|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội dồn lực làm vành đai 4, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng hưởng lợi

09:29 | 25/09/2021
Chia sẻ
Dự án đường vành đai 4 - Vùng thủ đô đi qua 14 quận, huyện, thành phố của Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, từ đó là đòn bẩy phát triển kinh tế.

Chính thức thông qua chủ trương làm đường vành đai 4

Hà Nội vừa thông qua chủ trương triển khai dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng thủ đô. Theo nghị quyết của Thành ủy Hà Nội, tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng. 

Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hà Nội dồn lực làm vành đai 4 - Bắc Ninh, Hưng Yên cũng được hưởng lợi - Ảnh 1.

Dự án đường vành đai 4 được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, đi qua 14 quận, huyện, thành phố của Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. (Đồ họa: Justin Bùi).

Dự án đường vành đai 4 đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, đi qua 14 quận, huyện, thành phố của ba tỉnh, thành phố.

Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội). Điểm cuối là km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Tổng chiều dài khoảng 98 km (qua Hà Nội 56 km; đoạn qua Hưng Yên trên 20 km và đoạn qua Bắc Ninh hơn 21 km).

Vào tháng 8 vừa qua, Hội đồng thẩm định cấp cơ sở ba tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên vừa tổ chức họp thẩm định hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đại diện đơn vị tư vấn cho biết sau khi tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung thiết kế theo ý kiến của lãnh đạo ba tỉnh, thành phố, dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài là 110 km (tăng 9 km từ điểm cuối tuyến đến quốc lộ 18 và đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang trên địa phận tỉnh Bắc Ninh).

Riêng hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến Vành đai 4.

Với đoạn đi qua Hà Nội, tuyến đường đi qua 7 quận, huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông, trên tuyến có hai cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở.

Hà Nội dồn lực làm vành đai 4, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng hưởng lợi - Ảnh 2.

Vành đai 4 đoạn qua huyện Mê Linh. (Nguồn ảnh: Quy hoạch Hà Nội).

Hà Nội dồn lực làm vành đai 4, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng hưởng lợi - Ảnh 3.

Trên tuyến có hai cầu vượt sông Hồng là cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở. (Nguồn ảnh: Quy hoạch Hà Nội).

Hà Nội dồn lực làm vành đai 4, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng hưởng lợi - Ảnh 4.

Vành đai 4 đoạn qua huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Nguồn ảnh: Quy hoạch Hà Nội).

Dự kiến tổng mức đầu tư của vành đai 4 khoảng 160.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách bố trí khoảng 50% (gồm ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 25% tổng mức đầu tư; ngân sách của Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh khoảng 25% tổng mức đầu tư). Phần 50% vốn còn lại áp dụng cơ chế đối tác công - tư và xây dựng - kinh doanh - chuyển giao.

Trong giai đoạn tới, Hà Nội xác định dồn lực đầu tư cho dự án đường vành đai 4 - vốn được coi là một trong những động lực cho sự phát triển kinh tế thành phố trong 5 năm tới. Điều này cũng đồng nghĩa hai địa bàn có vành đai 4 đi qua là Bắc Ninh và Hưng Yên cũng sẽ hưởng lợi nhất định.

Vành đai 4 đi qua địa bàn 4 huyện của Hưng Yên

Hà Nội dồn lực làm vành đai 4, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng hưởng lợi - Ảnh 8.

Một đoạn vành đai 4 qua địa phận tỉnh Hưng Yên. (Nguồn ảnh: Quy hoạch Hà Nội).

Những tuyến đường vành đai luôn được coi là xương sống của hệ thống giao thông. Là một trong ba tỉnh thành có đường vành đai 4 đi qua, Hưng Yên kỳ vọng đây sẽ là một trong những động lực thúc đẩy phát triển, liên kết vùng.

Đoạn vành đai 4 qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 18,85km, đi qua địa bàn 4 huyện gồm: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm. Điểm đầu tại khu vực xã Thắng Lợi (Văn Giang), điểm cuối tại xã Lạc Đạo (Văn Lâm).

Hà Nội dồn lực làm vành đai 4 - Bắc Ninh, Hưng Yên cũng được hưởng lợi - Ảnh 5.

Thành phố xanh Ecopark góp phần thay đổi hạ tầng bờ Đông sông Hồng. (Ảnh: Ecopark).

Không chỉ nằm trong vành đai phát triển đô thị của Vùng thủ đô Hà Nội, huyện Văn Giang còn có hệ thống giao thông thuận tiện với Hải Phòng - một trong những đầu mối giao thương chủ đạo của cả nước; thông qua các tuyến vành đai 4, vành đai 3,5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên hay đường thủy trên sông Hồng.

Đây cũng là địa phương thu hút nhiều dự án bất động sản tầm cỡ, nổi bật là dự án Ecopark - KĐT phát triển dọc hai bên tuyến liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên với tổng diện tích hơn 499 ha.

Với huyện Khoái Châu, vào hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN sạch tại huyện Khoái Châu và Ân Thi.

Theo đó, diện tích sử dụng đất của dự án là 143,08 ha tại địa phận xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu và xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên). Dự án có tổng mức đầu tư là 1.788 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư gần 358 tỷ đồng.

Liên doanh các nhà đầu tư Dự án gồm: Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Tập đoàn Phát triển hạ tầng và đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài, Công ty Xây dựng KBI và Ngân hàng Shinhan.

Về kế hoạch đầu tư hạ tầng thời gian tới, 4 huyện có vành đai 4 đi qua (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm) đều có nhiều dự án giao thông mới. 

Như ở huyện Khoái Châu, sau năm 2021 sẽ hoàn thành đoạn tuyến nối ĐT.379 với QL.39 và đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Huyện Yên Mỹ sẽ đầu tư xây dựng đường công trình đường quy hoạch số 1, đường quy hoạch số 4 giai đoạn 2, đường quy hoạch số 1 kéo dài và đường quy hoạch số 7.

Huyện Văn Lâm sẽ cải tạo nâng cấp một số tuyến đường như đường ĐH15 (đoạn từ Km4+216 – Km9+260 theo lý trình mới), ĐT.385 đoạn Km0+450-Km1+300. Ngoài ra huyện sẽ đầu tư xây dựng đường nối khu A, B Cụm công nghiệp Tân Quang với quốc lộ 5 và đường trong Cụm công nghiệp Tân Quang (đoạn từ Công ty EVERPIA TSC đến Công ty Hữu Nghị).

Sau năm 2021, huyện Văn Giang cũng sẽ cải tạo, nâng cấp ĐH24 (đoạn từ K0+00 đến K2+800 và đoạn từ Km4+900 đến Km7+100).

Bắc Ninh thêm lợi thế để thành thành phố trực thuộc Trung ương

Đoạn vành đai 4 đi qua Bắc Ninh có chiều dài 21,2 km, có điểm đầu tại xã Nguyệt Đức và đi qua các xã Ninh Xá, Mão Điền, Hoài Thượng (huyện Thuận Thành); Chi Lăng, Yên Giả, Phượng Mao (huyện Quế Võ) và phường Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh); điểm cuối tại xã Phượng Mao.

Đoạn tuyến từ QL.18 mới đến QL. 18 cũ (tuyến nối), đơn vị tư vấn đề xuất kéo dài khoảng 2 km, quy hoạch trùng hướng tuyến ĐT.278. Trên tuyến dự kiến xây dựng Cầu Hoài Thượng vượt qua sông Đuống tại Km92+300 và các nút giao liên thông với QL.38, QL.17 và cao tốc Nội Bài - Hạ Long cùng các nút giao khác với các tuyến đường tỉnh hiện hữu, quy hoạch.

Hà Nội dồn lực làm vành đai 4, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng hưởng lợi - Ảnh 5.

Vành đai 4 đoạn qua Bắc Ninh. (Ảnh: Quy hoạch Bắc Ninh).

Điểm qua các vị trí nơi vành đai 4 đi qua là huyện Thuận Thành và huyện Quế Võ - hai khu vực này đều tập trung nhiều khu công nghiệp, khu đô thị. 

Với lộ trình trở thành thị xã vào năm 2022, huyện Thuận Thành đang tích cực triển khai công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản. Đây cũng là nơi tập trung ba KCN Thuận Thành (1,2,3) với tổng quy mô lên tới 1.440 m2.

Ngoài ra, trong tương lai sẽ có thêm hai KCN tập trung tại khu vực xã Ngũ Thái và xã Nguyệt Đức thuộc huyện Thuận Thành và khu vực xã Vạn Ninh thuộc huyện Gia Bình với tổng diện tích là 500 ha.

Huyện Thuận Thành cũng có nhiều KĐT mới như: Đô thị mới phía Nam thị trấn Hồ; KĐT Đức Việt, Trung Quý (xã Gia Đông); KĐT An Bình; KĐT Hồng Hạc (xã Xuân Lâm) đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Cùng chung một mục tiêu trở thành thị xã, huyện Quế Võ là một trong những địa phương có nhiều lợi thế về đất đai, hạ tầng giao thông và vị trí địa kinh tế thuận lợi kết nối giữa đô thị Chí Linh tỉnh Hải Dương với TP Bắc Ninh và huyện Tiên Du.

Hà Nội dồn lực làm vành đai 4, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng hưởng lợi - Ảnh 8.

Các tỉnh mà Vành đai 4 đi qua sẽ dễ dàng kêu gọi thu hút đầu tư, sẽ phát triển quỹ đất, các trung tâm đô thị dọc theo vành đai sẽ được phát triển. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Với lợi thế về giao thông liên kết vùng, huyện Quế Võ đang là địa bàn trọng điểm thu hút mạnh mẽ đầu tư công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay trên địa bàn huyện có 4 KCN lớn là Quế Võ 1, 2, 3 và An Việt – Quế Võ 6 cùng một cụm công nghiệp Châu Long – Đức Long.

Tổng diện tích đất công nghiệp hơn 1.500 ha với tổng số lao động trên 50.000 người là thế mạnh để Quế Võ hướng tới phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như ngành điện tử, viễn thông, cơ điện tử, hóa dược, gắn với sự phát triển công nghiệp của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các hành lang kinh tế phía Bắc.

Trong cuộc họp hồi đầu tháng 5 của Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng với Thường trực Tỉnh ủy các địa phương Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang để thống nhất về định hướng, quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng đường vành đai 4, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết Bắc Ninh có diện tích khá nhỏ, trong khi đó phát triển công nghiệp rất lớn. Theo quy hoạch được phê duyệt đến năm 2030 tỉnh Bắc Ninh sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, Bắc Ninh rất cần kết nối vùng, mở ra không gian phát triển tốt trong nay mai.

Đánh giá về tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của đường vành đai 4, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Chuyên gia giao thông, TS Đỗ Mười nhận định: "Hưởng lợi thì chúng ta hưởng lợi rất nhiều, nhất là khu vực Hà Nội sẽ đỡ ách tắc hơn tại khu vực Vành đai 3. Các tỉnh mà Vành đai 4 đi qua sẽ dễ dàng kêu gọi thu hút đầu tư, sẽ phát triển quỹ đất, các trung tâm đô thị dọc theo vành đai sẽ được phát triển.

Và như thế, chúng ta sẽ thấy 5 tỉnh, thành đương nhiên trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội mà đã là đô thị vệ tinh của Vùng thủ đô sẽ phát triển rất tốt, đặc biệt là khai thác tiềm năng lợi thế của từng tỉnh mà có đường Vành đai 4 đi qua".

Phương Trang