TP HCM muốn giữ phần thu ngân sách vượt kế hoạch để làm metro
Kiến nghị nêu trong báo cáo đánh giá tác động nợ công của các dự án đường sắt vừa được UBND TP HCM gửi Bộ Tài chính. Việc giữ lại số thu ngân sách vượt dự toán là một trong 5 nguồn huy động vốn để TP HCM xây dựng hệ thống metro theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị.
Theo tính toán, đến năm 2035 thành phố cần 37,45 tỷ USD thực hiện 6 tuyến đường sắt đô thị tổng chiều dài 183 km, riêng giai đoạn 2026-2030 cần 22,3 tỷ USD. Kinh phí này chiếm 35% vốn đầu tư công trung hạn (dự kiến 62,59 tỷ USD) của TP HCM giai đoạn này.
Thành phố đánh giá vốn cho đề án đường sắt đô thị là rất lớn, nguồn ngân sách địa phương này được hưởng theo phân cấp không đủ đáp ứng nên cần huy động bằng nhiều hình thức khác. Cụ thể, đối với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương, TP HCM đề xuất giữ lại toàn bộ số thu vượt dự toán hàng năm để làm đề án. Điều này vẫn đảm bảo phần thu 79% của ngân sách Trung ương.
Hiện, các nguồn thu cho ngân sách trên địa bàn TP HCM được chia làm ba loại: thu nhưng nộp toàn bộ về Trung ương, ví dụ thuế xuất nhập khẩu; thu và phân bổ về Trung ương và giữ lại một phần, ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp (nộp về Trung ương 79% và giữ lại 21%); được thu và giữ lại toàn bộ, ví dụ nguồn thu từ đất đai.
Như vậy, TP HCM đang xin điều tiết nguồn thu ở nhóm thứ hai. Ở nhóm này, hàng năm Trung ương sẽ giao dự toán thu cho thành phố. Tuy nhiên, qua các năm, thành phố thường sẽ thu vượt vài phần trăm so với nhiệm vụ được Trung ương giao. Theo quy định, số thu vượt này tiếp tục được chia theo tỷ lệ 79% cho Trung ương và 21% cho thành phố.
Nhiều năm qua, TP HCM luôn là địa phương dẫn đầu về số thu và đóng góp vào ngân sách nhà nước và nhiều năm thu vượt. Ví dụ, năm 2021, TP HCM được giao thu gần 364.900 tỷ đồng nhưng thu đạt hơn 381.530 tỷ đồng, vượt gần 17.000 tỷ đồng. Năm 2022, thành phố thu được hơn 471.560 tỷ đồng, đạt 121,99% dự toán. Năm nay, dự toán thu ngân sách trên địa bàn là hơn 482.850 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm, thành phố thu được 371.307 tỷ đồng.