|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Năm 2021 đầy sôi động với hai tỉnh phía Nam, điểm nhấn là làn sóng từ FLC, Hưng Thịnh, Tân Hoàng Minh

16:36 | 23/12/2021
Chia sẻ
Một trong những điểm nhấn đáng nhớ của Kon Tum và Lâm Đồng trong năm 2021 vừa qua là hoạt động đầu tư, khảo sát dự án, đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản khá sôi động.
Kon Tum và Lâm Đồng - Ảnh 1.

Năm 2021 có thể coi là năm khá sôi động với Kon Tum và Lâm Đồng. (Nguồn ảnh: Thanh niên).

Hai tỉnh có hoạt động đầu tư, khảo sát dự án sôi động nhất vùng Tây Nguyên

Trong 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, có thể nói năm 2021 là năm khá sôi động với Kon Tum và Lâm Đồng khi triển khai nhiều dự án cũng như thu hút nhiều khoản đầu tư từ các doanh nghiệp lớn. 

Hồi đầu năm, tỉnh Kon Tum chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời KN Ialy Kon Tum công suất thiết kế 200 MW, tổng mức đầu tư 4.121 tỷ đồng, dự kiến khởi công từ tháng 12/2021 và hoàn thành cuối tháng 12/2024.

Gần nhất, Kon Tum gây chú ý với dự án trang trại chăn nuôi heo quy mô 110 tỷ đồng và dự án nông nghiệp công nghệ cao 65 triệu USD (khoảng 1.450 tỷ đồng) của Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus (Hà Lan).

Năm 2021 cũng là năm chứng kiến làn sóng doanh nghiệp đến Kon Tum khảo sát đầu tư bất động sản như Hưng Thịnh, Him Lam, FLC hồi đầu năm. Cụ thể, tháng 1, tỉnh cho phép CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh khảo sát đầu tư KĐT phía Bắc sông Đăk Bla tại TP Kon Tum. Dự án có diện tích 160 ha, thuộc địa phận các thôn Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống Nhất; thôn Kon Tum Kơ Pơng và thôn Kon Klor, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum.

Tháng 2, CTCP Him Lam đến khảo sát đầu tư Khu biệt thự sinh thái tại xã Chư Hreng, TP Kon Tum. Dự án có diện tích khảo sát khoảng 47 ha, nằm tại khu vực phía Đông Nam đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24.

Tiếp đó, tại buổi làm việc với tỉnh Kon Tum hồi đầu tháng 4, CTCP Tập đoàn FLC cho biết, doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư 7 dự án trên địa bàn TP Kon Tum, huyện Kon Plông và huyện Tu Mơ Rông.

Đến giữa năm, làn sóng này chững lại do ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4, chỉ có một vài doanh nghiệp đến khảo sát. 

Từ đầu tháng 12 đến nay, Kon Tum sôi động trở lại thể hiện ở việc tỉnh tiếp tục cho phép 5 doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất làm dự án bất động sản gồm Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Thương mại Vương Phát, CTCP Đầu tư Alphanam, CTCP Tập đoàn Đầu tư Bất động sản LEVA, CTCP CMVIETNAM, CTCP Xây dựng Công trình Sông Hồng.

Với Lâm Đồng, điểm nhấn đáng chú ý vẫn liên quan đến lĩnh vực bất động sản với sự hiện diện của nhiều tập đoàn có tiếng trong việc nghiên cứu đầu tư, khảo sát lập quy hoạch và đăng ký đầu tư các dự án khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng.

Điểm qua một vài doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Tân Hoàng Minh đề xuất khu vực nghiên cứu lập quy hoạch dự án tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt quy mô gần 4.320 ha, CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh  được chấp thuận nghiên cứu, khảo sát và tài trợ lập quy hoạch tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm với quy mô khoảng 5.985 ha, Liên danh Hưng Thịnh - Đèo Cả - Nam Miền Trung đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch khu vực quy hoạch 15.000 tại huyện Lâm Hà để phát triển đô thị.

Kon Tum dẫn đầu kinh tế của vùng, Lâm Đồng dồn sức cho 9 công trình trọng điểm

Kon Tum và Lâm Đồng - Ảnh 1.

Về tình hình kinh tế, hai tỉnh Kon Tum và Lâm Đồng cũng vừa công bố tăng trưởng GRDP năm 2021. Kon Tum đạt mức tăng 6,67%. Lâm Đồng ước tính tăng trưởng khoảng 3,1- 3,7%.

Kon Tum vẫn đang duy trì vị trí dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực Tây Nguyên. GIai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế bình quân của Kon Tum đạt 9,13%/năm (mức trung bình chung của cả nước là 6,8%) và cũng cao nhất so với 4 tỉnh Tây Nguyên còn lại. 

Giai đoạn 2021-2025, Kon Tum dự kiến tốc độ tăng GRDP đạt 10,55%. GRDP theo giá hiện hành đạt 179.610 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 70,81 triệu đồng/ người.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm trước đó của Kon Tum đạt 62.329 tỷ đồng, giai đoạn 5 năm tới, tỉnh đặt mục tiêu là 118.000 tỷ đồng.

Với Lâm Đồng, bình quân 5 năm 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh tăng 8%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 130.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7 - 8%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 khoảng 120 - 125 triệu đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm chiếm khoảng 35 - 36% GRDP.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng giai đoạn tới cũng nêu rõ tập trung vào đầu tư mới 9 công trình, dự án trọng điểm gồm: Khu du lịch Hồ Prenn; Khu Công nghiệp Phú Bình; Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành phố thông minh; Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng; Khu du lịch núi Sa Pung - Bảo Lộc; Xây dựng Khu đô thị Liên Khương - Prenn; Khu đô thị Nam sông Đa Nhim, huyện Đức Trọng; hồ Ta Hoét; đầu tư nâng cấp Quốc lộ 27 (đoạn Phi Nôm - cầu K'Rông Nô), 27C, 28B, 55.

Đầu tư hạ tầng giao thông 5 năm tới có gì nổi bật?

Giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN của Kon Tum khoảng 17.477 tỷ đồng.

Riêng ở lĩnh vực hạ tầng giao thông, 5 năm tới có nhiều dự án dự kiến hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng như đường và cầu từ tỉnh lộ 671 đi Quốc lộ 14 tổng mức đầu tư hơn 249 tỷ đồng; cầu qua sông Đăk Bla (từ xã Vinh Quang đi phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum – Cầu số 3) hơn 121 tỷ đồng; đường Trường Chinh (đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Đào Duy Từ - phạm vi cầu nối qua sông Đăk Bla) hơn 388 tỷ đồng; đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24 tổng mức đầu tư hơn 760 tỷ đồng.

Về dự án khởi công mới, Kon Tum có một công trình đáng chú ý là đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum với tổng mức đầu tư 1.492 tỷ.

Kon Tum và Lâm Đồng - Ảnh 3.

Giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN của Kon Tum khoảng 17.477 tỷ đồng. (Ảnh: Báo Kon Tum).

Tại Lâm Đồng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương là 32.321 tỷ đồng. 

Ở lĩnh vực hạ tầng giao thông, Lâm Đồng thực hiện các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, trong đó có khá nhiều đường liên xã được xây mới, tuyến đường sẵn có được mở rộng, mỗi dự án có mức đầu tư dưới 100 tỷ đồng như nâng cấp mở rộng đường Hoàng Văn Thụ, thị trấn Liên Nghĩa gần 50 tỷ đồng; đường gom cao tốc Liên Khương – Prenn 60 tỷ đồng, đường vành đai phía Đông Bắc thị trấn Di Linh 70 tỷ đồng; đường Phạm Hồng Thái, xã Đại Lào gần 80 tỷ đồng.

Giai đoạn tới tỉnh cũng sẽ khởi công nhiều dự án mới như nâng cấp mở rộng các tuyến đường từ đường Trần Quốc Toản và đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ đường Hà Huy Tập đến Vòng xoáy đường Ba tháng Tư) hơn 47 tỷ, xây dựng đường liên xã Tản Văn – Đa Đờn 168 tỷ, xây dựng, nâng cấp đường Hải Thượng Lãn Ông 69 tỷ đồng; dự án đường vành đai thành phố Đà Lạt và cơ sở hạ tầng các khu dân cư 800 tỷ đồng; đường tránh thị trấn Thanh Mỹ 138 tỷ đồng; xây dựng cầu Mỏ Vẹt 60 tỷ đồng.

Ngoài các dự án trên, mới đây đầu tháng 11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có văn bản thể hiện ý kiến đồng thuận với Bộ GTVT về việc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài hơn 73 km, thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Với đoạn nối từ Tân Phú - Bảo Lộc, Phó Thủ tướng giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng sớm hoàn thành hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định, gửi Bộ NN&PTNT thẩm định, trình Thủ tướng xem xét theo quy định pháp luật.

Kon Tum dự kiến thu hút 246 dự án hơn 156.600 tỷ, Lâm Đồng kêu gọi đầu tư 17 dự án gần 25.000 ha

Về kế hoạch thu hút đầu tư, giai đoạn 2021 - 2025, Kon Tum dự kiến thu hút 246 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 156.600 tỷ đồng.

Trong đó nhiều nhất là lĩnh vực nông nghiệp với 97 dự án. Đây cũng là lĩnh vực có tổng số vốn dự kiến đầu tư cao nhất của Kon Tum (gần 73.000 tỷ đồng).

Kon Tum và Lâm Đồng - Ảnh 4.

Nhìn vào danh mục dự án thu hút đầu tư của Kon Tum, có thể thấy các dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số dự án có vốn đầu tư lớn gồm:

- Dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Đăk Hà 3.596 ha, tổng vốn dự kiến 10.068 tỷ đồng.

- Dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Văn Xuôi và xã Ngọk Yêu, huyện Tu Mơ Rông quy mô 1.400 ha, vốn đầu tư 3.430 tỷ đồng.

- Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, quy mô 2.000 ha, vốn đầu tư 2.506 tỷ đồng.

- Dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Ia H'Drai quy mô 2.291 ha, vốn đầu tư 5.612 tỷ đồng.

- Dự án nuôi trồng, chế biến thủy sản nước ngọt tại huyện Ia H'Drai, quy mô 3.000 ha, vốn đầu tư 3.150 tỷ đồng.

- Nhà máy điện mặt trời Đăk Long, huyện Đăk Hà vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng.

- Nhà máy điện gió tại huyện Sa Thầy vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng.

- Nhà máy điện năng lượng mặt trời vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng.

- Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp thương mại dịch vụ và phát triển dân cư phía Bắc Đăk Cẩm, TP Kon Tum  8.080

- Dự án sân golf kết hợp khu công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí dọc hai bên tuyến kết nối đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 24 (đoạn từ tỉnh lộ 671 đến gần bùng binh phường Trần Hưng Đạo) vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. 

-- Khu đô thị mới số 1 Đông Bắc dọc tuyến tránh đường Hồ Chí Minh vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.

- Khu đô thị sinh thái Tây phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum vốn đầu tư 2.250 tỷ đồng.

- Khu đô thị mới phía Tây phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum vốn đầu tư 1.552 tỷ đồng.

Kon Tum và Lâm Đồng - Ảnh 5.

Thành phố Đà Lạt của Lâm Đồng. (Ảnh: Dalat-info).

Lâm Đồng hiện chưa thông qua danh mục thu hút đầu tư giai đoạn tới, nhưng mới đây Sở Xây dựng Lâm Đồng vừa đề xuất bổ sung 17 dự án khu đô thị, khu du lịch, khu dân cư với tổng quy mô gần 24.651 ha.

Trong đó có 7 dự án tại TP Đà Lạt, gồm: Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng tại huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt (3.980 ha); Khu dịch vụ, du lịch cảnh quan hồ Mê Linh tại phường 9 (7,7 ha); Khu đô thị phía Đông TP Đà Lạt tại phường 8, 9, 11 (530 ha); Khu đô thị kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái dã ngoại tại phường 7, 8 (625 ha).

Khu đô thị phức hợp – công viên chuyên đề phía Đông Đà Lạt tại phường 3, 10, 11 và xã Xuân Thọ (2.048 ha); Khu đô thị sinh thái đồi Robin tại phường 3 (72 ha); Khu dân cư mới Cam Ly tại phường 5 (49,67 ha).

Hai dự án tại TP Bảo Lộc gồm Khu đô thị sinh thái kết hợp thương mại dịch vụ tại phường 1 và Lộc Phát (500 ha); Khu đô thị du lịch Thiên đường Mắc – ca tại phường B'lao và Lộc Sơn (187 ha).

Huyện Bảo Lâm có hai dự án gồm Khu dân cư nông thôn sinh thái tại xã Lộc An (470 ha); Khu dân cư, tái định cư tại thị trấn Lộc Thắng (182 ha).

Huyện Đức Trọng có ba dự án, gồm Khu đô thị mới Liên Nghĩa (90 ha); Khu công nghiệp và Khu dân cư kế cận khu công nghiệp Phú Bình (281,6 ha); Khu đô thị mở rộng khu đô thị Nam sông Đa Nhim (230 ha).

Ba dự án còn lại là đầu tư hạ tầng đô thị Nam Ban và vùng phụ cận tại huyện Lâm Hà (15.000 ha); Khu dân cư nông thôn sinh thái tại xã Hòa Ninh, huyện Di Linh (198 ha); Khu đô thị du lịch kết hợp chỉnh trang tại thị trấn Lạc Dương (200 ha).

Anh Đào

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.