|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tỉnh từng hút 300.000 tỷ vốn đầu tư từ DN, có nhiều dự án lớn của Amata, Vingroup, sắp sở hữu cao tốc xuyên tỉnh dài nhất

08:20 | 23/11/2021
Chia sẻ
Giai đoạn 2015-2020, Quảng Ninh thu hút gần 345.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt 300.000 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư như Foxconn, Amata, Vingroup, Sun Group,... đã và đang thực hiện nhiều dự án lớn tại Quảng Ninh.
Quảng Ninh - Ảnh 1.

TP Hạ Long của Quảng Ninh. (Ảnh: Cổng TTĐT TP Hạ Long).

10 tháng hút hơn 1,15 tỷ USD vốn FDI

Năm 2020, Quảng Ninh là một trong ba tỉnh thành phố đạt mức tăng trưởng hai con số. Với GRDP năm 2020 tăng 10.05%, Quảng Ninh xếp thứ 3 sau Hải Phòng (11,22%) và Bắc Giang (13,02%) trong bối cảnh đa số các tỉnh thành chỉ tăng trưởng dưới 5% do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Sang năm 2021, Quảng Ninh tiếp đà phát triển với một trong những điểm sáng nổi bật là lọt top 6 tỉnh thành hút vốn FDI nhiều nhất 10 tháng đầu năm. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh chỉ có hai lần lọt top 10 vào năm 2012 và 2014, những năm khác, thứ hạng về hút tổng vốn FDi của Quảng Ninh khá là thấp.

10 tháng năm 2021, hai dự án FDI đáng chú ý nhất và cũng là dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất trên địa bàn Quảng Ninh từ trước đến nay, đều của Tập đoàn Jinko Solar thực hiện tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Khoai.  Dự án đầu tiên là Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam,  tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD. Thứ hai là dự án Công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD.

Ngoài 2 dự án FDI lớn cấp mới tiêu biểu trên đây, tỉnh Quảng Ninh cũng ghi nhận thêm nhiều dự án FDI tăng vốn đầu tư, như: Nhà máy Lioncore Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam (30 triệu USD). Dự án Jingsung Hitec Vina Co.,Ltd của Công ty TNHH Jinsung Vina (trên 13 triệu USD). Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện của Công ty TNHH Multi-Sunny Việt Nam (10 triệu USD). Dự án Haiyun Việt Nam của Công ty TNHH Hải Vận (10 triệu USD). Dự án Nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (8 triệu USD).

Theo Ban Quản lý KKT tỉnh, tính đến giữa tháng 9, tổng nguồn vốn thu hút đầu tư vào địa bàn KCN, KKT tỉnh đạt gần 300.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI chiếm đa số.

Quảng Ninh - Ảnh 1.

Quảng Ninh - Ảnh 2.

Thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với loạt dự án khủng

Giai đoạn 2015-2020, Quảng Ninh thu hút gần 345.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt 300.000 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư lớn đã có dự án tại Quảng Ninh như Foxconn, Amata, Vingroup, Sun Group,...

Tại Việt Nam, sau khi đầu tư vào Bắc Ninh, Bắc Giang (năm 2007), năm 2019, Foxconn tiếp tục mở rộng kế hoạch đầu tư của mình và tìm đến Quảng Ninh.

Dự án của Foxconn tại Quảng Ninh mang tên “Dự án S-Việt Nam”, là nơi có nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng và ti-vi, khởi công từ cuối tháng 9/2019 với số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 26 triệu USD trên diện tích đất 100.000 m2 tại KCN Đông Mai. Chỉ sau 1 năm, Foxconn tại Quảng Ninh đã xuất xưởng lô sản phẩm đầu tiên.

Trong năm 2021, nhà máy sẽ sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi với giá trị xuất khẩu kim ngạch khoảng 250 triệu USD và sẽ tiếp tục nâng giá trị xuất khẩu lên 500 triệu USD, 1 tỷ USD vào những năm tiếp theo.

Liên quan những doanh nghiệp FDI lớn đầu tư vào Quảng Ninh, còn phải kể đến tập đoàn Amata, hiện đang triển khai một số dự án tại địa bàn tỉnh, trong đó có dự án KCN Sông Khoai 714 ha tại Quảng Yên, vốn đầu tư trên 3.500 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2018-2026. Ngoài ra, Amata cũng đề xuất nghiên cứu đầu tư, xây dựng thành phố thông minh Amata Hạ Long với tổng diện tích 1.720 ha thuộc TP Uông Bí và thị xã Quảng Yên.

Gần đây nhất hồi tháng 9, Tập đoàn Amata cùng Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và GS (Hàn Quốc) đề xuất đầu tư hai KCN tại Quảng Yên.

Quảng Ninh - Ảnh 4.

Phối cảnh dự án khu phức hợp Hạ Long Xanh. (Ảnh: Vinhomeshalongxanh).

Trong tháng 10 vừa qua, Quảng Ninh khởi công, khởi động 4 dự án có tổng mức đầu tư hơn 280.000 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh của Vingroup.

Dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 4/2021, có tổng mức đầu tư hơn 230.000 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD), được kỳ vọng sẽ tạo diện mạo đô thị mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Quảng Ninh.

Trong số các dự án mà Vingroup đang triển khai nghiên cứu, đầu tư tại Quảng Ninh, có 10 dự án đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng như Khu đô thị cao cấp Bến Đoan, Khách sạn Vinpearl Hạ Long, Trung tâm thương mại Vincom Hạ Long, Bệnh viện Vinmec Hạ Long,...

Còn Tập đoàn Sun Group hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Vân Đồn với các dự án tiêu biểu như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn,...

Chi gần 58.700 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giai đoạn tới

Quảng Ninh vốn được biết đến là vùng sản xuất công nghiệp lớn từ hơn 10 năm trước với lợi thế là ngành công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên kinh tế của tỉnh cũng trải qua những nốt trầm vào giai đoạn những năm 2012 - 2014 khi tăng trưởng chỉ đạt mức một con số. Đáng chú ý năm 2012-2013, tốc độ sản xuất công nghiệp sụt giảm nghiêm trọng chỉ tăng 4,2-4,7%, trong khi giai đoạn trước thường trên dưới 10%. 

Nhận thấy vấn đề chủ yếu do hạ tầng yếu cản trở phát triển kinh tế, Quảng Ninh ngay sau đó bắt tay rất nhanh vào lập quy hoạch chiến lược, sau đó nhanh chóng cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhiều tuyến đường. 

Chỉ trong ba năm (2015-2018), diện mạo hạ tầng giao thông của Quảng Ninh thay đổi khá nhiều. Những tuyến đường động lực được xây dựng, mở đường cho kinh tế phát triển như cầu Bạch Đằng, cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, sân bay quốc tế Vân Đồn…

Quảng Ninh - Ảnh 5.

Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Quảng Ninh - Ảnh 6.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đấu nối vào tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, góp phần tạo đột phá trong không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Đỗ Phương/ Báo Đầu tư).

Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh dành gần 58.700 tỷ đồng đầu tư hạ tầng.

Về hạ tầng giao thông, Quảng Ninh ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, các khu kinh tế (KKT), KCN, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế; thu hút đầu tư xây dựng, phát triển, hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển trọng tâm là: Con Ong-Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh, Nam Tiền Phong…

Bên cạnh đó, tỉnh quy hoạch, xây dựng các bến du thuyền tiêu chuẩn quốc tế tại vịnh Cửa Lục; tập trung nguồn lực hoàn thành dự án đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái, đường ven biển Hạ Long-Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 và 3 trong năm 2021; đường dẫn và cầu ra cảng tổng hợp Hòn Nét-Con Ong trong năm 2022; cầu Cửa Lục 2 và đường kết nối từ cầu Cửa Lục 2 đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm.

Tỉnh từng hút 300.000 tỷ vốn đầu tư từ DN, có nhiều dự án lớn của Amata, Vingroup, sắp sở hữu cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam - Ảnh 7.

Tuyến mương hiện tại và hạng mục cầu của dự án nối đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả với trung tâm TP Cẩm Phả nhìn từ trên cao. (Ảnh: Thanh Vân/ TTXVN).

Đáng chú ý, tuyến đường ven sông nối cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội với thị xã Đông Triều (giai đoạn 1), có tổng giá trị đầu tư gần 9.500 tỷ đồng dự kiến hoàn thành năm sau 2022. 

Tuyến đường dài 41,2km, gồm 10 làn, trong đó có 6 làn xe chạy tốc độ cao đi qua thị xã Quảng Yên, TP Uông Bí với thị xã Đông Triều. Dự án được được đầu tư bằng nguồn ngân sách, trong gần 9.500 tỷ đồng vốn đầu tư, có 1.525 tỷ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Về hạ tầng các KKT, KCN, Quảng Ninh tập trung đầu tư hoàn thành các dự án: xây dựng hạ tầng khu tái định cư xã Hạ Long (Vân Đồn); dự án đường trục chính trung tâm khu đô thị Cái Rồng-giai đoạn 2, khu kinh tế Vân Đồn trong năm 2021; xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại km20+050, đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng), đường nối từ cao tốc Hạ Long-Hải Phòng đến đường tỉnh 338.

Tỉnh từng hút 300.000 tỷ vốn đầu tư từ DN, có nhiều dự án lớn của Amata, Vingroup, sắp sở hữu cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam - Ảnh 8.

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành sẽ đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh sở hữu đường cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam hiện nay. (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Còn trong năm nay, dự án giao thông nổi bật của Quảng Ninh sắp đưa vào khai thác là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có chiều dài hơn 80km, thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 120km/h. Đây là đoạn tuyến cuối cùng của trục cao tốc “xương sống” dọc tỉnh Quảng Ninh (Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái), điểm đầu kết nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái). Việc hoàn thành tuyến này sẽ đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh sở hữu đường cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam hiện nay.

Tuyến đường được đánh giá có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Quảng Ninh. Sau khi hoàn thành, thời gian di chuyển từ Vân Đồn đi Móng Cái sẽ được rút ngắn từ 2 giờ xuống còn gần 1 giờ đồng hồ; tạo thuận lợi giao thông đường bộ từ hướng Lạng Sơn đi Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái, đồng thời phát huy hiệu quả của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Anh Đào