Trung Quốc mạnh tay nhập khẩu nhưng Mỹ vẫn thâm hụt nặng
Là công xưởng của thế giới và được xếp vào nhóm các nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc từ lâu đã bị cộng đồng quốc tế hoài nghi về chính sách thương mại, khi mà nước này thường xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.
Tuy nhiên, dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố hôm 13/4 cho thấy kim ngạch nhập khẩu tính theo đồng USD của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vừa tăng 38,1% trong tháng 3 - tương đương tốc độ của tháng 2 và là mức cao nhất kể từ tháng 5/2008. Kết quả này cũng cao hơn nhiều so với dự đoán tăng 24,5% của thị trường.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc thu hẹp xuống còn 13,8 tỷ USD trong tháng 3. Đây là mức thấp nhất kể từ giai đoạn hai tháng đầu năm ngoái, thời điểm Trung Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại khi đại dịch bùng phát đỉnh điểm.
Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ lần lượt tăng 17,29 tỷ USD trong tháng 3 và 46,5 tỷ USD trong quý I năm nay. Cả hai số liệu đều là mức cao nhất kể từ năm 1993 khi hải quan Trung Quốc bắt đầu thu thập dữ liệu.
Nhập khẩu hàng hóa Mỹ trong ba tháng đầu năm tăng 69,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng dữ liệu tham chiếu của năm ngoái khá thấp do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo SCMP, dữ liệu của hải quan Trung Quốc cũng chỉ ra rằng hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tiếp tục tăng tiến, ngay cả khi Bắc Kinh và Washington xung đột trên một loạt vấn đề từ công nghệ, Hong Kong đến Tân Cương. Xu hướng này cũng diễn ra bất chấp thực tế là hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn phải chịu thuế quan trừng phạt của cựu Tổng thống Trump.
Số liệu mới cũng cho thấy thỏa thuận thương mại mà Mỹ - Trung ký kết hồi tháng 1 năm ngoái đang khuyến khích Trung Quốc nhập khẩu thêm hàng hóa Mỹ, dù cho giá trị mua hàng của Bắc Kinh vẫn còn thấp hơn nhiều so với yêu cầu của thỏa thuận.
Trung Quốc hứa sẽ mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong hai năm, so với mốc của năm 2017. Hơn một nửa trong số 345 công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc cho biết thỏa thuận giai đoạn một đã giúp ổn định quan hệ song phương, giảm thiểu căng thẳng thương mại và giảm nguy cơ leo thang thuế quan, theo khảo sát công bố vào tháng 3 của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham).
Nếu Trung Quốc tăng cường mua hàng hóa Mỹ trong những tháng tới, xuất khẩu của Mỹ có thể tăng đáng kể. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết, tính đến tháng 2, Trung Quốc đã hoàn thành khoảng 76% mục tiêu mua hàng năm 2021. Năm ngoái, đất nước tỷ dân chỉ thực hiện được khoảng 58% mục tiêu mua sắm hàng hóa năm 2020.
Chẳng thấm là bao
Dù Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ nhưng cán cân thương mại giữa hai nước vẫn bị lệch trong quý I năm nay, nguyên nhân là do xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng nhanh hơn nhập khẩu.
Trong quý đầu năm 2021, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ nới rộng lên 72,6 tỷ USD, tăng so với con số 40,7 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái và so với 62,5 tỷ USD cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 74,7% so với quý I/2020. Điều này cho thấy cuộc chiến thuế quan và hiệp định thương mại giai đoạn một đến nay vẫn chưa thể thu hẹp sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước như chính quyền ông Trump từng kỳ vọng.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận của SCMP về các số liệu thương mại mới.
Giới phân tích tin rằng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trong quý I/2021 là do số liệu năm ngoái khá thấp và giá hàng hóa gần đây tăng cao làm tăng kim ngạch nhập khẩu.
Nhà kinh tế cấp cao Julian Evans-Pritchard của Capital Economics nhận định: "Nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh chủ yếu là do giá các hàng hóa công nghiệp phục hồi. Điều này cũng cho thấy hoạt động công nghiệp nặng và xây dựng ở Trung Quốc đang tiếp tục khởi sắc".
Tại cuộc họp báo hôm 13/4, phát ngôn viên Li Kuiwen của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng một phần là do giá hàng hóa quốc tế tăng nhanh trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ tung ra kích thích tài khóa lớn.
Song, ông Li cũng cho rằng số liệu nhập khẩu mới còn liên quan đến sự phục hồi kinh tế không ngừng nghỉ tại Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Ông Li cũng lưu ý rằng Trung Quốc đang có nhu cầu lớn đối với mạch tích hợp và các sản phẩm năng lượng.
Phát ngôn viên họ Li cũng lạc quan về triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là khi các vắc xin "Made in China" đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.