Hệ thống 7 đường vành đai của Hà Nội: Hai tuyến chưa hình thành, 5 tuyến còn lại tổng mức đầu tư gần 150.000 tỷ
Hệ thống 7 tuyến đường vành đai của Hà Nội, trong đó Vành đai 4 và Vành đai 5 chưa hình thành. 5 tuyến còn lại có tổng vốn đầu tư gần 150.000 tỷ đồng.
Vành đai 1 còn một dự án để khép kín toàn tuyến là đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài hơn 2,2 km. Đoạn này được dự kiến khởi công trong năm nay và hoàn thiện chậm nhất năm 2030. Dự án có tổng mức đầu tư trên 7.200 tỷ đồng, riêng phần giải phóng mặt bằng chiếm 5.800 tỷ đồng.
Dự án mở rộng đường Vành đai 2 và xây cầu cạn trên cao từ Ngã Tư Vọng tới cầu Vĩnh Tuy (đường Đại La - Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) là đoạn cuối cùng để khép kín Vành đai 2, hiện đang thi công, dự kiến sẽ hoàn thành đầu năm 2022.
Vành đai 2,5 được TP Hà Nội quy hoạch đầu tư hơn 10 năm trước với tổng vốn dự kiến hơn chục nghìn tỷ đồng. Hiện tuyến vẫn còn dự án Đầm Hồng tới Giải Phóng dài 2 km (nối quận Thanh Xuân đến đường Giải Phóng - Kim Đồng, Hoàng Mai) chưa bắt đầu khởi công.
Ngoài ra theo kế hoạch, từ năm 2025, TP Hà Nội sẽ chỉnh trang, mở rộng đường Hoàng Đạo Thúy, trục Khương Đình, Định Công trên tuyến vành đai này.
Vành đai 3 đến nay là đường vành đai duy nhất của Hà Nội đã khép kín. Dự kiến từ nay đến năm 2025, TP sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn hai bao gồm hai đoạn: Từ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến trục Nhật Tân - Nội Bài (dài 9,8 km) và từ trục Nhật Tân - Nội Bài đến Quang Minh (dài 5 km). Tổng mức đầu tư khoảng 2.450 tỷ đồng.
Vành đai 3,5 ở phía tây thủ đô chạy qua quốc lộ 32 Bắc Từ Liêm, Hà Đông và kết thúc ở cao tốc Pháp Vân (huyện Thanh Trì) với tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng.
Hiện tuyến có dự án đang xây dựng là đoạn nối từ đại lộ Thăng Long (địa phận xã An Khánh, huyện Hoài Đức) với quốc lộ 32 dài 5,6 km, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.
Ngoài các đường vành đai trên, Hà Nội còn đường Vành đai 4 và Vành đai 5 chưa hình thành. Dự án Vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98 km, đi qua 14 huyện của Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.
Mới đây, TP Hà Nội đề xuất hai phương án đầu tư. Cụ thể, tổng mức đầu tư của dự án nếu xây dựng đường cao tốc khoảng 105.000 tỷ đồng; cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến là khoảng 135.000 tỷ đồng (đã gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng). Ngoài ra, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo chỉ giới 120 m khoảng 25.000 tỷ đồng.
Đường Vành đai 5 được phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2014, dài khoảng 331 km (không bao gồm 41 km đi trùng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3).
Vành đai 5 đi qua địa giới hành chính 36 quận, huyện, TP của 8 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Trong đó, đoạn qua Hà Nội dài khoảng 48 km, qua Hòa Bình hơn 35 km; qua Hà Nam hơn 35 km; qua Thái Bình hơn 28 km; qua Hải Dương gần 53 km; qua Bắc Giang hơn 51 km; qua Thái Nguyên gần 29 km, qua Vĩnh Phúc hơn 51 km.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/