|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba tỉnh giáp Hà Nội chiếm đáng kể tổng diện tích KCN toàn vùng, vẫn hút tỷ USD vốn FDI giữa COVID-19

15:27 | 19/11/2021
Chia sẻ
Trong bối cảnh quỹ đất công nghiệp của Hà Nội dần khan hiếm, Việt Nam đón làn sóng chuyển dịch FDI, ba địa phương giáp ranh là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên không ngừng rót tiền đầu tư nâng cấp hạ tầng. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, cả ba liên tục giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng hút FDI.

Liên tục nằm trong Top hút FDI, tỷ trọng công nghiệp chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế

Được nhắc tới là "thủ phủ công nghiệp", Bắc Giang và Bắc Ninh trong nhiều năm qua đều lọt Top các địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước. Quy mô kinh tế của cả hai địa phương tiếp tục được mở rộng, duy trì mức tăng trưởng cao.

Cuộc đua hút FDI của ba địa phương giáp ranh Hà Nội, liên tục 'đón sóng' triệu USD, 'rót' hàng ngàn tỷ đổ vào KCN - Ảnh 1.

Biểu đồ: Phương Trang.

Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng bình quân của Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên đều cao so với mức bình quân chung cả nước là 6%/năm (Bắc Ninh là 7,7%/năm, Bắc Giang là 13,9% và Hưng Yên là 8,38%/năm).

Đáng chú ý, vào thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Ninh có xuất phát điểm kinh tế thấp với cơ cấu nông nghiệp chiếm 45,1%; ngành dịch vụ 31,1%; công nghiệp - xây dựng 23,8%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của Bắc Ninh đã chuyển dịch theo hướng tích cực hơn.

Tới năm 2020, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với 75,9%; dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 21,3%,... Sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, quy mô năm 2020 đạt 1,3 triệu tỷ đồng, gấp 2,07 lần năm 2015.

Trong khi đó, "thủ phủ công nghiệp" Bắc Giang cũng ghi điểm ấn tượng khi tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tăng từ 7% (năm 2000) lên hơn 47% (năm 2020), trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh.

Còn tại Hưng Yên, công nghiệp - xây dựng cũng đang dần chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Riêng năm 2020, công nghiệp - xây dựng chiếm 61,5%; nông nghiệp - thủy sản 9,65%; thương mại - dịch vụ 28,85%.

Về Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 10 tháng năm 2021, cả ba tỉnh đều ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ, cụ thể Bắc Ninh tăng 10,48%; Bắc Giang tăng 10%; Hưng Yên tăng 8,07%.

Cuộc đua hút FDI của ba địa phương giáp ranh Hà Nội, liên tục 'đón sóng' triệu USD, 'rót' hàng ngàn tỷ đổ vào KCN - Ảnh 2.

Biểu đồ: Phương Trang.

Điểm nhấn hút FDI trong năm 2021

Mặc dù phải hứng chịu nhiều tác động tiêu cực từ làn sóng dịch COVID-19, song Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn lọt Top 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất trong 10 tháng đầu năm 2021, trong khi đó Hưng Yên cũng đứng vị trí cao khi xếp thứ 13.

Với vị trí đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng thu hút FDI, Bắc Ninh đã thu hút được 104 dự án mới với số vốn đăng ký hơn 920 triệu USD. Trong khi đó, Bắc Giang đứng vị trí thứ 10 với 17 dự án mới cùng số vốn đăng ký hơn 798 triệu USD. Tương tự, Hưng Yên đã thu hút được 18 dự án FDI mới, số vốn đăng ký hơn 543 triệu USD.

Biểu đồ: Phương Trang.

Hồi tháng 1 đầu năm nay, Bắc Giang trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án FDI trị giá gần 13.000 tỷ đồng. Trong đó có hai dự án lớn là dự án Công nghệ tế bào Quang điện JA Solar PV Việt Nam vốn đăng ký 210 triệu USD và dự án Nhà máy Fukang Technology của Foxconn vốn đăng ký 293 triệu USD.

Còn tại Bắc Ninh, địa phương này đã thu hút được phần lớn các FDI trong lĩnh vực công nghệ, chiếm tỷ trọng 86% trong tổng vốn đầu tư FDI.

Đáng chú ý, ngày 5/11 vừa qua, Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, quý I/2022, Công ty Amkor Technology, Inc (Hàn Quốc) sẽ khởi công giai đoạn đầu dự án đầu tư với tổng trị giá 1,6 tỷ USD tại KCN Yên Phong II-C, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Từ nay tới năm 2035, Công ty Amkor Technology, Inc sẽ đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh 1,6 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn trên diện tích 23 ha tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, thuộc nhà đầu tư hạ tầng Viglacera.

Trong quý I/2022, và trong 5 năm đầu, công ty sẽ đầu tư 520 triệu USD tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra Hệ thống tiên tiến trong gói cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.

Bắc Giang sẽ bổ sung quy hoạch 23 KCN mới, Bắc Ninh vừa thành lập thêm 4

Theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã thành lập 30 khu công nghiệp với diện tích 7.000 ha; vùng Đồng bằng sông Hồng đã thành lập 94 khu công nghiệp với diện tích 26.000 ha.

Bắc Giang thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Ninh và Hưng Yên cùng thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Tổng diện tích các KCN của cả ba tỉnh tính đến nay khoảng hơn 11.00 ha, như vậy chiếm 1/3 tổng diện tích KCN của hai vùng.

Theo Ban Quản lý các KCN Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có 6 KCN gồm Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu, Việt Hàn (Việt Yên), Hòa Phú (Hiệp Hòa), Song Khê - Nội Hoàng (Yên Dũng, TP Bắc Giang) với tổng diện tích hơn 1.300 ha.

Trong các KCN có 377 nhà doanh nghiệp thứ cấp đang hoạt động. Các KCN như Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng đã lấp đầy. Chủ đầu tư KCN Hòa Phú, Việt Hàn đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiếp tục thu hút nhà đầu tư.

Cuộc đua hút FDI của ba địa phương giáp ranh Hà Nội, liên tục 'đón sóng' triệu USD, 'rót' hàng ngàn tỷ đổ vào KCN - Ảnh 4.

Công nhân tới nhà máy ở khu công nghiệp Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang. (Ảnh: Bloomberg).

Ngoài các KCN trên, Bắc Giang hiện có ba KCN được quy hoạch mở rộng trên diện tích hiện có để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp những năm tới, gồm: KCN Quang Châu với diện tích tăng thêm 90 ha; KCN Hòa Phú với diện tích tăng thêm 85 ha; KCN Việt Hàn với diện tích tăng thêm 148 ha.

Bên cạnh đó, tỉnh có ba KCN quy hoạch mới là: KCN Yên Lư 377 ha tại các xã Yên Lư và Nham Sơn, huyện Yên Dũng; KCN Yên Sơn - Bắc Lũng 300 ha tại các xã Yên Sơn và Bắc Lũng, huyện Lục Nam; KCN Tân Hưng 105,3 ha tại các xã Tân Hưng và Xương Lâm, huyện Lạng Giang.

Dự kiến đến năm 2030, tỉnh sẽ bổ sung quy hoạch thêm 23 KCN với tổng diện tích khoảng 5.834 ha, nâng tổng số KCN đến năm 2030 thành 29 KCN với tổng diện tích khoảng 7.840 ha.

Ba tỉnh giáp Hà Nội cạnh tranh tăng trưởng, nối tiếp nhau lập nhiều KCN mới,  - Ảnh 5.

Thành phố Bắc Ninh. (Ảnh: Hạ Vũ).

Về Bắc Ninh, hiện tại toàn tỉnh có 15 khu công nghiệp với diện tích hơn 6.600 ha. Vào hồi tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã có quyết định về việc thành lập thêm 4 KCN trên địa bàn với tổng diện tích hơn 1.000 ha, tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.

Cụ thể, gồm: KCN Quế Võ III – Phân khu 2 tại xã Việt Hùng, xã Phù Lương và xã Quế Tân, huyện Quế Võ do Công ty TNHH Mạnh Đức làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô hơn 208 ha; tổng vốn đầu tư 2.779 tỷ đồng.

Dự án thứ hai là KCN Gia Bình tại xã Đông Cứu, xã Lãng Ngâm và xã Đại Bái, huyện Gia Bình do Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Kết cấu hạ tầng KCN Bắc Ninh làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô gần 307 ha; tổng vốn đầu tư 2.578 tỷ đồng.

Dự án thứ ba là KCN Gia Bình II, tại xã Nhân Thắng, xã Thái Bảo, xã Bình Dương và xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình do CTCP Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 250 ha; tổng vốn đầu tư hơn 3.956 tỷ đồng.

Cuối cùng là dự án KCN Thuận Thành I thuộc địa phận các xã Ninh Xá, Trạm Lộ và Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành do Tổng Công ty Viglacera – CTCP làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô gần 250 ha; tổng vốn đầu tư hơn 2.847 tỷ đồng.

Hưng Yên có 4 dự án KCN được duyệt đầu tư ngay trong năm COVID-19 phức tạp

Cuộc đua hút FDI của ba địa phương giáp ranh Hà Nội, liên tục 'đón sóng' triệu USD, 'rót' hàng ngàn tỷ đổ vào KCN - Ảnh 5.

Khu công nghiệp Thăng Long II thuộc địa bàn các huyện: Yên Mỹ, Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN).

Với mục tiêu trở thành KCN hiện đại, tính đến nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã quy hoạch được 13 KCN tập trung với quy mô hơn 3.000 ha và 35 cụm công nghiệp. 

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh này đã có 4 KCN được Thủ tướng cấp quyết định chủ trương đầu tư, gồm: 

- KCN Phố Nối A mở rộng diện tích 92,5 ha thuộc các xã Lạc Hồng, Minh Hải (huyện Văn Lâm) và phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tổng mức đầu tư 1.082 tỷ đồng.

- KCN Sạch hơn 143 ha thuộc địa phận xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu và xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi, tổng vốn đầu tư hơn 1.788 tỷ đồng.

- KCN số 5 diện tích 193 ha, có vị trí tại xã Xuân Trúc, xã Quảng Lãng thuộc huyện Ân Thi và xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng.

- KCN số 3 gần 160 ha, tổng vốn đầu tư gần 2.310 tỷ đồng, vị trí tại xã Hồng Tiến (huyện Khoái Châu), xã Lý Thường Kiệt (huyện Yên Mỹ) và xã Xuân Trúc (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).

Hưng Yên mới đây cũng đã có thông báo mời đầu tư 14 dự án thuộc hạ tầng công nghiệp, tổng mức đầu tư 31.685 tỷ đồng. Trong đó có 10 dự án KCN mới có quy mô lên đến gần 3.300 ha.

Dự án có quy mô lớn nhất trong danh sách này là KCN Tiên Lữ - Kim Động - Ân Thi với quy mô 548,5 ha, tổng mức đầu tư 6.856 tỷ đồng. Tiếp đến là KCN Sala tại thị xã Mỹ Hào quy mô 392 ha, tổng mức đầu tư 4.900 tỷ đồng; KCN - đô thị - dịch vụ Tân Á Đại Thành (huyện Ân Thi) quy mô 269 ha, tổng vốn đầu tư 3.363 tỷ đồng.

KCN Quang Vinh tại các xã Quang Vinh, Vân Du và Đào Dương (198 ha, 2.475 tỷ đồng); KCN số 1, 4, 5, 6, 7 thuộc tổ hợp KCN đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt tại các huyện Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi (1.686 ha, 1.560 tỷ đồng); KCN dịch vụ Chính Nghĩa - Phạm Ngũ Lão tại huyện Kim Động (200 ha, 2.500 tỷ đồng).

Bên cạnh đó còn có các dự án mở rộng như KCN Yên Mỹ (Viglacera) giai đoạn 2 tại huyện Yên Mỹ (200 ha, 2.500 tỷ đồng); KCN Minh Quang mở rộng ở thị xã Mỹ Hào (200 ha, 2.500 tỷ đồng).

Hàng chục nghìn tỷ đổ vào các dự án hạ tầng

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, từ nay đến năm 2025 tỉnh Bắc Giang dự kiến huy động trên 52.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển đồng bộ cả ba loại hình giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa phục vụ giao thông đối nội và đối ngoại.

Còn riêng trong năm nay 2021, Bắc Giang sẽ đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng cho 20 dự án giao thông trọng điểm.

Dự án quan trọng phải kể đến là dự án cầu Á Lữ có tổng mức đầu tư 527 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024.

Giai đoạn 2021 - 2030, Bắc Giang tập trung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các tuyến đường tỉnh hiện có. Trong đó điều chỉnh cắt giảm 1,5 km đường tỉnh 288 tại đầu tuyến về đường huyện quản lý; bổ sung 1,5 km từ điểm đầu nhánh 3 đường Vành đai IV đến đê sông Cầu quy mô cấp III; bổ sung xây dựng cầu vượt sông Cầu.

Tỉnh dự kiến sẽ điều chỉnh quy mô đường tỉnh 293 đoạn TP Bắc Giang – quốc lộ 37 dài 20 km từ cấp III lên cấp II, đồng thời điều chỉnh chuyển toàn bộ đường tỉnh 298B hiện trạng thành đường huyện, bắt đầu từ đường tỉnh 295B, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên đến đoạn đường tỉnh 298 (Km 14+200) – quốc lộ 37 (Km77+200) - chùa Bổ Đà và kết thúc tại đê sông Cầu với chiều dài tuyến 14,5 km với quy mô cấp III.

Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng tập trung bổ sung quy hoạch một số tuyến đường kết nối giữa cảng và đường gồm đường kết nối cảng Đồng Sơn với quốc lộ 1; tuyến đường kết nối cảng Quang Châu với khu công nghiệp Quang Châu và quốc lộ 1; tuyến kết nối đường tỉnh 293 đến cảng Tân Tiến; tuyến kết nối quốc lộ 17 với cảng Thạch Bàn, quy mô tối thiểu đạt cấp IV.

Hồi giữa tháng 4, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang tổ chức bàn giao mốc giải phóng mặt bằng thi công tuyến đường nối quốc lộ 37 với quốc lộ 17 và tỉnh lộ 292 , đoạn qua huyện Việt Yên cho UBND huyện Việt Yên để triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Tuyến đường được xây dựng mới với tổng chiều dài 18,25 km đi qua các huyện: Việt Yên, Tân Yên và Lạng Giang. Tổng mức đầu tư dự án hơn 678 tỷ đồng.

Ngoài ra dự án đường nối quốc lộ 17 với quốc lộ 37 qua khu công nghiệp Vân Trung nằm trên địa phận giáp ranh hai huyện Việt Yên và Yên Dũng. Dự án có tổng chiều dài gần 3,3 km, tổng mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng. 

Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 291 trên địa bàn huyện Sơn Động đi qua các xã Yên Định, Tuấn Đạo, thị trấn Tây Yên Tử với tổng mức đầu tư dự án hơn 370 tỷ đồng, chiều dài gần 16,3 km.

Thẳng tiến trên đường lên TP trực thuộc TW, đầu tư hạ tầng giao thông của Bắc Ninh có gì nổi bật 5 năm tới? - Ảnh 1.

Bắc Ninh dự kiến sẽ thành thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh: Hạ Vũ).

Giai đoạn 5 năm tới, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư công trong 5 năm tới của Bắc Ninh là 43.427 tỷ đồng. Trong số các dự án hạ tầng giao thông đang và sắp triển khai của tỉnh, nổi bật nhất là dự án cầu Kênh Vàng và cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành.

Cầu Kênh Vàng nối Bắc Ninh - Hải Dương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hồi cuối tháng 5. Dự án do Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 1.600 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2022 đến 2025. 

Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành dài hơn 1,5 km với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu thuộc địa phận xã Cảnh Hưng (huyện Tiên Du) và điểm cuối thuộc địa phận xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành), dự kiến sẽ hoàn thiện và thông xe vào trước Tết Nguyên đán năm 2022.

Ngoài ra, giai đoạn tới, Bắc Ninh tập trung khởi công mới các dự án như đầu tư xây dựng đường nội thị huyện Quế Võ (đoạn Nhân Hóa đi Đại Xuân) 182 tỷ; dự án đường ĐT278 đoạn từ QL18, xã Phương Mai đến ĐT287, xã Yên Giá, huyện Quế Võ 298 tỷ; dự án đường TL282B đoạn từ TL285 đi đường dẫn cầu Bình Than, huyện Gia Bình 230 tỷ; dự án đường Lý Anh Tông kéo dài (đoạn từ ĐT 295B sang phía tây thành phố đến đường H), thành phố Bắc Ninh 166 tỷ đồng.

Còn tại Hưng Yên, trong lĩnh vực giao thông, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến tỉnh sẽ có 106 dự án giao thông được triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 14.265 tỷ đồng.

Dự án giao thông lớn nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay là dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, đoạn qua tỉnh Hưng Yên với tổng mức đầu tư hơn 2.894 tỷ đồng.

Tuyến đường này được khởi công xây dựng vào năm 2009, khánh thành đưa vào sử dụng vào năm 2014. Điểm đầu tại phía bắc dự án là đầu cầu Thanh Trì, đi qua khu đô thị Ecopark đến địa phận xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm), kết nối điểm cuối tại cầu Bắc Hưng Hải (huyện Văn Giang, Hưng Yên).

Ngoài ra, ba dự án giao thông trọng điểm khác trên địa bàn được duyệt chủ trương đầu tư gồm dự án xây dựng đường bên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua tỉnh Hưng Yên; đường nối đường ĐH.45 xã Đồng Than với đường ĐT.376, xã Ngọc Long trên địa bàn huyện Yên Mỹ và dự án đường trục ngang kết nối QL.39 với đường ĐT.376.

Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có chiều dài 47,7 km đi qua địa phận hai tỉnh Hưng Yên và Hà Nam có tổng mức đầu tư 4.486 tỷ đồng, phân kỳ thực hiện đầu tư làm hai giai đoạn.

Hưng Yên: Hơn 14 nghìn tỷ đồng chảy vào 106 dự án giao thông giai đoạn 2021 - 2025, có đường hơn 2.800 tỷ nối Hà Nội - Ảnh 2.

Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. (Ảnh: Tạp chí Tài chính).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có một số dự án giao thông lớn khác như dự án đầu tư xây dựng ĐT.382B nhánh phải (Km0+00- Km14+420 giao QL.39) với tổng vốn đầu tư 580 tỷ đồng.

Dự án Đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội trên địa phận tỉnh Thái Bình với QL.38 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có tổng vốn đầu tư 328 tỷ đồng.

Các dự án trên đều là những tuyến đường quan trọng kết nối với hệ thống giao thông quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực khai thác của nhiều tuyến đường giao thông, tăng cường khả năng kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phương Trang