|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trung Quốc thẳng tay xoá 133 cuộc trò chuyện và khoá vĩnh viễn 503 tài khoản bàn luận về Ngô Diệc Phàm trên mạng xã hội

15:34 | 05/08/2021
Chia sẻ
Động thái cứng rắn được đưa ra sau khi xuất hiện một số bình luận chế giễu, không mang nội dung đúng đắn xuất hiện trên mạng xã hội như "hãy đột nhập vào nhà tù để giải cứu Ngô Diệc Phàm".

Các nhà phê bình của Trung Quốc cho biết văn hóa hâm mộ thần tượng một cách thái quá, đôi khi trở nên méo mó và lệch lạc là do một bộ phận đứng sau kích động, thậm chí là chi tiền để giúp các thần tượng trở nên nổi tiếng hơn, theo Global Times.

Nhận xét của các chuyên gia được đưa ra sau khi một số bình luận chế giễu, không mang nội dung đúng đắn xuất hiện trên mạng xã hội như "hãy đột nhập vào nhà tù để giải cứu Ngô Diệc Phàm". Thậm chí một số người hâm mộ được cho là đã lên kế hoạch tổ chức "nhóm giải cứu" và "thăm thần tượng trong tù", theo tờ China Youth Daily.

Trước đó như tin đã đưa, thần tượng âm nhạc, diễn viên điện ảnh người Canada gốcTrung Quốc, Ngô Diệc Phàm đã bị phía cảnh sát Bắc Kinh tạm giữ vì nhiều cáo buộc khác nhau.

Scandal Ngô Diệc Phàm là lời cảnh tỉnh cho văn hóa thần tượng méo mó - Ảnh 1.

Sự việc của Ngô Diệc Phàm tràn ngập các mặt báo Trung Quốc trong vài ngày qua. (Ảnh: Global Times).

Trong vài ngày gần đây, trang mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc đã xóa bỏ 133 cuộc trò chuyện và bình luận bất hợp pháp, đồng thời cấm và khóa vĩnh viễn 503 tài khoản có một số nhận xét không đúng mực liên quan đến trường hợp của Ngô Diệc Phàm.

Tuy nhiên, tài khoản chính thức của Sina Weibo thông tin rằng nhiều người dùng tạo ra nhóm trò chuyện thực tế không phải là người hâm mộ thực sự. Họ chỉ làm điều này nhằm thu hút sự quan tâm của những người khác bằng cách đăng tải một số quan điểm tiêu cực.

Đầu tuần này, cơ quan quản lý không gian mạng hàng đầu của Trung Quốc cho biết họ đã xóa hơn 150.000 mục thông tin có hại khỏi các nền tảng trực tuyến và đóng vĩnh viễn 1.300 nhóm trò chuyện, trong bối cảnh nỗ lực tạo ra một môi trường internet lành mạnh cho người dùng web.

"Thủ phạm của văn hóa hâm mộ thần tượng méo mó nằm ở toàn bộ một chuỗi công nghiệp vô hình với sự phân công lao động rõ ràng. Họ kiếm lời bất chính bằng cách lợi dụng đầu óc và suy nghĩ còn non nớt của trẻ vị thành niên, lừa gạt người hâm mộ để chi tiền cho thần tượng của mình", Xiao Fuqiu, một nhà phê bình văn hóa tại Thượng Hải chia sẻ trên Global Times.

Ông nói thêm rằng đối với những người hâm mộ bị lừa dối bởi dây chuyền này trong một thời gian dài, các tiêu chuẩn và giá trị đạo đức của họ cũng bị tác động và bóp méo. "Họ tìm mọi lý do để bào chữa cho thần tượng của mình, thậm chí cho cả những hành vi phạm tội của họ", ông nói thêm

Trong khi đó, Shi Wenxue, một nhà phê bình văn hóa tại Bắc Kinh cho biết: "Một số tài khoản tiếp thị là 'ký sinh trùng' trong chuỗi công nghiệp văn hóa người hâm mộ vô hình này. Chỉ cần có nguồn vốn từ những người đứng đằng sau các ngôi sao, họ sẽ đăng những ý kiến mang tính tâng bốc và thiên vị trên mạng xã hội". 

Sự việc của Ngô Diệc Phàm không phải là trường hợp đầu tiên liên quan đến văn hóa hâm mộ thần tượng một cách lệch lạc. Chương trình tạp kỹ đình đám của Trung Quốc, Youth With You mùa 3 vào tháng 5 đã bị đình chỉ sau khi các thực tập sinh dính vào bê bối lãng phí hàng tấn sữa.

Quốc Anh