Tránh bị vạ lây trong thương chiến Mỹ - Trung
Nông sản của Việt Nam chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Do vậy, chỉ cần Trung Quốc gây khó khăn là rất nhiều hộ gia đình Việt Nam bị ảnh hưởng. Ảnh: Thành Hoa
Hiệu ứng Đạt Lai Lạt Ma
Trừng phạt hay trả đũa khi nước khác có những hành động làm phương hại đến lợi ích của một nước là công cụ quen thuộc của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhất là các nước lớn.
Andreas Fuchs và Nils-Hendrik Klann (2013) đã tìm ra bằng chứng thực nghiệm về tác động của việc trừng phạt này của Trung Quốc khi các nước đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các quốc gia đón tiếp Đạt Lai Lạt Ma ở cấp chính trị cao nhất bị trừng phạt thông qua việc giảm xuất khẩu sang Trung Quốc. Mức giảm bình quân là 8,1% và hiện tượng này kéo dài trong hai năm.
Những kết quả nêu trên cho thấy hai vấn đề. Thứ nhất, Trung Quốc sử dụng các chính sách trả đũa rất mạnh với các nước có những việc làm ảnh hưởng đến lợi ích của họ.
Thứ hai, các trừng phạt càng có tác dụng khi một quốc gia càng lớn và có ảnh hưởng toàn cầu. Điều này được thể hiện rõ nhất qua việc Mỹ cấm vận hay trừng phạt các nước khác. Việt Nam cũng đã từng phải chịu điều này.
Trò chơi của các nước
Không chỉ áp thuế, Mỹ cũng đã ra tay với Trung Quốc trong cuộc chiến về công nghệ. Cụ thể là Mỹ đã dấy lên mối quan ngại với Huawei về mạng 5G và những vấn đề liên quan. Mới đây nhất là Google đã quyết định ngừng cung cấp các dịch vụ mà quan trọng nhất là hệ điều hành Android cho điện thoại của Huawei.
Các lý do được nêu ra ở đây là vấn đề an ninh. Tuy nhiên, bản chất của nó là các lợi ích, tranh giành sự ảnh hưởng và bảo vệ hay tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của mình.
Nhìn lại quá khứ sẽ thấy nhiều nước áp dụng những rào cản trong thương mại quốc tế hết sức kỳ quái cũng vì những mục đích nêu trên. Ví dụ, Nhật Bản đã từng cản trở hoa tulip của Hà Lan bằng cách yêu cầu rọc từng cây hoa ra để kiểm tra có sâu hay không; và Liên minh châu Âu (EU) từng có quy định chuối và dưa chuột phải thẳng chứ không được quá cong.
Câu chuyện Mỹ đang nhắm vào Huawei cho thấy rủi ro hay thế bất lợi của các nước đi sau khi muốn chen chân vào “mâm trên” hay những mảnh đất màu mỡ. Họ rất dễ bị những nước đang thống lĩnh đưa ra các rào cản với những lý do hay vỏ bọc tưởng chừng rất hay ho bên ngoài.
Thế khó của Việt Nam
Hiện Việt Nam ở thế rất khó vì Mỹ và Trung Quốc đang là hai siêu cường và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam cùng với rất nhiều các vấn đề liên quan khác.
Vị thế và vai trò của Việt Nam trong mắt của chính quyền Tổng thống Donald Trump là rất tích cực. Điều đó thể hiện qua việc Việt Nam được chọn là nơi tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2; những dòng twitter của Tổng thống Donald Trump về các doanh nghiệp sẽ chuyển sang đầu tư ở Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; sự tăng cường mối quan hệ về nhiều mặt.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cũng đang bị áp thuế chống bán phá giá, Việt Nam vẫn chưa được Mỹ công nhận là nước có nền kinh tế thị trường thực thụ và họ có thể vin vào cái cớ này để đưa ra những chính sách khác nữa.
Nói một chút về chính sách tỷ giá của Việt Nam. Như người viết từng phân tích nhiều lần, thực ra Việt Nam đã thiếu khôn ngoan trong nhiều năm qua khi định giá cao đồng tiền của mình gây bất lợi cho chính nền kinh tế Việt Nam. Nếu có một chính sách tỷ giá linh hoạt hơn thì khả năng cao là Việt Nam đã xuất siêu khá nhiều.
Giữ tỷ giá bất lợi cho mình và giờ đây các nước lớn muốn thì cũng lấy đủ lý do để ép chúng ta. Các doanh nghiệp bị áp thuế vô lý có lẽ rất thấm thía điều này.
Đối với Trung Quốc, đây đang là thị trường rất quan trọng, nhất là với các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Theo số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan, năm 2018 Việt Nam xuất sang Trung Quốc hơn 42 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp giúp cho đời sống của hàng chục triệu người dân tốt hơn chiếm một tỷ phần rất lớn. Nông sản của Việt Nam chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Do vậy, chỉ cần Trung Quốc gây khó khăn là rất nhiều hộ gia đình Việt Nam bị ảnh hưởng.
Việc bày tỏ quan điểm về những hành động của nước khác gây ảnh hưởng đến mình là cần thiết. Tuy nhiên, cái khó là làm sao người dân của mình ít bị tác động tiêu cực nhất, nên mỗi quốc gia cần phải khôn khéo.
Cuối cùng, đan xen là khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để coi như là nơi trung chuyển hàng hóa nhằm né thuế và những trừng phạt khác của Mỹ; xét về các hoạt động kinh tế và thu hút đầu tư, nếu không có điều gì xảy ra thì đây là điều tốt cho Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Mỹ lấy cớ và có những biện pháp trừng phạt sẽ bất lợi cho Việt Nam.
Cuộc so găng của Mỹ và Trung Quốc đang rất căng thẳng và khó lường. Đối với tình huống này nói riêng hay các quan hệ đối ngoại nói chung, người viết rất chia sẻ quan điểm của Đại sứ Phạm Quang Vinh, rằng, việc đưa ra quyết định như thế nào trong mỗi trường hợp cần và chỉ cần dựa trên lợi ích quốc gia mà thôi.
Việc Mỹ có các chính sách mạnh tay với Trung Quốc có thể có sự hỉ hả nào đó với các nước khác. Tuy nhiên, Việt Nam phải hết sức thận trọng để không bị vạ lây, gây khó cho mình.