|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cuộc đua hoàn thiện hệ thống đường vành đai: Vành đai 4 Hà Nội có diễn biến mới, vành đai 2 TP HCM vẫn dang dở

15:05 | 09/09/2021
Chia sẻ
Từ khi quy hoạch đến nay, đường Vành đai 2, TP HCM đã hoàn thành xong 50 km, còn 14 km được chia làm 4 đoạn nhưng chưa hoàn thành. Trong khi đó, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Hà Nội lập Hội đồng thẩm định dự án Vành đai 4

Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai, trong đó Vành đai 4 và Vành đai 5 chưa hình thành. Trong 5 tuyến vành đai còn lại (Vành đai 1; 2; 2,5; 3; 3,5), có Vành đai 3 đã hoàn thiện, còn lại đều đang xây dựng hoặc chờ dự án.

Đáng chú ý, tuyến đường vánh đai 4 từ năm nay sẽ được tập trung xây dựng và đẩy nhanh tiến độ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng.

Cuộc đua hoàn thiện hệ thống đường vành đai: Vành đai 4 Hà Nội có diễn biến mới, vành đai 2 TP HCM vẫn dang dở - Ảnh 1.

Hà Nội sẽ tập trung xây dựng đường Vành đai 4. (Đồ họa: Alex Chu).

Vào tháng 8 vừa qua, Hội đồng thẩm định cấp cơ sở ba tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên vừa tổ chức họp thẩm định hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đại diện đơn vị tư vấn cho biết sau khi tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung thiết kế theo ý kiến của lãnh đạo ba tỉnh, thành phố, dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài là 110 km (tăng 9 km từ điểm cuối tuyến đến quốc lộ 18 và đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang trên địa phận tỉnh Bắc Ninh).

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 90.400 tỷ đồng, trong đó, trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 29.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 35.093 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư trên 26.000 tỷ đồng.

Tuyến đường dự kiến được thực hiện với ba dự án thành phần độc lập gồm: Giải phóng mặt bằng toàn tuyến với tổng chi phí khoảng 24.241 tỷ đồng; xây dựng đường gom và tuyến nối quốc lộ 18 với tổng mức đầu tư 8.255 tỷ đồng; xây dựng đường cao tốc và tuyến nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long với mức đầu tư 57.900 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay).

Trong đó, dự án thành phần 1, 2 đầu tư bằng vốn đầu tư công; dự án thành phần 3 đầu tư triển khai theo hình thức PPP.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Hội đồng Thẩm định xem xét bố trí đường đi dưới thấp đoạn từ địa phận huyện Thuận Thành đến quốc lộ 38, còn lại đi trên cao; đồng thời bổ sung thêm hai nút giao hoa thị để phù hợp với độ dài đi qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Về nguồn vốn, Bắc Ninh đề nghị Trung ương sớm triển khai phát hành trái phiếu Chính phủ để địa phương được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp.

Dự án đường Vành đai 4 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98 km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh, thành phố, trong đó đoạn đi qua Hà Nội dài 56,5 km, Hưng Yên 20,3 km và Bắc Ninh 21,2 km.

Vành đai 4 là tuyến vành đai giao thông đối ngoại có tính chất kết nối liên vùng thuộc vùng Thủ đô và được khép kín theo tiêu chuẩn đường cao tốc để kết nối các cao tốc, quốc lộ hướng tâm, tạo hệ thống phát triển hiệu quả.

TP HCM: Vành đai 2 có 4 đoạn vẫn chưa khép kín; Vành đai 3 vẫn đang chờ địa phương phản hồi

Theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030, TP HCM và các tỉnh phía Nam có ba dự án đường Vành đai dự kiến hoàn thành trước năm 2025, bao gồm Vành đai 2 - 3 - 4. Tính đến nay, các dự án đều chưa hoàn thành dù đã quy hoạch nhiều năm. 

Trong thông báo hồi đầu tháng 7, Chính phủ yêu cầu TP HCM sớm khép kín các tuyến đường vành đai trong giai đoạn 2021 - 2025 và phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành tất cả dự án.

Cuộc đua khép kín đường vành đai của TP HCM và Hà Nội - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu

Theo TTXVN, đường Vành đai 2 của TP HCM được quy hoạch từ năm 2007 với chiều dài toàn tuyến 64 km, quy mô 6 - 10 làn xe. Dự án đi qua 8 quận của TP HCM là quận 2, 7, 8, 9, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn. Toàn tuyến đã xong 50 km, còn 14 km được chia làm 4 đoạn nhưng chưa hoàn thành. 

Ngoài đoạn 3 đã triển khai từ năm 2017 nhưng gặp vướng mắc chưa thể hoàn thành, ba đoạn tuyến còn lại do không kêu gọi được đầu tư nên đã chuyển đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố giai đoạn 2021 - 2026.

Ba đoạn tuyến nay đã được thông qua chủ trương đầu tư, lập dự án năm 2021 và hiện đã trình đề xuất chủ trương đầu tư.

Theo cập nhật của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, đoạn 1 là dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đến Xa lộ Hà Nội với chiều dài tuyến hơn 3,5 km. Dự án có tổng mức đầu tư 9.047 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Đoạn 2 xây dựng đoạn kết nối từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng với chiều dài tuyến hơn 2,4 km, tổng vốn đầu tư 5.569 tỷ đồng. Trong khi đó, đoạn 4 xây dựng đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh với chiều dài tuyến 5,3 km, tổng mức đầu tư 9.240 tỷ đồng.

Với đoạn 3, kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1 (quận Thủ Đức) dài 2,75 km được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT) từ năm 2017.

Đây là dự án nhằm kết nối trục giao thông chính là đường Phạm Văn Đồng với Quốc lộ 1, qua đó từng bước khép kín tuyến đường Vành đai 2 theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, dự án thi công đoạn 3 khá chậm do vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng và cũng đã ngừng thi công hơn một năm nay do vướng mắc về thủ tục.

Tính đến tháng 5, đoạn 3 dự án khép kín Vành đai 2 đạt khối lượng khoảng 44%, công tác chi trả bồi thường hỗ trợ tái định cư đạt hơn 78% và diện tích mặt bằng bàn giao thi công đạt khoảng 74%.

Cuộc đua khép kín đường vành đai của TP HCM và Hà Nội - Ảnh 2.

Đồ họa: Alex Chu.

Đường Vành đai 3 đi qua địa phận TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với tổng chiều dài khoảng 90 km. Dự án được chia làm 4 đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - QL 22 và QL 22 - Bến Lức. 

Theo quy hoạch được phê duyệt 11 năm trước, toàn tuyến Vành đai 3 cơ bản hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên đến nay chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc Bình Dương) dài hơn 16 km đã hoàn thành. Gần đây, hai dự án thành phần 1A và 1B, dài gần 18 km, thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT và các địa phương liên quan khẩn trương thống nhất phương án triển khai các dự án thành phần đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM, hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan trong đó có UBND TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An cử đơn vị đầu mối để Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cung cấp, bàn giao hồ sơ, tài liệu Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 3 TP HCM cho các địa phương thực hiện đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Để có thể kịp trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án tại kỳ họp thứ 2 (dự kiến cuối tháng 10) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỷnh cần thiết phải khẩn trương hoàn thiện báo cáo trên trong nửa đầu tháng 8.

Mới đây, Bộ GTVT đề xuất chia dự án thành hai dự án thành phần. Dự án thành phần 1 là đầu tư xây dựng đường song hành (gồm các tuyến nối) và các hạ tầng kỹ thuật. Dự án thành phần 2 là đầu tư xây dựng phần đường cao tốc (bao gồm các nút giao).

Cụ thể, phần đường song hành (bao gồm giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch): dự kiến chia thành các dự án thành phần theo địa bàn tỉnh, thành phố. 

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện là 64.967 tỷ đồng, giai đoạn 1 là 51.777 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 44.229 tỷ đồng (chưa bao gồm 8.300 tỷ đồng đầu tư tuyến nối vào Khu công nghiệp Ông Kèo, tỷnh Đồng Nai và tuyến nối với nút giao Thủ Đức, các địa phương triển khai vào thời điểm phù hợp). 

UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn hợp pháp khác.

Với phần đường cao tốc sẽ triển khai với tư cách là một dự án độc lập gồm 4 dự án thành phần chia theo các đoạn: Nhơn Trạch - Tân Vạn; Tân Vạn - Bình Chuẩn; Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức. 

Sơ bộ tổng mức đầu tư (chưa bao gồm lãi vay) giai đoạn hoàn thiện là 91.889 tỷ đồng, giai đoạn 1 là 30.822 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí để hoàn chỉnh đường Vành đai 3 TP HCM trị giá 156.800 tỷ đồng.

Cuộc đua hoàn thiện hệ thống đường vành đai: Vành đai 4 Hà Nội có diễn biến mới, vành đai 2 TP HCM vẫn dang dở - Ảnh 4.

Đồ họa: Alex Chu.

Còn với tuyến vành đai 4 dài 200 km, đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM và Long An, ước tính tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng, hồi cuối tháng 7, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Thủ tướngđề nghị giao 5 địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần.

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18 km.

UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên, không bao gồm cầu Thủ Biên, chiều dài khoảng 45 km.

UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu Thủ Biên - Sông Sài Gòn, gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn, chiều dài khoảng 49 km.

UBND TP HCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai, gồm cầu vượt sông Sài Gòn, chiều dài khoảng 17 km.

UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước, gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP HCM, chiều dài khoảng 71 km.

Phương Trang