|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khó khăn chỉ là tạm thời, nhiều ông lớn FDI như Samsung, LG vẫn rón vốn vào Việt Nam

09:02 | 02/10/2021
Chia sẻ
Với hàng loạt dự án FDI trị giá tỷ USD từ việc xây dựng và mở rộng nhà máy, trung tâm nghiên cứu phát triển của LG, Panasonic hay Samsung đều cho thấy cam kết gắn bó dài lâu của những "đại bàng" FDI, đồng thời cũng khẳng định thêm triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.

Trong năm 2020, Việt Nam trở thành quốc gia nổi bật trong việc thu hút chuyển dịch FDI với thành quả chống dịch hiệu quả. Giữa lúc FDI toàn cầu sụt giảm hàng chục phần trăm, dòng vốn FDI tại Việt Nam vẫn được duy trì ổn định.

Một năm trước, từ khóa FDI, đón sóng dịch chuyển được nhắc đến rất nhiều ở Việt Nam. Việc kiểm soát tốt đại dịch cùng những ưu thế sẵn có khiến Việt Nam trở thành điểm sáng trong việc đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Song, làn sóng dịch thứ 4 với biến thể Delta đã khiến nền kinh tế trong năm 2021 gặp nhiều khó khăn. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian gần đây, không ít người lo ngại việc nhà máy FDI rút khỏi Việt Nam trong bổi cảnh dịch bệnh phức tạp.

9 tháng đầu năm, nhiều dự án lớn vẫn rót vốn vào Việt Nam

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù vốn giải ngân có xu hướng giảm, song đa số các dự án rót vốn vào Việt Nam đều có quy mô lớn lên tới vài tỷ USD.

Tại buổi họp báo ngày 29/9 của Tổng cục Thống kê, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) Chu Hải Vân cho biết,số lượng các dự án cấp mới quy mô dưới 5 triệu USD có xu hướng giảm, trong khi số lượng các dự án quy mô trên 50 triệu USD có xu hướng tăng. 

Theo Cục đầu tư nước ngoài, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn đón nhận nhiều dự án lớn. Điển hình như dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD. Tiếp đến là dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD.

Nhiều 'đại bàng' FDI như Samsung, LG,... vẫn chọn điểm đến 'rót vốn' là Việt Nam - Ảnh 1.

Nhà máy Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh. (Ảnh: Samsung).

Một số "đại bàng" FDI vẫn quyết tâm đổ vốn vào Việt Nam như LG rót thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD. Với sự đầu tư mới này, doanh thu xuất khẩu của LG sẽ tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD một năm, tạo thêm việc làm cho 10.000 lao động.

Mới đây nhất, tại buổi Toạ đàm "COVID-19 và FDI, Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, hiện Samsung Việt Nam đang tiếp tục xây dựng trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) quy mô hơn 220 triệu USD tại Hà Nội. Dự án này đang triển khai hơn 50% tiến độ và dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Tờ The Korea Economic Daily đưa tin hồi đầu tháng 9, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc sẽ khởi động dự án mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Việt Nam trong nửa cuối năm nay, mục tiêu đi vào hoạt động trong cuối năm hoặc chậm nhất là đầu năm sau.

Vào ngày 27/9 vừa qua, Panasonic khánh thành nhà máy mới sản xuất thiết bị chất lượng không khí trong nhà (IAQ) tại tỉnh Bình Dương. Nhà máy bắt đầu sản xuất quạt trần và quạt thông gió từ ngày 13/10. 

Khó khăn chỉ là tạm thời

Các hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng, lượng đơn hàng FDI tại Việt Nam sụt giảm nhưng điều đó không đồng nghĩa với doanh nghiệp rời khỏi Việt Nam. Giữa tháng 9, Chủ tịch Eurocham tại Việt Nam Alain Cany thừa nhận sự dịch chuyển đơn hàng là có nhưng chưa doanh nghiệp châu Âu nào rời đi.

Nhiều 'đại bàng' FDI như Samsung, LG,... vẫn chọn điểm đến 'rót vốn' là Việt Nam - Ảnh 2.

Các tập đoàn công nghệ toàn cầu tăng đầu tư vào Việt Nam. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Hay tại buổi họp báo công bố báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2021 tổ chức ngày 22/9, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay, đã có những thông tin như doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam nhưng "nói vậy là chưa chính xác", vì trên thực tế chỉ có một số đơn đặt hàng chuyển ra khỏi Việt Nam hoặc chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, chứ không hẳn doanh nghiệp đi khỏi đây.

Theo ông Jeffries, "hơi sớm" để đưa ra những cảnh báo về xu hướng mới trong chuỗi cung ứng ở tầm nhìn trung và dài hạn. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp tục hưởng lợi trong quá trình chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang thay đổi, gián đoạn sản xuất ở các khu vực khác…, ông Andrew Jeffries nói.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9 vừa công bố, World Bank cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, Việt Nam đã thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 8, tăng 65% so với tháng trước. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng.

Bà Dorsati Mandani, Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cho thấy lòng tin vào nền kinh tế vẫn được duy trì. Nhà đầu tư FDI vẫn tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vì nhiều lý do. 

Theo chuyên gia WB, lý do là nền kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia tăng trưởng tốt (năm 2020 là 2,9%) khi phần lớn các quốc gia khác suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Đó là dấu hiệu của khả năng phục hồi, cho thấy các nền tảng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam là vững chắc.

Phương Trang