|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiến độ 7 đường vành đai của Hà Nội: Vành đai 3,5 sắp đầu tư nhiều đoạn tuyến thành phần, vành đai 2 có đoạn sắp về đích

21:58 | 20/11/2021
Chia sẻ
Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai, trong đó vành đai 3 hiện là tuyến duy nhất hoàn thành toàn bộ. Các tuyến còn lại gồm vành đai 1; 2; 2,5; 3 và 3,5 đều đang được xây dựng hoặc chờ dự án. Riêng vành đai 4 và 5 đang ở giai đoạn đề xuất, nghiên cứu đầu tư.

Trong vòng một thập kỷ qua, diện mạo đô thị Hà Nội có những bước chuyển mình với nhiều công trình giao thông hiện đại được đưa vào sử dụng.

Với các đường vành đai, vốn được xem là xương sống của hệ thống giao thông đô thị, thành phố đã hoàn thành nhiều dự án trọng điểm, cấp bách như vành đai 1, đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái; vành đai 2, đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy và đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long, cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm kết nối tuyến đường vành đai 3 dưới thấp với cửa ngõ nam Hà Nội,...

Tuy nhiên, bênh cạnh những công trình giao thông hoàn thiện và đưa vào khai thác, nhiều dự án đến nay vẫn nằm trên giấy, chủ yếu do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Một số đoạn tuyến triển khai kéo dài qua nhiều năm.

7 đường vành đai Hà Nội đang làm đến đâu? - Ảnh 1.
Các đường vành đai Hà Nội - Ảnh 1.

Đường vành đai 1 là tuyến giao thông đường bộ vòng tròn, chạy xuyên tâm thủ đô, kéo dài từ Nhật Tân qua đường Lạc Long Quân - Bưởi, Ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Trần Khát Chân, Ô Đông Mác, Nguyễn Khoái, Trần Quang Khải.

Năm 2010, vành đai 1 đoạn Kim Liên – Xã Đàn chính thức được thông xe sau khoảng 10 năm phê duyệt. Tuyến đường có chiều dài 550 m, tổng mức đầu tư gần 650 tỷ đồng. Ba năm sau, đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu dài 547 m cũng được khánh thành với tổng mức khoảng 700 tỷ đồng. Đến tháng 7/2016, đường Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái dài 570 m, tổng mức 1.139 tỷ đồng cũng được thông xe.

Đường Xã Đàn và Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái. (Ảnh:: Hạ Vũ).

Việc hoàn thành và thông xe ba tuyến đường nói trên đã tạo nên trục đường được mệnh danh "đắt nhất hành tinh", đồng thời kiến tạo hình hài cho tuyến đường vành đai 1 của Thủ đô.

Hiện tại, vành đai 1 chỉ còn đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là nút thắt cuối cùng cần tháo gỡ để hoàn thiện, khép kín toàn tuyến.

Dự án xây dựng đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục được Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2017. Công trình dài hơn 2,2 km, mặt cắt ngang 50 m, gồm 6 làn đường; hai cầu vượt tại các nút giao Giảng Võ - Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành.

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 4: 7 đường vành đai Hà Nội đang làm đến đâu? - Ảnh 3.

Vành đai 1 chỉ còn đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là chưa hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Hạ Vũ).

Đoạn đường có tổng mức đầu tư trên khoảng 7.780 tỷ đồng, riêng phần giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư hơn 6.000 tỷ đồng.

Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020, tuy nhiên đến nay, tuyến đường vẫn chậm tiến độ do chưa thể giải phóng mặt bằng.

7 đường vành đai Hà Nội đang làm đến đâu? - Ảnh 5.
Các đường vành đai Hà Nội - Ảnh 2.

Đường vành đai 2 có chiều dài hơn 43 km, tổng mức đầu tư trên 55.000 tỷ đồng gồm ba cây cầu là Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Đông Trù và các tuyến đường Bưởi, Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Lý Sơn, Nguyễn Văn Linh, Đàm Quang Trung, Minh Khai, Đại La, Trường Chinh.

Vào tháng 1/2016, đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy dài 6,4 km với tổng mức đầu tư 6.400 tỷ đồng được thông xe.

Đến tháng 11/2020, đoạn trên cao Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng dài hơn 2 km cũng chính thức đi vào hoạt động, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 9.400 tỷ đồng.

Vành đai đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy và đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng. (Ảnh: Hạ Vũ).

Cùng với cầu Nhật Tân, các đoạn tuyến nói trên đã tạo nên một trục đường chạy xuyên suốt, giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực trung tâm Thủ đô. Riêng đoạn tuyến trên cao đến cầu Vĩnh Tuy chưa hoàn thiện nên vào giờ cao điểm vẫn xảy ra tình trạng quá tải.

Dự án mở rộng đường vành đai 2 và xây cầu cạn trên cao từ Ngã Tư Vọng tới cầu Vĩnh Tuy (đường Đại La - Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) là đoạn cuối cùng để khép kín vành đai 2, hiện đang thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2022.

Dự án mở rộng và hoàn thiện xây dựng đường trên cao này sẽ đưa vào khai thác, giúp công trình này trở thành tuyến đường chạy xuyên tâm Thủ đô đầu tiên được hoàn thiện.

7 đường vành đai Hà Nội đang làm đến đâu? - Ảnh 8.
Các đường vành đai Hà Nội - Ảnh 3.

Vành đai 2,5 là tuyến đường bổ trợ, kết nối vành đai 2 và 3, đi qua Khu đô thị Tây Hồ Tây - Nguyễn Văn Huyên - Trung Kính - Đầm Hồng - Kim Đồng - Lĩnh Nam. Tuyến đường này được TP Hà Nội quy hoạch đầu tư hơn 10 năm trước với tổng vốn dự kiến hơn chục nghìn tỷ đồng.

Nhiều đoạn của tuyến đường này đã được xây dựng, như đoạn qua Khu đô thị Tây Hồ Tây, đoạn Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy, đoạn Công viên Cầu Giấy - Trung Kính,...

Một trong những điểm nghẽn lớn nhất của tuyến này là triển khai xây dựng đoạn Đầm Hồng tới Giải Phóng. Dự án này được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với chiều dài hơn 2 km, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, đến nay sau gần 20 năm vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Dự kiến, trong giai đoạn 2022 - 2026, Hà Nội sẽ triển khai thi công đoạn từ đường Nguyễn Trãi (quốc lộ 6) đến Đầm Hồng, dài 1,5 km, vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng.

Ngoài ra theo kế hoạch, từ năm 2025, TP Hà Nội sẽ chỉnh trang, mở rộng đường Hoàng Đạo Thúy, trục Khương Đình, Định Công trên tuyến vành đai này.

7 đường vành đai Hà Nội đang làm đến đâu? - Ảnh 10.
Các đường vành đai Hà Nội - Ảnh 4.

Tuyến vành đai 3 có chiều dài khoảng 65 km, được kết hợp nhiều tuyến đường đã có sẵn như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, cầu cạn Pháp Vân, cầu Thanh Trì, quốc lộ 1A mới đoạn từ cầu Thanh Trì đến Ninh Hiệp.

Trên tuyến vành đai 3 có ba cây cầu lớn là Thăng Long, cầu Thanh Trì và cầu Phù Đổng.

Đến nay, đây là đường vành đai duy nhất của Hà Nội đã hoàn thành sau khi dự án cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long và đường Phạm Văn Đồng dưới thấp được mở rộng thông xe vào tháng 10/2020.

Công trình giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, các nút giao phức tạp có lưu lượng lớn như Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn... Đồng thời, tuyến đường còn kết nối trung tâm thành phố đến sân bay quốc tế Nội Bài và khu vực lân cận.

Hệ thống 7 đường vành đai Hà Nội đang được triển khai đến đâu? - Ảnh 8.

Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đã thông xe vào tháng 10/2020. (Ảnh: Hạ Vũ).

Trước đó, cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm (dài 260 – 282 m) với tổng mức 340 tỷ đồng được thông xe, kết nối tuyến đường vành đai 3 dưới thấp với cửa ngõ nam Hà Nội, giải bài toán ùn tắc suốt nhiều năm tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng.

Đầu năm 2021, Thủ tướng cùng UBND TP Hà Nội đã phát lệnh thông xe nút giao vành đai 3 với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (nút giao Cổ Linh) với tổng mức đầu tư 402 tỷ đồng.

7 đường vành đai Hà Nội đang làm đến đâu? - Ảnh 13.

Nút giao vành đai 3 với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (nút giao Cổ Linh). (Ảnh: Hạ Vũ).

Vành đai 3 là tuyến đường có vai trò quan trọng trong kết nối phương tiện giao thông vùng phía Bắc, Tây Bắc và phía Nam về trung tâm Thủ đô.

Dự kiến từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 bao gồm hai đoạn từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài (dài 9,8 km) và từ trục Nhật Tân - Nội Bài đến Quang Minh (dài 5 km). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.450 tỷ đồng.

7 đường vành đai Hà Nội đang làm đến đâu? - Ảnh 14.
Các đường vành đai Hà Nội - Ảnh 5.

Tuyến đường vành đai 3,5 nối khu vực bắc và nam sông Hồng dài hàng chục km đi qua các quận, huyện như Thanh Trì, Hà Đông, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Mê Linh..., tạo thành vành đai phía tây thủ đô với điểm nhấn là cầu Thượng Cát (9.000 tỷ đồng) bắc qua sông Hồng nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm.

Tuyến đường chạy qua quốc lộ 32 Bắc Từ Liêm, Hà Đông và kết thúc ở cao tốc Pháp Vân (huyện Thanh Trì) với tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng.

Hiện tuyến có dự án đang xây dựng là đoạn nối từ đại lộ Thăng Long (địa phận xã An Khánh, huyện Hoài Đức) với quốc lộ 32 dài 5,6 km, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.

Theo thiết kế, tuyến đường sẽ rộng 60 m, hai dải đường trung tâm phục vụ xe chạy hai chiều, mỗi bên ba làn xe chạy với tốc độ tối đa 80 km/h.

Ngoài ra, dự án còn có hai dải đường đô thị, mỗi bên một làn ô tô, một làn xe máy.

Hệ thống 7 đường vành đai Hà Nội đang được triển khai đến đâu? - Ảnh 11.

Vành đai 3,5 qua KĐT Văn Phú. (Ảnh: Hạ Vũ).

Trong báo cáo của về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 trình HĐND TP Hà Nội vào tháng 9 vừa qua, UBND thành phố cho biêt sẽ tiếp tục đầu tư đường vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến quốc lộ 32 với chiều dài 3,8 km, vốn đầu tư 1.594 tỷ đồng. Nút giao đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long có vốn đầu tư 2.624 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố dự kiến cũng sẽ triển khai đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến Pháp - Vân Cầu Giẽ, qua địa phận quận Hà Đông có chiều dài 10,8 km, vốn đầu tư 4.200 tỷ đồng. Công trình dự kiến được xây dựng và hoàn thành từ năm 2022 đến 2026.

7 đường vành đai Hà Nội đang làm đến đâu? - Ảnh 17.

Ngày 29/7/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Hội. Chiều dài toàn tuyến là 98 km đi qua địa phận TP Hà Nội (56,5 km), Hưng Yên (20,3 km) và Bắc Ninh (21,2 km).

Riêng hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến vành đai 4.

Các đường vành đai Hà Nội - Ảnh 6.

Đường cao tốc vành đai có quy mô mặt cắt ngang 6 làn xe, mặt cắt ngang rộng 120 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Diện tích đất để xây dựng tuyến đường theo quy hoạch vào khoảng 1.230 ha, trong đó, tại Hà Nội khoảng 740 ha; tỉnh Hưng Yên khoảng 230 ha; tỉnh Bắc Ninh khoảng 260 ha.

Tại kỳ họp thứ II, khóa XVI, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về cho ý kiến, phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố. Trong đó, HĐND thành phố quyết nghị thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường vành đai 4 – vùng Thủ đô, với ba dự án thành phần.

Vành đai 4 – vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 111,2 km, gồm 102,2 km đường vành đai 4 và 9 km tuyến trên cao nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long.

Dự án đi qua địa phận ba tỉnh, thành phố, cụ thể như sau: Đoạn qua Hà Nội dài 58,2 km, đoạn qua Hưng Yên dài 19,8 km và đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài khoảng 24,2 km.

Đoạn đầu tuyến tại khoảng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long thuộc địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Tuyến nối từ cuối dự án theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín đường vành đai 4 theo quy hoạch, dài khoảng 9 km.

Đường vành đai 4 có mặt cắt ngang rộng 120 m, gồm 6 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên. Đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu tổng chiều rộng mặt cắt ngang 135 m.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 94.127 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (31.904 tỷ đồng), ngân sách địa phương (33.583 tỷ đồng), vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vành đai 4 với chiều dài Khoảng 148 km. Trong đó đoạn phía nam quốc lộ 18 đã được phê duyệt với chiều dài khoảng 98 km, quy mô mặt cắt ngang cơ bản là 120 m. Đoạn đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long từ Hiền Ninh tới Kim Lũ được điều chỉnh đi về phía bắc sân bay Nội Bài; đoạn từ Hiền Ninh - Nỉ - Bắc Giang xây dựng đường với quy mô tương đương đường cấp II.

7 đường vành đai Hà Nội đang làm đến đâu? - Ảnh 20.
Các đường vành đai Hà Nội - Ảnh 7.

Đường vành đai 5 được phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2014, dài khoảng 331 km (không bao gồm 41 km đi trùng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3).

Vành đai 5 đi qua địa giới hành chính 36 quận, huyện, TP của 8 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Trong đó, đoạn qua Hà Nội dài khoảng 48 km, qua Hòa Bình hơn 35 km; qua Hà Nam hơn 35 km; qua Thái Bình hơn 28 km; qua Hải Dương gần 53 km; qua Bắc Giang hơn 51 km; qua Thái Nguyên gần 29 km và đoạn qua Vĩnh Phúc hơn 51 km.

Nhu cầu vốn đầu tư tuyến đường này khoảng 85.561 tỷ đồng (tính theo giá năm 2013).

Về tiến độ thực hiện, giai đoạn 2020 - 2030, xây dựng toàn tuyến theo quy mô quy hoạch của đường vành đai 5 đạt tối thiểu 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc và quốc lộ; giai đoạn ngoài 2030, xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch.

Tiến độ xây dựng của từng dự án thành phần sẽ được điều chỉnh phù hợp theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể trong từng giai đoạn.

Huy Hoàng

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.