Trung Quốc có nguy cơ lớn nhất với IUU
Số điểm IUU của Trung Quốc cao nhất thế giới
Trang SeafoodSource cho biết, một chỉ số mới xếp hạng các quốc gia dễ bị tổn thương đối với đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (IUU) đã liệt kê Trung Quốc có nguy cơ cao nhất với IUU.
Chỉ số này được tạo ra bởi Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu Chống tội phạm có tổ chức xuyên Quốc gia, xét trên 4 tiêu chí bờ biển, cờ, cảng và tổng quan. Quốc gia nào có điểm số cao hơn có nghĩa rằng quốc gia đó có nguy cơ dễ bị tổn thương đối với IUU hơn.
Theo đó, Trung Quốc có “điểm IUU” cao nhất với 3,93 điểm, tính trên thang điểm 5. Các tiêu chí đánh giá của nước nước này đều ở mức xấu, gồm số lượng tàu trong danh sách IUU và số lượng các tàu đánh cá ở vùng biển xa dưới sự kiểm soát của nhiều Tổ chức quản lý đánh bắt cá khu vực (RFMO).
Ngoài ra, điểm số về lượng cảng đánh bắt cá của Trung Quốc, cách các cảng này cho phép tàu nước ngoài di chuyển vào và nhập khẩu hàng, cũng không khả quan.
Chỉ số này được xem là một công cụ mới giúp các nước hiểu rõ hơn về đánh bắt hải sản bất hợp pháp.
“Chỉ số IUU được tạo ra nhằm giúp các nước theo dõi khả năng xâm phạm hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát.
Chỉ số đã góp phần lấp đầy lỗ hổng quan trọng trong đấu tranh IUU bằng phương pháp phân tích và đánh giá, từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách xác định đâu là điểm thiết yêu cần can thiệp”, đại diện Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia cho biết.
Xếp sau Trung Quốc là Đài Loan với số điểm là 3,63; tiếp theo là các nước Campuchia (3,23), Nga (3,16) và Việt Nam (3,16).
Ngoài ra, nhiều nước đang phát triển tại khu vực Châu Phi cũng nổi lên là “khu vực đáng quan ngại” do thiếu nguồn lực của nhà nước để đối phó với hoạt động đánh bắt cá IUU.
Quốc gia có số điểm thấp nhất là Bỉ, với số điểm chỉ 1,43. Theo sau là Latvia và Estonia với số điểm lần lượt là 1,57 và 1,67.
Số điểm của Mỹ là 2,29, tương đương với điểm số trung bình toàn cầu.
Giám đốc quản lý nguồn lợi thủy sản của Poseidon, ông Graeme Macfadyen nói “Chỉ số này cung cấp rất nhiều dữ liệu ở cấp quốc gia, khu vực và lãnh hải. Chúng tôi hi vọng sẽ thúc đẩy hành động khẩn cấp cần thiết để chống lại đánh bắt cá IUU".
Trung Quốc có nguy cơ lớn nhất với IUU. Ảnh minh họa |
Liên kết giải quyết IUU
Theo tờ Undercurrentnews, mới đây Nam Phi và Namibia đã kí thỏa thuận trong việc tăng cường hợp tác chống IUU.
"Thỏa thuận này gồm tuần tra giám sát hoạt động đánh bắt cá, chia sẻ công cụ cho mục đích tuần tra trên biển và tham gia các chương trình quan sát nhằm đảm bảo tuân thủ của những người được cấp phép khai thác", Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nam Phi cho hay.
Còn trang Business Day cho hay Nam Phi đã thiệt hại hàng tỉ rand vì hoạt động khai thác và đánh bắt trộm bất hợp pháp .
Bên cạnh đó, hai nước cũng đã chấp thuận việc thành lập một nhóm làm việc chuyên trách để đánh giá và quản lý nguồn tài nguyên biển chung. Trách nhiệm sẽ gồm việc xác định tổng sản lượng được phép khai thác và các biện pháp bảo tồn về mặt kỹ thuật.
Việt Nam được đánh giá cao trong nỗ lực chống IUU
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), trong chuyến công tác của các thành viên Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu diễn ra vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2018, phái đoàn đánh giá cao việc trao đổi cởi mở, thẳng thắn và hợp tác xây dựng của các cơ quan chức năng, các tổ chức nghề cá liên quan… của Việt Nam.
Một số cải thiện đáng kể trong Luật Thủy sản của Việt Nam chắc chắn có thể làm tăng khả năng giải quyết và ngăn chặn các hoạt động khai thác IUU tại các vùng biển của Việt Nam.
Các thành viên phái đoàn cũng đã chứng kiến các cơ sở hạ tầng kiểm tra, giám sát và kiểm soát mới như Trung tâm Giám sát Nghề cá tại Hà Nội và các cảng biển ở Quy Nhơn, Hải Phòng, cùng với cơ sở hạ tầng mới, có thể tác động tích cực đến khả năng tuân thủ các nghĩa vụ quốc của mình trong việc chống lại các hoạt động khai thác IUU.
Các thành viên của phái đoàn đã công nhận các nỗ lực chính trị của Việt Nam trong cam kết giải quyết các vấn đề về khai thác IUU và nhấn mạnh rằng Việt Nam nên dành đủ các nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện điều này.