|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc mở cửa có thực sự mang lại làn gió mới cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam?

15:28 | 11/01/2023
Chia sẻ
"Nếu chúng ta nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc trong khi EU, Mỹ không có nhu cầu mặt hàng dệt da, may mặc và các mặt hàng khác thì liệu chúng ta xuất khẩu được không? Và câu chuyện Trung Quốc mở cửa trở lại có thực sự mang lại làn gió mới đến nền kinh tế Việt Nam hay không?", ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê nói.

Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023, ôngNguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, phân tích tác động của Trung Quốc mở cửa đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam.

 Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 119 tỷ USD trong năm 2022. Đây cũng là thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất khoảng 61 tỷ USD.

Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ là những sản phẩm cơ bản như nông sản, còn lại nhập khẩu nguyên nhiên, vật liệu để sản xuất.

"Nếu chúng ta nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc trong khi EU, Mỹ không có nhu cầu mặt hàng dệt da, may mặc và các mặt hàng khác thì liệu chúng ta xuất khẩu được không? Và câu chuyện Trung Quốc mở cửa trở lại có thực sự mang lại làn gió mới đến nền kinh tế Việt Nam hay không?", ông Lâm nói.

Ngoài ra, ông Lâm cũng cảnh báo về chất lượng vốn FDI. Trong năm 2022, giải ngân vốn FDI đạt 22,4 tỷ USD mặc dù vốn đăng ký suy giảm nhưng giải ngân cao nhất trong vòng 5 năm qua. Thực tế đây là câu chuyện giải ngân của những giai đoạn trước.

 

Từ năm 2023 trở đi, vốn đăng ký có thể sẽ suy giảm theo xu hướng chung của quốc tế. Trong giai đoạn 2024 - 2025, giải ngân của FDI cũng suy giảm, không tăng mạnh như năm 2023.

"Tôi đồng ý FDI đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam nhưng mặt trái của FDI đối với kinh tế Việt Nam là một số quốc gia, vùng lãnh thổ tận dụng FTA của Việt Nam ký với các nước để đầu tư xuất khẩu. 

Qua một số phương tiện truyền thông của Trung Quốc, tôi được biết nước này muốn biến Việt Nam thành vùng đệm để xuất khẩu để tránh được câu chuyện cạnh tranh với Mỹ. Do đó, câu chuyện FDI chúng ta cũng cần thận trọng. Chúng ta cần chú ý để xuất siêu hoặc ít nhất giữ cân bằng", ông Lâm cảnh báo.

Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa cũng sẽ tác động đến lạm phát toàn cầu. Theo đó, Trung Quốc mở cửa hoàn toàn từ năm 2023, tăng trưởng thương mại toàn cầu cũng sẽ tăng. Nhưng ngược lại lạm phát cũng sẽ tăng theo vì Trung Quốc là nền kinh tế sử dụng nhiều nguyên vật liệu. Bloomberg tính toán nếu Trung Quốc mở cửa hoàn toàn thì giá dầu thô tăng trên 20%.

"Với giá dầu thô hiện tại thì tăng 20% không phải là ít", ông Lâm nói.

Ngoài ra, giá của một loạt nguyên vật liệu khác cũng sẽ tăng, ảnh hưởng đến lạm phát của nhiều nước.

Lạm phát của Mỹ dự kiến giữa năm là 3,9% thì đến cuối năm khoảng 5,7%. Điều này cho thấy làn gió mới của Trung Quốc tác động tốt cho nền kinh tế nhưng cũng ảnh hưởng nhiều đến lạm phát.

"Giả sử lạm phát của Mỹ cuối năm tăng 5,7% thì liệu rằng Fed có dừng tăng lãi suất hay không. Trong khi đó, chủ tịch Fed cho biết sẽ cương quyết xử lý lạm phát, đánh đổi câu chuyện tăng trưởng", ông Lâm phát biểu.

Theo ông Lâm, năm 2023 sẽ rất khó khăn và xuất khẩu vẫn sẽ là một trong những động lực xuất khẩu chính cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, mặt hàng nông sản vẫn có nhiều cơ hội và không bị ảnh hưởng nhiều bởi suy thoái kinh tế thế giới do chất lượng tốt. Các mặt hàng như dệt may hay sản phẩm linh kiện, điện tử sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn.