|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trồng rừng nguyên liệu giấy lên… dâu tằm

20:04 | 08/11/2018
Chia sẻ
Hàng trăm hecta đất lâm nghiệp đã được Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (Công ty Tân Mai) nhận để trồng rừng nguyên liệu giấy. Thế nhưng, sau hơn 15 năm, nhiều diện tích đã bị lấn chiếm, sang nhượng trái phép hoặc cho thuê để trồng dâu tằm và một số loại cây nông nghiệp khác.
trong rung nguyen lieu giay len dau tam
Một khoảnh lớn đã được phân lô cho thuê để trồng dâu tằm tại Tiểu khu 450 (xã Lộc Quảng). Ảnh: Đ.A

“Xẻ thịt” đất lâm nghiệp

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, việc hợp tác đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy tại Lâm Đồng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai (trước đây là Tổng Công ty Giấy Việt Nam) được thực hiện theo chủ trương phủ xanh đất trống, nâng cao giá trị sử dụng đất lâm nghiệp. Việc hợp tác đầu tư này được thực hiện thông qua việc ký kết hợp đồng với các lâm trường (nay là các công ty TNHH MTV lâm nghiệp) và các ban quản lý rừng. Tại Lâm Đồng, Công ty Tân Mai đã trồng rừng nguyên liệu giấy đạt trên 7.693 ha, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Do Công ty Tân Mai không xây dựng nhà máy chế biến giấy tại huyện Đạ Huoai như dự kiến nên toàn bộ diện tích rừng trồng nguyên liệu giấy được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý chủ trương chuyển sang sản xuất, kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. Bên cạnh những mặt làm được thì Công ty Tân Mai vẫn còn để một số diện tích rừng trồng bị phá, bị lấn chiếm trái phép nhưng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, giải tỏa.

Cuối tháng 10, theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại khu vực giáp ranh giữa xã B’Lá và xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm) để tìm hiểu về hiện trạng trồng dâu tằm trên phần đất đã được bàn giao cho Công ty Tân Mai để trồng rừng nguyên liệu giấy. Tại khu vực đất gần nghĩa địa Thôn 3 (xã B’Lá), dọc hai bên đường là những hàng dài trụ bê tông rào kẽm gai và được phân thành từng lô lớn đã “phủ xanh” dâu tằm. Tại một khoảnh đất đang trồng dâu, 2 người phụ nữ và một người đàn ông đang cặm cụi bón phân, cắt tỉa những cây dâu đã bắt đầu lên cao hơn gang tay. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn thuê đất tại khu vực này, người đàn ông cho biết, khu đất này được một người phụ nữ ở phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) thuê lại của “lâm trường” để trồng cây dâu tằm là chủ yếu. Thời hạn thuê đất trong vòng 5 năm và giá thuê đất chỉ 15 triệu đồng cho một ha/năm. Cũng theo người đàn ông này, theo thỏa thuận thì sau khi thuê đất có thể trồng bất cứ cây gì, trừ cây cà phê. Tổng diện tích đất thuê được tại khu vực này khoảng 10 ha. Bà chủ của khu đất này cũng đang có ý định cho thuê lại một phần diện tích mà bà đã thuê được.

Theo ghi nhận, tại khu đất này, một căn nhà cấp 4 kiên cố cũng đã được xây dựng mà theo 3 công nhân cho biết là “dùng làm chỗ nghỉ trưa”. Trong khi đó, theo một hộ dân ở Thôn 3 (xã B’Lá), trước đây diện tích đất ở khu vực này bị người dân lấn chiếm để trồng chè và cà phê. Sau đó, Công ty Tân Mai tiến hành giải tỏa với lý do để trồng lại rừng. Thế nhưng, từ đó đến nay rừng thì không thấy mà chỉ thấy trồng toàn hoa màu. “Người dân chúng tôi thắc mắc không hiểu cây dâu tằm, chanh dây có làm được nguyên liệu giấy không?” - người này bức xúc đặt câu hỏi.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, diện tích đất nêu trên thuộc Tiểu khu 450 (xã Lộc Quảng) do Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Lâm Đồng (thuộc Công ty Tân Mai) quản lý, bảo vệ. Ngoài khu vực giáp ranh giữa xã B’Lá, Lộc Quảng thì nhiều diện tích đất của Công ty Tân Mai tại các xã Lộc Ngãi, Lộc Phú, thị trấn Lộc Thắng… cũng bị lấn chiếm và đã phủ xanh các loại cây nông nghiệp.

trong rung nguyen lieu giay len dau tam
Rất nhiều diện tích rừng trồng nguyên liệu giấy của Công ty Tân Mai đã được phủ xanh bằng dâu tằm, chanh dây và một số loại cây khác không đúng mục đích. Ảnh: Đ.A

Đất lâm nghiệp… biến mất

Theo Ban quản lý rừng Nguyên liệu giấy Bảo Lâm (thuộc Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Lâm Đồng), tại huyện Bảo Lâm, Công ty Tân Mai có hợp tác đầu tư với Ban quản lý rừng phòng hộ Đạm Bri với diện tích hơn 672 ha rừng thông ba lá (trồng từ năm 2000, 2002 và 2003) và một số diện tích rừng keo trồng các năm 2015, 2016, 2017. Diện tích này thuộc 14 tiểu khu tại 7 xã và 1 thị trấn của huyện Bảo Lâm. Đến năm 2007, tất cả diện tích rừng trồng hợp tác giữa hai bên được bàn giao lại cho Công ty Tân Mai và đến tháng 9/2015, hai bên đã thanh lý hợp đồng. Thời gian qua, tình trạng phá rừng lấn chiếm đất rừng của người dân địa phương hết sức phức tạp khiến nhiều diện tích rừng trồng bị thiệt hại. Tổng diện tích lấn chiếm, tái lấn chiếm theo thống kê của Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Bảo Lâm đến nay là 86 ha.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc nhiều diện tích đất rừng nguyên liệu giấy có hiện tượng cho thuê để trồng cây nông nghiệp, ông Đoàn Thanh Phong, Trưởng Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Bảo Lâm cho rằng “chưa nắm được thông tin này”. Tuy nhiên, ông Phong cho biết từ tháng 5 năm 2015, Công ty Tân Mai đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy với Công ty TNHH Đông Nương (xã Lộc Phú, Bảo Lâm) với tổng diện tích 254 ha. Thế nhưng, đến tháng 9/2018, Công ty Đông Nương mới chỉ trồng rừng đạt yêu cầu được hơn 85 ha, diện tích chưa thi công trồng rừng là hơn 76 ha và đặc biệt là diện tích đất đang canh tác cây nông nghiệp là gần 92 ha. Lý giải về việc trồng cây nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, ông Phong cho rằng Công ty Đông Nương chỉ trồng tạm trong khi đợi cây rừng khép tán. Trong khi đó, theo nhiều biên bản làm việc, biên bản kiểm tra giữa Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Lâm Đồng và Công ty Đông Nương thì lại khẳng định có nhiều loại cây được trồng không đúng phương án như bơ, cà phê, chanh dây, dâu tằm… Một số khu vực có trồng keo dâm hom nhưng không đảm bảo mật độ và đa phần bị phá để trồng các loại cây nông nghiệp, cây công nghiệp. Nghiêm trọng nhất là 22,6 ha rừng trồng thông 3 lá tại xã Lộc Quảng (đã liên kết trồng, quản lý bảo vệ rừng với Công ty Đông Nương) đã bị tàn phá, lấn chiếm để trồng cây nông nghiệp; đồng thời, dọc các tuyến đường đã tự ý phân lô, thể hiện qua việc cắm cọc bê tông cố định, rào kẽm gai, làm nhà tạm, khoan (đào) giếng. Việc phân lô này thể hiện cho từng chủ thể riêng biệt, thường xuyên có lao động chăm sóc dâu tằm, chanh dây, cà phê ở các lô này. Hầu như trên toàn bộ hiện trường đã trồng một phần keo lai xen các loại cây nông nghiệp, công nghiệp không đúng đối tượng trồng rừng nguyên liệu giấy.

Trở lại việc hợp tác đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy giữa Công ty Tân Mai và Ban quản lý rừng phòng hộ Đạm Bri, thời điểm hợp tác đầu tư vào năm 2002 và 2003 thì tổng diện tích theo hợp đồng là 761 ha. Đến khi thanh lý hợp đồng vào năm 2015 thì diện tích thực hiện trồng rừng được xác định là 635 ha. Đến tháng 1/2018, khi tiến hành kiểm kê tài nguyên rừng thì diện tích này hụt xuống chỉ còn 463 ha. Như vậy, nếu lấy diện tích bàn giao khi đã trồng thành rừng trừ đi diện tích hiện còn thì có đến 172 ha đất lâm nghiệp bị biến mất, còn nếu so với diện tích theo hợp đồng ban đầu thì con số đất lâm nghiệp bị biến mất lên đến 325 ha. Đối chiếu với tổng diện tích đất bị lấn chiếm và tái lấn chiếm theo thống kê của Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Bảo Lâm (86 ha) thì có rất nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị biến mất không rõ lý do.

Sau hơn 15 năm thực hiện trồng rừng nguyên liệu giấy tại huyện Bảo Lâm, đến nay, Công ty Tân Mai chưa thu được khối lượng lâm sản nguyên liệu giấy nào. Trong khi đó, diện tích đất rừng bị lấn chiếm, bị hao hụt, bị trồng cây sai mục đích diễn ra ngày càng phổ biến. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo huyện Bảo Lâm cho rằng đã giao cho Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm rà soát lại hồ sơ để làm rõ các thông tin liên quan. Về phía Ban quản lý rừng phòng hộ Đạm Bri cũng đã đề nghị Công ty Tân Mai có trách nhiệm báo cáo diện tích bị thiếu hụt cho UBND tỉnh Lâm Đồng.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đông Anh