|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường smartphone Việt Nam ngày càng quan trọng trong mắt các 'ông lớn'

07:48 | 14/10/2022
Chia sẻ
Thị trường smartphone Việt nhận được nhiều sự chú ý hơn tới từ các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là từ các ông lớn như Apple, Google hay Xiaomi.

Sau giai đoạn phát triển trong nhiều năm trước, thị trường smartphone toàn cầu đang đi xuống rõ rệt trong năm nay. Các thương hiệu dẫn đầu như Apple, Samsung, Oppo, Vivo hay Xiaomi đều công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng do các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đại dịch COVID-19 cũng như xung đột địa chính trị.

Đi ngược với đà suy thoái của thị trường smartphone toàn cầu, thị trường điện thoại thông minh Việt Nam lại có những dấu hiệu tăng trưởng trong thời gian gần đây. Theo Bộ Công thương, lý do của việc này là các nhà sản xuất smartphone đang nỗ lực đa dạng hóa cơ sở sản xuất ra các quốc gia bên ngoài Trung Quốc, trong đó Việt Nam là chính là một trong những nước được hưởng lợi.

Chính điều này đã dẫn tới việc thị trường smartphone Việt ngày càng nhận được nhiều sự chú ý hơn tới từ các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là từ các ông lớn như Apple, Google hay Xiaomi.

"Điểm sáng" trên bầu trời đêm

Theo dữ liệu từ đơn vị theo dõi dữ liệu thị trường IDC, số lượng lô hàng smartphone tại Việt Nam đã tăng 11,9% lên 15,9 triệu chiếc vào năm 2021. Điều này được thúc đẩy bởi các điện thoại hỗ trợ 4G cũng như nhu cầu bị dồn nén sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Dựa trên những dữ liệu đã thu thập được, IDC dự đoán doanh số bán smartphone tại thị trường Việt Nam trong năm nay sẽ tăng 25%, tiếp tục được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi từ những mẫu điện thoại hỗ trợ 2G sang những dòng smartphone hỗ trợ 4G/5G.

Theo dự đoán của IDC, số lượng các lô hàng smartphone trên toàn cầu trong năm nay có thể giảm 3,5% so với năm 2021, đạt khoảng 1,31 tỷ chiếc. Tính riêng trong quý đầu năm, dù doanh số giảm, đồng thời thị trường lo ngại về mức tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn vươn lên trở thành nhà xuất khẩu smartphone thứ hai thế giới.

Một công ty nghiên cứu khác là Counterpoint Research đưa nhận định rằng ngay cả khi các vấn đề về lạm phát và tình trạng thiếu hụt linh kiện đã ảnh hưởng tới thị trường trong quý đầu năm, song việc mở cửa trở lại đã giúp cho hoạt động sản xuất smartphone đi lên. 

Thị phần của các thương hiệu smartphone lớn tại Việt Nam giai đoạn QII/2021 - QII/2022. (Nguồn: Counterpoint Research).

Theo Counterpoint Research, số lượng lô hàng smartphone trong quý II của Việt Nam gần như không đổi, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Các con số phản ánh sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, với áp lực lạm phát vừa phải và chi tiêu của khách hàng tăng lên.

Ngoài ra, các sản phẩm mới ra mắt, cùng với sự ưa chuộng của khách hàng đối với các mẫu smartphone cao cấp cũng đóng vai trò quan trọng trong đà phục hồi và phát triển của thị trường smartphone Việt.

Tỷ lệ tăng trưởng của phân khúc smartphone cao cấp (có giá từ 400 USD trở lên) tại Việt Nam giai đoạn QII/2021 - QII/2022. (Nguồn: Counterpoint Reserach).

Tại Việt Nam, một số nhà sản xuất lớn như Samsung hay Oppo đều chứng kiến mức tăng trưởng. Thậm chí, gã khổng lồ Apple còn chứng kiến mức tăng trưởng lên tới 115%. Apple đang gia tăng các cửa hàng tại Việt Nam thông qua các nhà phân phối chính thức, điều này đang giúp “táo khuyết” mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng.

Trong nửa cuối năm, Counterpoint Research nhận định Việt Nam sẽ chịu tác động ở một mức độ nhất định trước các vấn đề vĩ mô như lạm phát hay giá nguyên vật liệu tăng, song vẫn tin tưởng thị trường smartphone Việt sẽ tiếp tục tăng trưởng về số lượng các lô hàng.

Tiềm năng thu hút

Khi thị trường smartphone Việt có những tín hiệu tích cực, ngay lập tức những ông lớn trên thế giới đã có những sự chú ý, mà tiêu biểu chính là Apple.

Năm 2019, đại diện một hãng bán lẻ từng chia sẻ với Zing News rằng Apple coi Việt Nam là thị trường hạng ba, nên có một số bất lợi như bán máy chậm hơn, hàng hóa không đa dạng bằng. Nhìn chung, thị trường Việt không được ưu tiên.

Mọi thứ dường những đã thay đổi trong thời gian qua. Việc hàng loạt chuỗi đại lý ủy quyền của Apple như ShopDunk, F.Studio hay TopZone xuất hiện dần giúp Việt Nam ghi điểm trong mắt gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ.

Mới đây, ngân hàng đầu tư JP Morgan nhận định rằng Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng số các sản phẩm iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025. Hiện tại chưa có thông tin chính thức từ Apple, nhưng những gì màJP Morgan đưa ra cho thấy "Táo khuyết" đang đánh giá cao thị trường Việt.

Apple muốn sản xuất lượng lớn AirPods tại Việt Nam. (Ảnh: Cult of Mac). 

Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối Viễn thông di dộng, Công ty CP bán lẻ kỹ thuật số FPT, cho biết: "Chúng tôi ghi nhận sự tăng trưởng liên tục trong 3 năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2022, iPhone tăng gấp đôi. Với sự tăng trưởng như vậy, Việt Nam đang được Apple ghi nhận là thị trường vượt trội trong khu vực mà còn trên toàn cầu".

Ngoài Apple, một số thương hiệu nổi tiếng khác cũng “rục rịch” cho kế hoạch tiến sâu hơn trên thị trường smartphone Việt Nam. Chẳng hạn, Google, công ty đang sản xuất phần lớn mẫu điện thoại thông minh Pixel 6 tại Trung Quốc, hiện đang cân nhắc chuyển một phần đơn đặt hàng sản xuất sang các nhà máy đối tác tại Việt Nam.

Các nguồn tin củaDigiTimes chỉ ra rằng dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh mới của Google tại Việt Nam sẽ được thành lập sau năm 2023 và sẽ chịu trách nhiệm về các mẫu máy thế hệ mới.

Tương tự, nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc là Xiaomi đã giao lô sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm tăng cường hiệu quả giao hàng ở các thị trường Đông Nam Á và giảm chi phí logistics, đại diện Xiaomi chia sẻ vào ngày 5/7.

Các thiết bị điện tử cầm tay của Xiaomi được sản xuất tại Việt Nam sẽ được phân phối trong nước, cũng như đến các quốc gia Đông Nam Á khác, bao gồm Malaysia và Thái Lan, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.

Anh Nguyễn