Trước thềm IPO, Vinalines báo lãi 48 tỷ đồng năm 2017
Vinalines hợp tác với Rent A Port xây cảng hàng rời chuyên dụng tại Hải Phòng |
Trong năm 2017, Vinalines đã bán thanh lý 6 tàu với trọng tải khoảng 125.000 DWT khiến quy mô đội tàu giảm chỉ còn 92 chiếc với tổng trọng tài 1,8 triệu DWT. |
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả kinh doanh năm 2017. Theo đó, năm 2017, Vinalines đạt sản lượng vận tải biển ước đạt 23,7 triệu tấn, tăng 1,9%; sản lượng thông qua cảng ước đạt 80,6 triệu tấn, tăng 3% so với kế hoạch.
Với kết quả kinh doanh từ 2 mũi nhọn chủ lực này, Vinalines đạt tổng doanh thu hợp nhất đạt 14.856 tỷ đồng, tăng 19,1% so với kế hoạch 2015, lợi nhuận đạt 48 tỷ đồng so với mục tiêu cân bằng tài chính do khối vận tải biển giảm lỗ từ thực hiện tái cơ cấu tài chính; riêng Công ty mẹ đạt doanh thu 3.187 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 483 tỷ đồng.
Trong năm 2017, Vinalines đã bán thanh lý 6 tàu với trọng tải khoảng 125.000 DWT khiến quy mô đội tàu giảm chỉ còn 92 chiếc với tổng trọng tài 1,8 triệu DWT.
Vinalines chưa công bố mục tiêu kinh doanh hợp nhất năm 2018 mà chỉ đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ là 2.910 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 146 tỷ đồng.
Công tác CPH Công ty Mẹ - Vinalines cũng đã có thêm bước tiến quan trọng sau khi lãnh đạo đơn vị này vừa trình lại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kết quả xác định lại giá trị doanh nghiệp.
Theo Tờ trình số 3212/TTr- HHVN do Chủ tịch HĐTV Vinalines Lê Anh Sơn ký, Vinalines có giá trị thực tế tại thời điểm 0h ngày 31/12/2016 là 18.094,9 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 11.946 tỷ đồng.
Ông Lê Anh Sơn cho biết là kết quả định giá này đã được điều chỉnh, xử lý các nội dung kiến nghị và lưu ý của Kiểm toán Nhà nước.
So với kết quả định giá được Vinalines trình bộ chủ quản hồi tháng 6/2017 trên cơ sở kết quả định giá của liên danh tư vấn Công ty TNHH Kiểm toán và thẩm định giá Việt Nam và Công ty TNHH Hãng kiểm toán và định giá ATV, hầu hết các chỉ tiêu liên quan tới giá trị Công ty mẹ - Vinalines mới đều đã tăng đáng kể.
Cụ thể, giá trị thực tế doanh nghiệp Công ty mẹ - Vinalines đã tăng thêm 1.353 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng 1.801 tỷ đồng. Cũng theo kết quả định giá mới, giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp – Công ty mẹ Vinalines đã tăng từ 407,6 tỷ đồng lên 583 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu giảm của Công ty mẹ - Vinalines đáng chú nhất là tài sản cố định và đầu tư dài hạn giảm 221,6 tỷ đồng, tổng nợ phải trả giảm 448,1 tỷ đồng. Các tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp là tài sản không cần dùng tại Công ty mẹ - Vinalines trị giá 1.016,1 tỷ đồng và tài sản không cần dùng nhận từ Cảng Sài Gòn trị giá 2,8 tỷ đồng.
Cần phải nói thêm rằng, theo phương án CPH Vinalines, nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ - Vinalines, các nhà đầu tư chiến lược có cơ hội nắm giữ tới 17,25% vốn điều lệ và tỷ lệ bán ra ngoài là 17,25%. Vinalines nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và cảng Đà Nẵng. Tổng công ty tiếp tục duy trì nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic đồng thời thoái vốn tối đa tại các doanh nghiệp vận tải biển.
Theo thông tin của báo Đầu tư, nếu việc thẩm định kết quả định giá từ Bộ GTVT suôn sẻ, Vinalines sẽ chính thức công bố giá trị doanh nghiệp để CPH Công ty mẹ trước ngày 31/12/2017.