Trái phiếu chính phủ toàn cầu bị bán tháo: Nguyên nhân do đâu, hậu quả ra sao?
Tăng khắp mọi nơi
Theo ghi nhận của CNBC, lợi suất trái phiếu chính phủ toàn cầu nhìn chung đang tăng lên. Ngay đầu tuần này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã chạm mức đỉnh 14 tháng là 4,799% trong bối cảnh nhà đầu tư đánh giá lại tốc độ hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Tại Anh, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm đang dao động quanh mức cao nhất kể từ năm 1998 và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm gần đây vừa đạt mức chưa từng thấy kể từ năm 2008.
Tại Nhật Bản, quốc gia đang nỗ lực bình thường hoá chính sách tiền tệ sau khi chấm dứt môi trường lãi suất âm vào giữa năm ngoái, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 1% và chạm mức cao nhất trong 13 năm vào ngày 14/1, theo dữ liệu của LSEG.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ấn Độ tăng mạnh nhất trong một tháng vào đầu tuần và đang ở gần mức cao nhất trong hai tháng là 6,846%. Tương tự, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của New Zealand và Australia cũng đang gần mức đỉnh hai tháng.
Ngoại lệ duy nhất là Trung Quốc. Giá trái phiếu tại đây vẫn đi lên bất chấp việc giới chức trách tìm cách hạ nhiệt đà tăng. Cần lưu ý là giá trái phiếu diễn biến ngược chiều với lợi suất trái phiếu.
Trong tháng này, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã tụt xuống mức thấp kỷ lục, khiến ngân hàng trung ương phải tạm dừng mua trái phiếu vào ngày 10/1.
Chuyện gì đang xảy ra?
Trao đổi với CNBC, các chuyên gia cho biết thị trường trái phiếu chính phủ đang chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố kết hợp.
Thứ nhất, nhà đầu tư hiện dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn so với trước và đang yêu cầu mức chênh lệch cao hơn để bù đắp cho rủi ro đối với các trái phiếu đáo hạn trong tương lai xa vì họ lo ngại về thâm hụt ngân sách lớn của chính phủ Mỹ.
Tháng 12/2024, giới chức Fed cho biết họ dự kiến chỉ hạ lãi suất hai lần trong năm 2025, giảm một nửa so với triển vọng hồi tháng 9.
Các nhà phân tích nhận định báo cáo việc làm nóng hổi tuần trước đã khiến lộ trình nới lỏng tiền tệ trở nên khó đoán. Báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 256.000 việc làm mới trong tháng 12, vượt con số 212.000 của tháng 11 cũng như dự báo 155.000 của Dow Jones.
Nền kinh tế Mỹ cũng đang tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, đồng nghĩa rằng Fed sẽ có ít hoặc không còn dư địa để cắt giảm lãi suất. Và thị trường trái phiếu đang phản ánh điều đó, ông Ben Emons, người sáng lập FedWatch Advisors, nhấn mạnh.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, khả năng Fed chỉ giảm chi phí đi vay liên ngân hàng một lần trong năm nay đã tăng lên sau báo cáo việc làm.
Chiến lược gia trưởng Steve Sosnick của Interactive Brokers bình luận: “Sau báo cáo việc làm tuần trước, chúng tôi chỉ dự đoán một đến hai đợt giảm lãi suất trong cả năm 2025”.
Ngoài ra, thâm hụt ngân sách phình to cũng đang góp phần gây ra đợt bán tháo, bởi nguồn cung trái phiếu đổ ra thị trường sẽ ngày một tăng.
Chính phủ Mỹ ghi nhận mức thâm hụt ngân sách 129 tỷ USD vào tháng 12/2024, cao hơn 52% so với cùng kỳ năm trước. Tại Anh, nợ ròng của khu vực công hiện tương đương 98% GDP.
Tiếng chuông báo động
Chiến lược gia Sosnick cho biết khi lợi suất tăng cao, tác động đến các chính phủ và doanh nghiệp là rõ ràng. Ông nói: “Chuyện này không hề tốt”.
Trước hết, lợi suất lên cao hơn làm tăng chi phí trả nợ của các chính phủ, đặc biệt là trong trường hợp chính phủ liên tục thâm hụt ngân sách.
Ông Sosnick nhấn mạnh, nếu tình hình trở nên cực đoan hơn, các nhà đầu tư trái phiếu sẽ yêu cầu mức lợi suất cao hơn để chấp nhận giữ trái phiếu, bù đắp cho rủi ro lạm phát trong dài hạn.
“Các nhà đầu tư trái phiếu đang phát đi lời kêu gọi rõ ràng rằng các cơ quan tài chính thế giới cần kiểm soát vấn đề ngân sách, nếu không họ sẽ phải chịu thêm cơn thịnh nộ”, ông Tony Crescenzi, Phó Giám đốc cấp cao của Pimco, nhận xét.
Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC là ông Frederic Neumann còn cảnh báo khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao, một số ngân hàng trung ương khác sẽ khó cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Vị chuyên gia kinh tế lấy trường hợp của Ngân hàng Trung ương Indonesia làm ví dụ. Mới đây, các nhà hoạch định chính sách của quốc gia Đông Nam Á này đã quyết định giữ nguyên lãi suất để chờ đợi động thái từ Mỹ.
Một phân tích khác của HSBC chỉ ra các đồng tiền châu Á còn có nguy cơ sụt giá trên diện rộng. Chênh lệch ngày càng lớn giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và châu Á đang khiến dòng vốn tháo chảy khỏi châu lục này.
Không chỉ chính phủ các nước bị ảnh hưởng khi lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng cao. Chi phí đi vay của nhiều doanh nghiệp được tính theo trái phiếu chính phủ và khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, chi phí đi vay của doanh nghiệp cũng đi lên.
Vì các công ty thường phải chào mời mức lợi suất cao hơn so với trái phiếu chính phủ để thu hút nhà đầu tư, gánh nặng đối với họ có thể sẽ lớn hơn. Ông Sosnick cho biết những hậu quả tiềm tàng đối với doanh nghiệp bao gồm lợi nhuận thấp hơn và mất cơ hội đầu tư.
Hiện tại, các nhà giao dịch trên thị trường trái phiếu chính phủ đang chờ đợi lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào đầu tuần tới.
“Bài kiểm tra thực sự” sẽ diễn ra sau khi ông Trump nhậm chức, khi nhà lãnh đạo 78 tuổi ban hành một loạt chính sách mới về thuế quan và nhập cư. Các nhà kinh tế nhận định các chính sách của ông Trump có thể sẽ kích thích lạm phát đi lên.