|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vành đai 2 TP HCM sẽ hoàn thành trong năm 2022, vành đai 3 xong trước 2025

07:01 | 15/05/2021
Chia sẻ
Tuyến đường vành đai 3 dài 89 km (đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An) được yêu cầu hoàn thành trước năm 2025.

Tại buổi làm việc với các bộ ngành, địa phương về dự án đường vành đai 3, 4 TP HCM sáng 14/5, theo báo Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu TP HCM phải hoàn thành tuyến đường vành đai 2 trong năm 2022, tuyến đường vành đai 3 phải xong trước 2025 và vành đai 4 hoàn thành càng sớm càng tốt, không kéo dài đến 2030.

Dự án vành đai 2 dài 64 km, chạy qua 8 quận huyện, quy hoạch cách đây 14 năm hiện mới xong 50 km.

Tuyến đường vành đai 3 dài 89 km (đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An), quy mô từ 6-8 làn xe. Đến nay, mới chỉ có 16,3 km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa  vào khai thác, chiếm 18,3% chiều dài toàn tuyến.

Đường vành đai 4 có chiều dài hơn 197 km (đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu), quy mô từ 6-8 làn xe. Hiện giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe mới đưa vào khai thác 11 km, đoạn qua Khu CN VSIP IIA và Khu CN Mỹ Phước 3.

Vành đai 2 TP HCM hoàn thành trong năm 2022, vành đai 3 xong trước năm 2025 - Ảnh 1.

Sơ đồ dự án đường vành đai 3 TP HCM. (Đồ họa: Phượng Nguyễn/ Zing).

Về phần giải phóng mặt bằng, tại buổi làm việc, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết theo tinh thần của Chính phủ, dự án qua địa phương nào, địa phương đó được giao là cơ quan thẩm quyền thực hiện dự án, từ giải phóng mặt bằng đến lựa chọn nhà đầu tư và tổ chức triển khai.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc chậm triển khai các dự án giao thông tại khu vực, trong đó có các dự án đường vành đai 3, 4 thời gian qua đã làm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của TP HCM và các địa phương trong vùng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương cần hết sức chủ động lựa chọn hình thức triển khai cũng như dự án nào sử dụng ngân sách.  Do đó các địa phương cần chủ động triển khai dự án. 

"Những đoạn ngắn nhưng quỹ đất bên đường nhiều thì có thể đầu tư bằng ngân sách địa phương, sau đó đấu giá thu hồi vốn từ quỹ đất hai bên đường với giá cao mà không cần lựa chọn các hình thức BOT hay PPP. Đây là mô hình rất thành công từ một số địa phương trong nước thời gian qua", ông Thành nói.

Anh Đào (tổng hợp)