Tỉnh từng xếp bét bảng, năm nay vụt sáng dẫn đầu về hút FDI, sẽ rót 30.000 tỷ vào hạ tầng để đẩy mạnh kinh tế
Thu hút FDI của Long An tăng mạnh, chủ yếu nhờ dự án điện LNG
Trong những năm qua, hoạt động thu hút FDI của tỉnh Long An luôn ghi nhận những bước tiến vượt bậc. Dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên trên địa bàn tỉnh Long An được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép là vào thời điểm tháng 9/1992. Tính đến nay, Long An đã trải qua 29 năm nỗ lực với nhiều thành quả đáng khích lệ.
Trong giai đoạn năm 2001, các nhà đầu tư nước ngoài mới thực sự bắt đầu chú ý tới tỉnh Long An, 5 năm sau, địa phương này thu hút được 97 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 400 triệu USD.
So với các địa phương khác, đây vẫn là con số khiêm tốn, song lại được coi là những viên gạch đặt nền móng vững chắc cho tỉnh trong công tác thu hút đầu tư FDI giai đoạn sau này.
Từ giai đoạn 2006 - 2010, số dự án FDI tăng lên 355 dự án với tổng số vốn đăng ký 3,2 tỷ USD, tăng 3,7 lần về số dự án và tăng 8,1 lần về vốn so với giai đoạn 5 năm trước. Trong suốt quá trình phát triển, thu hút đầu tư của tỉnh tăng mạnh, nhất là nhà đầu tư FDI không ngừng tăng cả về số dự án lẫn số vốn.
Và tới thời điểm hiện tại, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 tháng đầu năm 2021, Long An dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,68 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong đó có dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) lên tới 3,1 tỷ USD, chiếm tới 84,2% tổng vốn đầu tư của Long An.
Mặc dù là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 lần thứ 4, song đây cũng là thời điểm đánh dấu cột mốc quan trọng đối với Long An khi tỉnh luôn nằm trong Top đầu cả nước về thu hút FDI.
Lũy kế đến ngày 20/10, toàn tỉnh có 1.266 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn lên tới 12.059 USD, đứng thứ 9 cả nước về tổng số vốn đầu tư đăng ký.
"Miền đất hứa" cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước
Xét về vị trí địa lý, tỉnh Long An có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư. Tỉnh được coi là cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giáp ranh TP HCM, kết nối miền Đông và miền Tây Nam bộ. Bên cạnh đó, diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê tương đối lớn và hệ thống hạ tầng đường biển, đường bộ thuận lợi.
Với những ưu thế trên, các nhà đầu tư tại Long An dễ dàng tiếp cận những tiện ích về cơ sở hạ tầng - kỹ thuật, thị trường của TP HCM - trung tâm kinh tế lớn, đồng thời thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm từ ĐBSCL - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 35 khu công nghiệp (KCN) đã được quy hoạch, trong đó có 16 KCN đang hoạt động với diện tích 2.385 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 89%. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay diện tích đất công nghiệp lấp đầy tăng thêm gần 62ha.
Tỉnh Long An cũng đã ban hành kế hoạch đẩy nhanh đầu tư hạ tầng để có 3 KCN đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư trong năm 2021, tạo thêm quỹ đất sạch thu hút đầu tư.
Mới đây nhất, ngay sau khi công tác phòng chống dịch COVID-19 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, Long An đã chính thức trao quyết định thành lập KCN Nam Tân Tập với quy mô gần 245 hecta tại huyện Cần Giuộc, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng, tiến độ triển khai không quá 3 năm.
Đây cũng là một trong số 35 KCN thuộc quy hoạch phát triển các KCN của tỉnh, được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đầu tư về hạ tầng KCN, địa phương này cũng đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế. Về giao thông đường bộ, tỉnh có các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ N2, Quốc lộ 50, đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua. Về giao thông thủy, thì có Cảng biển quốc tế Long An trên cửa sông Soài Rạp, đã tiếp nhận tàu 30.000 DWT và tương lai có thể tiếp nhận tàu 50.000 - 70.000 DWT.
Cảng biển quốc tế Long An là một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất miền Nam, không chỉ giảm tải cho cụm cảng tại TP HCM mà còn giảm chi phí vận chuyển cho DN tại khu vực ĐBSCL.
Đây là lợi thế quan trọng của Long An so với các địa phương trong vùng. Hiện, tỉnh đang đẩy nhanh đầu tư các trục động lực kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm, như các trục nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng, đặc biệt là các trục giao thông kết nối với TP HCM.
Ngoài ra, theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Long An, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng, mở rộng nhiều dự án giao thông quan trọng kết nối nội tỉnh và các địa phương khác trong khu vực.
Theo đó, trong giai đoạn này, tỉnh sẽ huy động nguồn vốn khoảng 30.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 8 công trình đột phá và 3 công trình trọng điểm.
Tất cả công trình được lựa chọn này nằm trên địa bàn TP Tân An và các huyện trọng điểm: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc được quy hoạch kết nối đồng bộ đến Cảng Quốc tế Long An, các khu, cụm công nghiệp, phát triển đô thị và đặc biệt đều là những dự án kết nối với TP HCM.
Theo đó, các công trình nằm trong chương trình đột phá về giao thông giai đoạn 2020 - 2025 gồm: Đường Lương Hòa - Bình Chánh (chiều dài 6,2 km); Đường Hựu Thạnh - Tân Bửu (chiều dài 12,8 km); ĐT826E - đoạn từ giao ĐT826C đến cầu Cần Giuộc (chiều dài 1,6 km); Trục động lực Đức Hòa (chiều dài 22 km); Nâng cấp, mở rộng ĐT824,...
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ này, ngành GTVT tỉnh Long An cũng đảm nhiệm thực hiện ba công trình trọng điểm của Đại hội gồm hoàn thành đường Vành đai TP Tân An; ĐT830E, đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT830 (đường Vành đai 4) và ĐT827E, đoạn từ TP HCM đến sông Vàm Cỏ Đông (trục động lực TP HCM - Long An - Tiền Giang).