|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nền kinh tế Trung Quốc đi xuống, áp lực giảm phát mạnh lên

20:30 | 10/01/2023
Chia sẻ
Trong lúc phương Tây lo sốt vó vì lạm phát thì Trung Quốc lại đối mặt với nguy cơ giảm phát.

Một khu phố mua sắm tại Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg). 

Báo cáo của nhà cung cấp dữ liệu độc lập China Beige Book International (CBBI) cho thấy áp lực giảm phát tại Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn khi nền kinh tế sa sút trong quý IV/2022. CBBI dự đoán tốc độ tăng giá cả tại Trung Quốc sẽ chậm lại ngay cả khi nền kinh tế phục hồi vào giai đoạn sau trong năm 2023.

Báo cáo mà CBBI công bố ngày 10/1 viết rằng trong ba tháng cuối năm 2022, giới doanh nghiệp đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng lương và chi phí đầu vào chậm nhất kể từ giữa năm 2020. Tốc độ tăng của giá bán cũng lùi xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.

Số liệu được thể hiện theo chỉ số khuếch tán; số dương thể hiện sự gia tăng và ngược lại. 

Báo cáo của CBBI được xây dựng dựa trên khảo sát với 4.354 doanh nghiệp trong quý cuối cùng của năm 2022.

Báo cáo viết: “Tình trạng thiểu phát trong ngắn hạn đã xuất hiện, bằng chứng là tăng trưởng giá cả gần như đã chững lại. Cú đánh của COVID-19 vào ngành bán lẻ có thể gây ra cú sốc giảm phát ngay trong quý I”.

Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, lạm phát giá tiêu dùng ở nước này đã tụt từ mức 2,1% trong tháng 10 xuống còn 1,6% trong tháng 11. Các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát dự kiến tỷ lệ lạm phát cả năm 2023 của Trung Quốc sẽ ở mức tương đối khiêm tốn 2,3% ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đi lên. 

CBBI cho rằng nhiều khả năng lạm phát sẽ quay trở lại sau quý I, nhưng “hầu như chỉ đủ để bù đắp” xu hướng thiểu phát trước đó.

Theo CBBI, bất kỳ đợt gia tăng giá cả lâu dài và đáng kể nào ở Trung Quốc cũng sẽ đòi hỏi các quan chức phải nới lỏng chính sách. Tuy nhiên về lâu dài, nền kinh tế số hai thế giới vẫn đối mặt với áp lực giảm phát từ các thách thức nhân khẩu học.

Giang