Từ PC đến smartphone: Thị trường đồ công nghệ gặp khó khi người dùng thay đổi xu hướng mua sắm sau đại dịch
Trong những tháng gần đây, người tiêu dùng trên toàn thế giới bị bó buộc giữa hai suy nghĩ, tiết kiệm hoặc tiêu xài hoang phí. Người tiêu dùng toàn cầu có sự phân vân trong việc háo hức chi tiêu cho những trải nghiệm đã bị bỏ lỡ trong hai năm đại dịch COVID-19 như du lịch, nhà hàng và giải trí, hay tiết kiệm khi nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang hiện hữu, theo Tech Wire Asia.
Những suy nghĩ này đã khiến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng toàn cầu bị ảnh hưởng đáng kể, được phản ánh rõ thông qua sự sụt giảm về doanh số bán máy tính và điện thoại thông minh trong vài quý gần đây.
Mới nhất, dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Canalys cho thấy thị trường điện thoại thông minh toàn cầu vừa ghi nhận quý III tồi tệ nhất kể từ năm 2014. “Trong quý III, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu ghi nhận mức giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời là quý giảm thứ ba liên tiếp trong năm nay”, theo báo cáo của Canalys.
Các chuyên gia của Canalys, giống như hầu hết các chuyên gia khác trong ngành, cũng cho rằng triển vọng kinh tế ảm đạm đã khiến người tiêu dùng trì hoãn việc mua các sản phẩm công nghệ và chuyển hướng ưu tiên chi tiêu cho các sản phẩm thiết yếu khác.
Bộ phận phân tích của Canalys dự đoán xu hướng này sẽ còn tiếp tục khiến thị trường điện thoại thông minh lao dốc trong khoảng thời gian 6 – 9 tháng tới. Nhà phân tích Amber Liu của Canalys cho biết: “Thị trường điện thoại thông minh phản ứng mạnh với nhu cầu của người tiêu dùng và các nhà cung cấp đang nhanh chóng điều chỉnh để phù hợp với các điều kiện kinh doanh khắc nghiệt hiện tại”.
Bà cho rằng đối với hầu hết nhà cung cấp, ưu tiên hiện nay là giảm nguy cơ tồn kho tích tụ do nhu cầu giảm sút. “Các nhà cung cấp đã có lượng dự trữ đáng kể từ tháng 7, nhưng lượng bán ra dần dần được cải thiện từ tháng 9 do các chương trình giảm giá và khuyến mãi tích cực”, bà Liu cho biết.
Chuyên gia phân tích của Canalys cho biết thêm, chiến lược về giá bán của các sản phẩm mới được thực hiện một cách thận trọng, ngay cả đối với những công ty lớn như Apple, để tránh sự phản đối từ người tiêu dùng, những người hiện có xu hướng rất nhạy cảm với bất kỳ đợt tăng giá bán nào. Trong bối cảnh đó, Samsung vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 22% thị phần trên thị trường smartphone nhờ các chương trình khuyến mãi lớn nhằm giảm lượng hàng tồn kho.
Apple là nhà cung cấp duy nhất trong top 5 nhà cung cấp smartphone hàng đầu thế giới ghi nhận mức tăng trưởng dương, cải thiện vị thế thị trường khi chiếm 18% thị phần smartphone toàn cầu trong thời kỳ thị trường lao dốc, nhờ nhu cầu mua sắm iPhone của người tiêu dùng được giữ tương đối ổn định.
Xiaomi, OPPO và Vivo tiếp tục có cách tiếp cận thận trọng trong việc mở rộng ra nước ngoài do thị trường trong nước không chắc chắn, lần lượt giữ lại 14%, 10% và 9% thị phần toàn cầu trong quý III.
Doanh số bán PC lao dốc
Tình hình còn tồi tệ hơn đối với thị trường PC toàn cầu khi nó chứng kiến sự sụt giảm doanh số mạnh nhất trong hơn hai thập kỷ trong quý III. Theo kết quả hàng quý sơ bộ của Gartner được công bố gần đây, doanh số bán hàng máy tính để bàn và máy tính xách tay đã giảm 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 68 triệu chiếc. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi Gartner bắt đầu theo dõi thị trường PC vào giữa những năm 1990 và cũng là quý giảm thứ 4 liên tiếp so với cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm liên tục chủ yếu là do sự yếu kém hiện có trong phân khúc tiêu dùng và giáo dục, yếu tố đang trở nên trầm trọng hơn do các doanh nghiệp ngày càng thận trọng hơn trong việc chi tiêu cho sản phẩm công nghệ thông tin.
Các yếu tố kinh tế vĩ mô và trong ngành bao gồm lạm phát cao, lãi suất tăng và hàng tồn kho trên các kênh tăng cao cũng góp phần làm giảm động lực của thị trường PC và có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2023.
Giám đốc phân tích Mikako Kitagawa của Gartner cho biết: “Kết quả trong quý III có thể đánh dấu sự suy thoái lịch sử của thị trường PC. Trong khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng cuối cùng đã giảm bớt, lượng hàng tồn kho cao hiện tại đã trở thành một vấn đề lớn do nhu cầu PC sụt giảm ở cả thị trường tiêu dùng và doanh nghiệp”.
Gartner cũng kết luận rằng doanh số bán hàng vào giai đoạn mùa tựu trường đã kết thúc với kết quả không đạt kỳ vọng của giới chuyên gia dù cho các nhà sản xuất và đơn vị bán hàng vẫn tung ra nhiều đợt giảm giá và khuyến mãi. Việc người tiêu dùng đã mua sắm PC với số lượng lớn trong hai năm qua đã khiến thị trường PC trong năm nay chứng kiến sự lao dốc rõ rệt về nhu cầu.