Trung Quốc: Hoạt động kinh tế dần phục hồi trong năm nay
Số liệu thống kê cho thấy lưu lượng hành khách đi tàu điện ngầm ở ba thành phố lớn nhất của Trung Quốc, số lượng chuyến bay cho đến doanh thu phòng vé đều tăng kể từ cuối tháng 12/2022, sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ chính sách “không COVID” kéo dài ba năm.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn thận trọng về tốc độ phục hồi sau khi mở cửa. Louise Loo, nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, cho biết sự sụt giảm chi tiêu cho thấy sẽ cần thời gian để đảo ngược tác động tâm lý tiêu cực đối với người tiêu dùng Trung Quốc sau ba năm phong tỏa kéo dài.
Ngoài ra, chuyên gia Loo cho biết đà phục hồi nhanh chóng cũng bị cản trở bởi sự thay đổi khả năng thanh khoản của các hộ gia đình trong suốt thời gian diễn ra đại dịch.
Không giống như các chương trình hỗ trợ chi tiêu hộ gia đình của một số nước, các chương trình cứu trợ COVID của Trung Quốc tập trung chủ yếu vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa.
Các nhà hoạch định chính sách đã hứa sẽ thúc đẩy nhu cầu trong năm nay, đặc biệt là tiêu dùng.
Nhưng chi tiêu ở các nền kinh tế lớn khác đã mất đà do lãi suất tăng cao nhằm kiềm chế lạm phát, điều đang làm tổn hại đến xuất khẩu của Trung Quốc, vốn là điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế nước này trong thời kỳ đại dịch.
Một cuộc khảo sát chính thức về hoạt động của nhà máy cho thấy chỉ số phụ về các đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm xuống 44,2 trong tháng 12/2022 so với 46,7 trong tháng 11/2022, ghi dấu 20 tháng liên tiếp dưới mốc 50.
Các nhà kinh tế kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi từ quý hai, nhờ mức tiêu thụ mạnh hơn và tăng chi tiêu của nhà nước cho các dự án cơ sở hạ tầng. Nhưng đà phục hồi của thị trường bất động sản có thể mất nhiều thời gian hơn.