|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trước bất ổn thương mại - chính trị hiện tại, các ngân hàng trung ương thế giới đang hành động như thế nào?

08:09 | 11/08/2019
Chia sẻ
Để bảo vệ nền kinh tế quốc gia hoặc khu vực trước các "sóng ngầm" chính trị và thương mại, tiêu biểu là thương chiến Mỹ - Trung, đa phần ngân hàng trung ương đã quyết định hạ lãi suất đáng kể hoặc để ngỏ khả năng nới lỏng chính sách.
BN-RJ771_YA_CEN_GR_20161227174644

Từ trái qua phải: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh. (Ảnh: Wall Street Journal, Reuters)

Trong năm 2019, nền thương mại - chính trị thế giới ngày càng biến động và khiến thị trường lẫn quan chức chính phủ nhiều nước rơi vào tình thế bất an.

Nổi bật trong số các "sóng ngầm" này là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Nhật - Hàn, diễn biến Brexit và sức nóng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Điều này buộc hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đồng loạt hạ lãi suất hoặc đưa ra tín hiệu hạ lãi suất nếu nền kinh tế quốc gia hoặc khu vực suy yếu trong năm nay.

Xu hướng nới lỏng chính sách hiện tại được xem là tình huống đảo ngược của năm 2018, khi mà nhiều ngân hàng trung ương từng quyết định tăng lãi suất một hoặc nhiều lần. Chẳng hạn, Mỹ đã tăng lãi suất 4 lần trong năm ngoái, bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ (3 lần), Ấn Độ (2 lần), Phillipines (4 lần),...

Nhìn vào 26 ngân hàng trung ương được liệt kê trên trang global-rates.com, xu hướng hạ lãi suất chiếm hơn 42%, với 11/26 ngân hàng trung ương thuộc danh sách này từng nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2019.

Screenshot (528)

Nhóm ngân hàng được khoanh đỏ đã hạ lãi suất trong năm 2019, trong khi nhóm khoanh xanh lại nâng lãi suất lên cao hơn. (Ảnh chụp màn hình)

Trong số ngân hàng trung ương lớn từng hạ lãi suất trong năm 2019, có một số cái tên tiêu biểu và tạo ảnh hưởng lớn đến thị trường gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Dự trữ Australia, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, Ngân hàng Dự trữ New Zealand, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáng chú ý nhất trong nhóm trên là Fed, ngân hàng trung ương có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, hiện đang do Chủ tịch Jerome Powell cầm trịch và nhận về không ít chỉ trích của Tổng thống Donald Trump cùng các quan chức thương mại khác như cố vấn thương mại Peter Navarro - "diều hâu" hàng đầu trong Chính phủ Mỹ cho đến thời điểm này.

Trong cuộc họp chính sách vào cuối tháng 7 vừa qua, sau 4 lần thắt chặt chính sách năm 2018 và dưới sức ép lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng tình hình kinh tế Mỹ kém khả quan trong thời gian vừa qua, Fed đã lần đầu tiên hạ lãi suất kể từ năm 2008.

Tuy nhiên, động thái này vẫn chưa khiến ông Trump và thị trường vừa lòng. Cụ thể, vào ngày 7/8, Tổng thống Mỹ đã đăng tải trên Twitter, trong đó ông nhận định Fed nên dừng thắt chặt chính sách và hạ lãi suất nhiều và nhanh hơn.

Screenshot (530)

Dòng tweet của Tổng thống Trump hôm 7/8. (Ảnh chụp màn hình)

Do đó, Fed đang được kì vọng sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng 9 tới.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại đưa ra tín hiệu có thể nới lỏng chính sách trong trường hợp nền kinh tế bất ổn do sức ép từ các biến động địa chính trị trong và ngoài nước/khu vực.

Cụ thể, tại cuộc họp ngày 25/7, Hội đồng điều hành ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở các mức thấp lịch sử, tuy nhiên ngỏ cánh cửa cho việc cắt giảm lãi suất trong tương lai, theo Financial Times.

Mặc dù vậy, vẫn tồn tại một số ngân hàng trung ương "đi ngược chiều" như Ngân hàng Trung ương Na Uy và Ngân hàng Trung ương Czech. Tỉ lệ này chiếm hơn 7% số ngân hàng được liệt kê trong danh sách của global-rates.com.

Khả Nhân