Địa phương chưa hết năm đã cán đích mục tiêu hút tỷ USD vốn FDI, sẽ mở thêm 15 KCN, chi tới 50.000 tỷ vào hạ tầng
Hồi cuối tháng 10, Hải Phòng công bố tăng trưởng 9 tháng 2021 đạt 12,28%, cao gấp 8,65 lần cả nước cùng giai đoạn (1,42%). Với mức tăng này, TP cảng cũng dẫn đầu cả nước về tăng trưởng 9 tháng, bỏ khá xa các tỉnh, thành khác. Tất nhiên đây không phải lần đầu Hải Phòng gây chú ý bởi những chỉ số ấn tượng. Trong 3 năm liên tiếp 2017-2019, TP này từng đạt mức tăng trưởng cao 16-17%.
Một chỉ số quan trọng khác mà Hải Phòng cũng đã hoàn thành khá xuất sắc 9 tháng vừa qua, đó là sản xuất công nghiệp đạt mức tăng 19,68%, xếp trên nhiều tỉnh thành mạnh về công nghiệp khác như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bắc Giang.
Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với lãnh đạo chủ chốt TP Hải Phòng về tình hình kinh tế - xã hội của TP hôm 23/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng Hải Phòng đang có nền tảng, đà phát triển rất tốt khi 5 năm qua, tăng trưởng liên tục hơn 15% và hiếm có địa phương nào đạt mức tăng trưởng liên tục này.
Hải Phòng đạt mức tăng trưởng gấp 8,65 bình quân chung của cả nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh TP vừa phòng, chống dịch tốt, vừa duy trì tăng trưởng 12,28% trong bối cảnh cả nước còn khó khăn, điều này rất có ý nghĩa rất lớn bởi GDP của Hải Phòng chiếm 5% GDP toàn quốc.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI 10 tháng năm 2021, Hải Phòng đứng thứ ba với 2,72 tỷ USD. Với con số này, Hải Phòng coi như đã vượt mục tiêu đề ra là thu hút 2,5 - 3 tỷ USD năm nay.
Trong số các dự án đầu tư vào Hải Phòng năm 2021, nổi bật nhất là việc tăng thêm vốn vào dự án của Công ty TNHH LG Display tại KCN Tràng Duệ với 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD và là dự án FDI lớn nhất TP này.
Với khoản đầu tư này LG Display tăng sản lượng từ 9,6-10 triệu sản phẩm/tháng lên 13-14 triệu sản phẩm/tháng. Dự kiến, doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm; nộp ngân sách thêm 25 triệu USD/năm, tạo thêm việc làm cho 16.000 lao động.
Ngoài ra, trong thời gian làn sóng dịch thứ 4 diễn biến phức tạp, Hải Phòng vẫn có nhiều dự án tăng vốn trị giá hàng chục triệu USD như: Dự án của Công ty Hiltron Technologies tại KCN VSIP tăng vốn thêm 33,8 triệu USD; Công ty Ohsung Vina tại KCN Tràng Duệ tăng 19 triệu USD; Công ty TNHH điện tử Tongwei tại KCN An Dương tăng 31 triệu USD.
Tại các dự án cấp mới, nhiều dự án có quy mô vốn khá lớn như Công ty Vision Best Holdings đầu tư gần 20 triệu USD xây dựng nhà máy tại KCN An Dương. Công ty Shanghai Moons’ Electronics thực hiện dự án trị giá 18 triệu USD tại KCN VSIP. Tại KCN Nam Cầu Kiền có dự án của Công ty Hangzhou GreatStar trị giá 18,5 triệu USD.
Trong cuộc phỏng vấn với Báo Chính phủ hồi cuối tháng 9, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết mục tiêu 5 năm 2021-2025, TP phấn đấu thu hút 12,5-15 tỷ USD. Đây là mục tiêu rất cao, nhiệm vụ rất nặng nề đối với TP.
Ông Tùng thông tin, trên thực tế, diện tích đất tại đa số các KCN hiện còn có thể thu hút đầu tư là rất ít, phân bổ nhỏ lẻ trong các khu công nghiệp (187,9 ha) và mặt biển chưa san lấp (trên 700 ha). Quy mô diện tích còn lại là tương đối khó khăn để có thể đạt được hiệu quả thu hút đầu tư.
Do vậy, theo Chủ tịch UBND Hải Phòng, trước mắt, TP sẽ phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các KCN, tập trung cho các KCN Tràng Duệ giai đoạn 3; KCN VSIP; KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng,… để có thể sẵn sàng có nguồn đất sạch với kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, góp phần đắc lực “đi trước một bước” đón đầu các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, theo quy hoạch, Hải Phòng có 25 KCN, đến nay đã phát triển 12 khu.
Chia sẻ tại phiên thảo luận “Nhận diện xu hướng mới trong phát triển khu công nghiệp” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 20/9, ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban, Ban quản lý Khu kinh tế TP Hải Phòng cho biết TP kỳ vọng đến năm 2025 sẽ tiếp tục thành lập thêm 15 KCN với diện tích tăng thêm khoảng 6.200 ha, thu hút khoảng 15 tỷ USD.
Sẽ dành 50.000 tỷ cho các dự án giao thông, xây thêm 100 cây cầu
Điểm nhấn đáng chú ý của hạ tầng Hải Phòng là TP có rất nhiều cầu. TP đã xây mới được 46 cây cầu. Một trong những cây cầu có vốn đầu tư lớn và có ý nghĩa về mặt phát triển kinh tế phải kể đến cầu Hoàng Văn Thụ 2.200 tỷ, bắc qua sông Cấm nối trung tâm TP với huyện Thủy Nguyên. Ngoài cây cầu này, Hải Phòng cũng xây dựng nhiều cầu kết nối với các tỉnh Hải Dương, Thái Bình.
TP cũng dự định sẽ xây thêm 100 chiếc cầu nữa trong 5 năm tới. Đáng chú ý nhất phải kể đến cầu Nguyễn Trãi (vị trí tại huyện Thủy Nguyên và quận Ngô Quyền) có tổng vốn hơn 5.375 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2024.
Đây là một trong những công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, đóng vai trò kết nối khu vực Trung tâm hành chính - chính trị cũ tại quận Hồng Bàng với Trung tâm hành chính - chính trị mới sẽ được xây dựng tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi có mục tiêu xây dựng trục kết nối Khu đô thị hiện hữu với Khu đô thị mới phía Bắc sông Cấm và các KCN chính trên địa bàn thành phố như VSIP, Phà Rừng, Minh Đức, Đình Vũ,…
Dự án sẽ góp phần rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hóa đến/đi Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, liên kết Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi với cực phát triển phía Bắc của thành phố tại khu vực Bắc Sông Cấm,...
Còn trong tương lai gần, vào tháng 1/2022 sắp tới, Cầu Rào hơn 2.200 tỷ ở Hải Phòng dự kiến thông xe kỹ thuật.
Cầu Rào xây dựng trên địa bàn 4 quận của Hải Phòng gồm: Ngô Quyền, Hải An, Dương Kinh và Lê Chân với chiều dài khoảng 456,5 m, rộng 30,5 m, quy mô 6 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.265 tỷ đồng.
Ngoài Cầu Rào, 4 cây cầu dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm 2021 ở TP Hải Phòng, bao gồm: cầu Dinh (kết nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), cầu Quang Thanh (kết nối huyện An Lão với huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), cầu Tràng Kênh (nằm trong dự án cải tạo đường thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên), cầu qua sông Đa Độ (đã hoàn thành 1/2021 trong Dự án đường 403 giai đoạn 2, huyện Kiến Thụy).
Trong giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng tiếp tục dành nguồn lực hơn 50.000 tỷ đồng để thực hiện 58 dự án giao thông.
Các công trình trọng điểm sẽ được TP đầu tư, thi công trong thời gian tới gồm: Dự án xây dựng tuyến đường Đông Khê 2 (giai đoạn I), đoạn từ ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm - Văn Cao đến đường Lê Lợi; xây dựng tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến ngã 4 Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5; xây dựng tuyến đường trục đô thị nối đường liên phường với đường 356 (giai đoạn II) quận Hải An.
Ngoài ra, còn có các dự án xây dựng cầu Rào I; xây dựng tuyến đê tả sông Cấm đoạn từ Km25+000 đến Km31+741, huyện Thủy Nguyên; xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển qua địa phận TP Hải Phòng từ tỉnh lộ 353 đến cầu Thái Bình (Km0-Km19+645); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền.
CHI TIẾT 58 DỰ ÁN GIAO THÔNG SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG SẼ ĐƯỢC THỰC HIỆN TẠI HẢI PHÒNG SẮP TỚI
(Đơn vị: Tỷ đồng)