hạ tầng - Ảnh 1.

Trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay thì năm 2012 là năm duy nhất Bình Dương vượt mặt TP HCM để giữ vị trí đầu bảng về thu hút nhiều vốn FDI nhất. Thời điểm đó TP HCM xếp thứ 3 và theo sau là Đồng Nai. Tuy nhiên sang năm 2013, Bình Dương và Đồng Nai tụt hạng khá sâu, lần lượt xếp thứ 10 và thứ 7. Từ năm 2014 trở đi, thu hút FDI của Bình Dương khởi sắc trở lại, thường xuyên ở vị trí 3, 4, 5, trong khi đó Đồng Nai luôn nằm trong top 8. 

10 tháng đầu năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, đặc biệt là làn sóng dịch thứ 4, Bình Dương vẫn đứng thứ 4 về hút FDI và Đồng Nai đứng thứ 9.

Sau khi dịch được kiểm soát và các tỉnh phía Nam bắt đầu mở cửa, từ tháng 10 đến nay, tình hình thu hút FDI của hai tỉnh này tiếp tục có những điểm sáng nổi bật.

Theo thông tin mới nhất từ ông Lê Văn Danh, Phó ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, lũy kế 11 tháng đầu năm 2021 Đồng Nai thu hút gần 1,1 tỷ USD vốn FDI, vượt 156,5% kế hoạch năm (700 triệu USD).

Còn với Bình Dương, vốn FDI vẫn chảy đều ngay khi nơi này còn là tâm dịch COVID-19. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu thu hút trên 9 tỷ USD vốn FDI; trong đó ưu tiên những dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đem lại giá trị gia tăng cao.

Bình Dương sẽ có thêm 12 KCN mới, Đồng Nai thêm 5

Để kịp thời đón đầu các làn sóng đầu tư mới, Bình Dương cũng dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển hệ thống các đô thị, khu công nghiệp (KCN).

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Xây dựng, Bình Dương hiện có 29 KCN, tổng diện tích quy hoạch 12.743 ha, tỷ lệ lấp đầy là 70%. 

Hiện các KCN này tạo việc làm cho hơn 472.400 lao động, trong đó 87% là người ngoại tỉnh. Hàng năm, các doanh nghiệp (DN) trong KCN đạt doanh thu 32,5 tỷ USD, đóng góp 719 triệu USD vào ngân sách Nhà nước.

KCN đầu tiên của Bình Dương là Sóng Thần 1 được hình thành từ năm 1995, như vậy qua 26 năm, trung bình mỗi năm tỉnh có hơn 1 KCN thành lập. Tốc độ này được coi là khá nhanh nếu so sánh với các tỉnh thành khác như TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Hồi cuối tháng 9, liên quan đến tiến độ lập quy hoạch sử dụng đất KCN thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất KCN năm 2021, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay đã có 7 chủ đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN đăng ký mở rộng và thành lập mới 17 KCN với tổng diện tích đất đăng ký hơn 14.787 ha. Trong đó, có 5 KCN được đăng ký mở rộng với diện tích gần 3.243 ha và 12 KCN được đăng ký thành lập mới với diện tích hơn 11.544 ha. Ban Quản lý đang tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để bổ sung theo quy hoạch.

Hai tỉnh phía Nam rượt đuổi sát nút TP HCM về hút FDI, tốc độ lập KCN nhanh như 'vũ bão', không tiếc tiền chi vào hạ tầng - Ảnh 2.

Bình Dương được biết đến với danh xưng "thủ phủ KCN" khi sở hữu nhiều KCN, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến đặt nhà máy. (Ảnh: Quỳnh Danh/ Zing).

Xét về số lượng KCN, Đồng Nai cũng không hề thua kém Bình Dương, thậm chí còn nhỉnh hơn. Số liệu từ Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết đến nay địa phương có 32 KCN được thành lập với tổng diện tích đất 10.220,45 ha. Trong đó 31/32 KCN đang hoạt động và đã cho thuê được 5.935,24 ha, đạt 84,39% diện tích đất công nghiệp cho thuê (7.120ha). Riêng KCN công nghệ cao Long Thành hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng hạ tầng.

Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung 5 KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam với tổng diện tích đất hơn 7.100ha, gồm: KCN Xuân Quế - Sông Nhạn (diện tích 3.595ha, tại huyện Cẩm Mỹ), KCN Phước An (diện tích 330ha, tại huyện Nhơn Trạch), KCN Long Đức 3 (diện tích 253ha), KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp (diện tích 2.627ha) và KCN Phước Bình 2 (diện tích 299ha, cùng tại huyện Long Thành).

Đi cùng với tốc độ phát triển KCN, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Dương và Đồng Nai cũng đáng để đề cập đến khi luôn nằm trong nhóm tăng cao. Ngoại trừ quý III/2021 bị ảnh hưởng bởi dịch khiến chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng ở mức khiêm tốn, những năm trước đó hai tỉnh này đều ghi nhận mức tăng khá, có nhỉnh hơn khi so sánh với TP HCM.

Hai tỉnh duy nhất phía Nam rượt đuổi sát nút TP HCM về hút vốn FDI - Ảnh 2.

Đồng Nai rót 32.000 tỷ đồng vào hạ tầng giao thông, Bình Dương dự kiến chi gần 50.000 tỷ cho đầu tư công

Trong giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của Đồng Nai là gần 72.000 tỷ đồng, trong đó riêng đầu tư hạ tầng giao thông là gần 32.000 tỷ. 

Đối với nguồn vốn hơn 9.200 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, có khoảng 8.500 tỷ đồng được phân bổ cho các dự án giao thông. Trong đó, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành (dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025) tiếp tục được bố trí nguồn vốn lớn với hơn 4.600 tỷ đồng để thực hiện.

Cùng với đó, 2.000 tỷ đồng cũng được bố trí cho dự án trọng điểm có tính liên kết vùng là dự án Đường liên cảng huyện Nhơn Trạch, sẽ được khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai dự án Hương lộ 10, đoạn 2 (từ ranh giới huyện Long Thành và huyện Cẩm Mỹ đến vị trí giao với đường tỉnh 769) và 4 dự án khởi công mới gồm: 

- Nâng cấp đường tỉnh 763 (đoạn còn lại)

- Đường trục trung tâm TP Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (cầu Thống Nhất và đường kết nối 2 đầu cầu) vốn đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng. 

- Đường ven sông Đồng Nai, TP Biên Hòa (từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.

- Đường vành đai 1, TP Long Khánh.

Hai tỉnh phía Nam rượt đuổi sát nút TP HCM về hút FDI, tốc độ lập KCN nhanh như 'vũ bão', không tiếc tiền chi vào hạ tầng - Ảnh 4.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh: ACV).

Còn trong năm nay, cụ thể vào tháng 12, Đồng Nai sẽ khởi công xây dựng tuyến đường ven sông Đồng Nai hơn 1.300 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài toàn tuyến khoảng 5,2 km, điểm đầu tại mố A cầu Hóa An và điểm cuối giáp ranh huyện Vĩnh Cửu. Đây là dự án được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng kết nối giao thông, đồng thời tạo lập thêm cảnh quan cho đô thị Biên Hòa.

Sang đến năm sau 2022, vào quý III, dự án cầu Phước An dài 4,37 km, tổng mức đầu tư 4.879 tỷ đồng dự kiến cũng sẽ được triển khai. Cầu khi thi công xong sẽ nối thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai

Dự án có tính chất đặc biệt quan trọng kết nối Nhóm cảng biển số 4 với khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ qua hệ thống đường cao tốc trong khu vực (cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây).

Đáng chú ý, tháng 3/2022 sẽ thi công đồng loạt sân bay Long Thành để đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.

Hai tỉnh phía Nam rượt đuổi sát nút TP HCM về hút FDI, tốc độ lập KCN nhanh như 'vũ bão', không tiếc tiền chi vào hạ tầng - Ảnh 5.

Bình Dương dự kiến chi gần 50.000 tỷ đồng cho đầu tư công. (Ảnh: Nhân dân).

Còn với Bình Dương, dự thảo kế hoạch, tỉnh dự kiến bố trí hơn 49.562 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh bố trí 31.912 tỷ đồng cho 445 dự án; vốn ngân sách cấp huyện phân bổ 9.500 tỷ đồng cho 9 huyện, thị xã, thành phố; vốn bội chi ngân sách tỉnh năm 2021 bố trí 204,5 tỷ đồng cho 2 dự án.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh chiếm 70 tỷ đồng; dự phòng ngân sách tỉnh hơn 7.945 tỷ đồng dự kiến bố trí cho 62 dự án đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư nhưng chưa đủ điều kiện bố trí vốn thực hiện. Đồng thời, nguồn ngân sách trung ương bố trí hơn 2.581 tỷ đồng vốn trong nước và hơn 40 tỷ đồng vốn nước ngoài. Trong giai đoạn này, tỉnh dự kiến bố trí 40 dự án, công trình trọng điểm với tổng vốn hơn 13.821 tỷ đồng.

Để đẩy mạnh hạ tầng giao thông, đến nay tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể giao thông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng như, quốc lộ 13; tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn; tuyến đường tỉnh ĐT.744 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, ĐT.741 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Bình Phước; đường ĐT743; đường Thủ Biên–Đất Cuốc.

Mới đây ngày 15/11, Bình Dương khởi công xây dựng công trình đường từ cầu Tam Lập đến Đồng Phú thuộc tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng.

Đây là tuyến đường quan trọng mang tính liên kết vùng giữa hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, đường dài 12,15 km với tổng mức đầu tư hơn 965 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến đường là cầu Tam Lập, ranh giới giữa huyện Phú Giáo và huyện Bắc Tân Uyên, điểm cuối tuyến là ranh giới giữa huyện Phú Giáo và huyện Đồng Phú tỉnh Bình Phước.

Toàn tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng có tổng chiều dài 47,9 km với kinh phí giải phóng mặt bằng gần 1.600 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tuyến đường tạo điều kiện rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa về các đầu mối giao thông quan trọng ở Đồng Nai, TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Anh Đào