Nhiều doanh nghiệp FDI như Foxconn, Intel, Apple muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam
Ngày 21/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Bùi Thanh Sơn cho biết thời gian qua có ý kiến cho rằng một số doanh nghiệp chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi ra Việt Nam. Tuy nhiên, ông khẳng định, không có việc các doanh nghiệp FDI rút khỏi Việt Nam.
"Chúng tôi đã trao đổi với một số tập đoàn như Adidas, Apple… họ nói Việt Nam thời gian qua đã đóng cửa trong một thời gian tương đối dài, nên một số đơn hàng không đáp ứng được. Do đó họ phải chuyển một số đơn đặt hàng đi, tuy nhiên hiện cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang phục hồi và còn tiếp tục mở rộng", VTV dẫn lời người đứng đầu Bộ Ngoại giao.
Ông Bùi Thanh Sơn cũng cho biết như Foxconn, Apple, Intel… đang muốn mở rộng sản xuất tiếp. Bởi họ thấy tiềm năng lớn của Việt Nam, nhất là các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký với các nước.
Bàn về các giải pháp kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế. Trong đó phải tiếp cận cả hai hướng cung và cầu của nền kinh tế.
“Kinh nghiệm các nước cho thấy cần có những biện pháp tài khoá để kích thích tổng cầu. Điều này rất quan trọng bởi sau làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 đời sống người dân rất khó khăn, khiến tổng cầu giảm. Ngoài ra kích thích tổng cung cũng rất quan trọng, khi tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất đã diễn ra”, ông Sơn cho biết.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng việc khôi phục thị trường lao động khi mà nhiều người dân đã di chuyển về quê.
Trên thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp FDI rót trăm triệu USD để mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Tại toạ đàm "COVID-19 và FDI: tác động và triển vọng" hôm 27/9, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho chia sẻ Samsung đang xây dựng trung tâm R&D tại Hà Nội với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển trung và dài hạn. Hiện Trung tâm R&D đã hoàn thành tiến độ trên 50%, dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm 2022.
Trong khi đó Nestlé Việt Nam cũng có khoản đầu tư mới hơn 130 triệu USD hay Tetra Pak chi 5 triệu euro nâng cấp nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy tại Bình Dương. Khoản đầu tư mới sẽ giúp nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu euro của Tetra Pak đặt tại Bình Dương tăng sản lượng từ 11,5 tỷ vỏ hộp hiện tại lên 16,5 tỷ vỏ hộp mỗi năm. Qua đó, doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vỏ hộp giấy tiệt trùng ở trong nước và khu vực.