TP từng lẹt đẹt giờ bất ngờ lọt Top 5 hút FDI, vượt cả Hà Nội, Quảng Ninh, sẽ chi 31.000 tỷ vào các dự án
Nổi bật với dự án "khủng" lên tới 1,31 tỷ USD
Không chỉ là thủ phủ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Cần Thơ còn là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương bởi thế mà địa phương này cũng được ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng cũng như tiện ích xã hội.
Năm 2020, quy mô nền kinh tế của Cần thơ ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 1,63 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng, tăng 1,65 lần so với năm 2015.
Xét về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mặc dù với vị thế được xem là động lực của vùng ĐBSCL, song số dự án lẫn quy mô nguồn vốn đầu tư trong những năm qua của Cần Thơ vẫn là con số khá khiêm tốn.
Nhìn lại thời điểm năm 2017, toàn TP chỉ thu hút 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 26 triệu USD, xếp thứ 43 cả nước. Đến năm 2019, tình hình thu hút FDI trên địa bàn TP có nhiều tín hiệu khởi sắc khi thu hút được 7 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 68 triệu USD, đứng thứ 38 cả nước.
Song, có thể thấy rõ, so với các TP trực thuộc trung ương khác, đây vẫn là con số nhỏ hơn rất nhiều lần.
Bước vào năm 2021, Cần Thơ bất ngờ lọt Top địa phương dẫn đần cả nước về thu hút FDI, vượt các tỉnh thành xưa nay nổi bật trong thu hút FDI như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai... để vươn lên đứng thứ 5 cả nước. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 tháng đầu năm 2021, TP chỉ thu hút được 4 dự án FDI, song tổng số đăng ký lên tới 1,32 tỷ USD.
Vốn FDI của TP Cần Thơ có bước đột phá lớn trong năm nay chủ yếu nhờ vào dự án “khủng” Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (vốn Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD. Đây cũng là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Cần Thơ.
Dự án được xây dựng tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, có công suất thiết kế 1.050 MW, với mục tiêu xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia. Điều này cũng trở thành "đòn bẩy" đưa Cần Thơ giữ vị thế hàng đầu trong thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL.
Lũy kế đến nay, Cần Thơ đang thu hút 85 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Kỳ vọng diện mạo kinh tế thay đổi nhờ hai tuyến cao tốc kết nối với TP HCM
Từ trước đến nay, điểm nghẽn lớn nhất làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL chính là hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế. Tính đến thời điểm hiện tại cả vùng ĐBSCL chỉ mới có khoảng 40 km đường cao tốc đạt chuẩn đường cao tốc Việt Nam (TP HCM – Mỹ Thuận).
Trong thời gian tới đây, điểm nghẽn này sẽ được khơi thông với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ đó, mở ra cơ hội lớn về thu hút đầu tư cho các địa phương trong Vùng ĐBSCL vốn được xem là có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là TP Cần Thơ.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 TP Cần Thơ, tổng nguồn vốn đầu tư các dự án trên địa bàn là hơn 31.000 tỷ đồng.
5 năm tới, hạ tầng giao thông tiếp tục được xác định là khâu đột phá chiến lược, là cơ sở để TP Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng ĐBSCL và đầu mối logistic quốc tế. Theo đó, TP dự kiến chi trên 7.245 tỷ đồng, chiếm trên 23% tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn này của TP.
Theo Danh mục dự án dự kiến kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vừa được thông qua, Cần Thơ sẽ có 15 dự án nằm trong lĩnh vực giao thông được khởi công mới.
Dự án có quy mô lớn nhất là xây dựng đường vành đai phía tây TP Cần Thơ (nối quốc lộ 91 với quốc lộ 61C) có tổng số vốn đầu tư dự kiến 3.392 tỷ đồng. Tiếp theo là dự án xây dựng và nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 917 (quận Bình Thủy và huyện Phong Điền) có vốn đầu tư trên 994 tỷ đồng.
Các dự án lớn đáng chú ý khác cũng được khởi công trong giai đoạn 2021-2025 gồm: Đường tỉnh 921 (điểm đầu giao với tuyến tránh Thốt Nốt - điểm cuối giao với đường cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng - Châu Đốc); Đường tỉnh 918 - giai đoạn 2; Đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 923; Dự án cầu Tây Đô (huyện Phong Điền); Cầu Cờ Đỏ (trên đường tỉnh 919); Cầu Kênh Ngang (trên đường tỉnh 922).
Mới đây nhất, TP Cần Thơ cũng đã có đề xuất xây dựng cầu Ô Môn bắc qua Sông Hậu nhằm kết nối với tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ kết nối giao thông liên vùng từ Kiên Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp, kết nối từ tuyến đường Ô Môn (Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), đấu nối với đường tỉnh 853 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và định hướng kết nối vào cầu Mỹ Thuận 2.
Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án là 7.000 tỷ đồng. Trong đó, Cần Thơ đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.500 tỷ đồng; ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác là 4.500 tỷ đồng. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2028 và được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Bên cạnh giao thông nội vùng ĐBSCL, Cần Thơ còn đón nhận loạt dự án trọng điểm quốc gia mang tính kết nối liên vùng, hứa hẹn thay đổi diện mạo kinh tế - đô thị.
Trong đó, hai tuyến cao tốc quan trọng là TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận chuẩn bị thông xe và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Đây là hai tuyến cao tốc giúp Cần Thơ kết nối thông suốt với TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo thuận tiện tối đa về giao thương, vận tải hàng hóa cho toàn vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, các dự án xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cùng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ dài hơn 173 km trị giá 10 tỷ USD cũng đang được xúc tiến đầu tư. Tất cả sẽ biến Cần Thơ thành một đầu mối giao thông hiện đại, kết nối liên vùng xứng tầm với tiềm năng sẵn có.
Đón đầu cơ hội mang lại từ việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, TP Cần Thơ cũng tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạ tầng khu công nghiệp (KCN).
Đáng chú ý, Cần Thơ đang khẩn trương lập quy hoạch điều chỉnh KCN Ô Môn - Cần Thơ (diện tích 500 ha; tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn) và KCN Vĩnh Thạnh (diện tích 900 ha; tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh) vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch vào Quy hoạch phát triển các KCN.
KCN Ô Môn - Cần Thơ có vị trí quy hoạch tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn; phía Bắc giáp Rạch Giáo Dẫn, phía Nam giáp Đường tỉnh 922, phía Đông giáp với quận Bình Thủy và phía Tây giáp Rạch KH 8.
KCN Vĩnh Thạnh có vị trí quy hoạch tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh; phía Bắc cách tuyến tránh Thốt Nốt khoảng 850 m, phía Nam cách Đường tỉnh 921B khoảng 434 m, phía Tây Bắc giáp đất dân (cách Quốc lộ 80 khoảng 590 m) và phía Tây giáp Rạch KH 8.
Vị trí quy hoạch KCN Ô Môn - Cần Thơ và KCN Vĩnh Thạnh có điều kiện thuận lợi về giao thông bộ, có khả năng liên kết với các vùng lân cận của các tỉnh giáp ranh nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của khu vực.
Cụ thể, KCN Ô Môn - Cần Thơ có vị trí quy hoạch nằm cạnh tuyến Đường tỉnh 922 mới và dự án cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang. KCN Vĩnh Thạnh có vị trí quy hoạch nằm gần đường dẫn cầu Vàm Cống đi Kiên Giang và TP HCM và dọc theo vị trí quy hoạch dự án cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang.