TP HCM tăng trưởng GDRP 7,33% quý III, thu ngân sách 9 tháng đạt hơn 371.000 tỷ đồng
GRDP 9 tháng tăng 6,85%, riêng quý III tăng 7,33%
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024 của Cục Thống kê TP HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 6,85% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông nghiệp giảm 0,8%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 6,62%; khu vực dịch vụ tăng 7,46%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,47%.
Theo đánh giá của Cục Thống kê, kinh tế TP HCM tiếp tục cho thấy tăng trưởng tích cực khi quý sau liên tục cao hơn quý trước, với tăng trưởng GRDP quý III đạt 7,33%, quý II đạt 6,31% và quý I đạt 6,54%.
Chỉ số sản xuất tăng tại cả 4 khu vực
Số liệu từ Cục thống kê TP HCM cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố đang tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ ở cả 4 khu vực. IIP tháng 9 tại TP HCM ước tính tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm nay, IIP tăng 6,9% so với cùng kỳ.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng vốn đăng ký giảm
Tính đến ngày 20/9, TP HCM đã cấp phép 37.808 doanh nghiệp, với vốn đăng ký đạt 294.887 tỷ đồng, tăng 1,6% về giấy phép và giảm 13,9% về vốn so với cùng kỳ.
Phân theo loại hình doanh nghiệp, có 91,6% doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là công ty TNHH, công ty cổ phần chiếm 7,5%, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh chiếm 0,9%.
Phân theo khu vực kinh tế, có đến 82,6% doanh nghiệp thành lập mới hoạt động dịch vụ, 17,1% doanh nghiệp ngành công nghiệp - xây dựng và 0,3% doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 371.000 tỷ đồng
9 tháng đầu năm nay, tổng thu ngân sách Nhà nước của TP HCM ước thực hiện 371.307 tỷ đồng, đạt 76,9% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ các khu vực kinh tế đều tăng khá, góp phần đưa thu nội địa tăng 22,2%.
Thu cân đối ngân sách địa phương 9 tháng ước thực hiện 150.871 tỷ đồng, vượt 7% so với dự toán, chiếm 40,6% tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước và tăng 47,1% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) trong 9 tháng ước thực hiện 56.254 tỷ đồng, đạt 37,5% dự toán và giảm 0,5% so với cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) ước thực hiện 55.047 tỷ đồng, đạt 37,7% dự toán và tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Huy động hơn 3,7 triệu tỷ đồng vốn tín dụng
Tính đến hết tháng 9, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước tính đạt 3,717 triệu tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn huy động bằng VND ước đạt 3,38 triệu tỷ đồng, vốn huy động bằng ngoại tệ ước đạt 337.500 tỷ đồng.
Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM ước đạt 3,736 triệu tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 11,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, phân theo loại tiền tệ, dư nợ tín dụng bằng VND ước đạt 3,599 triệu tỷ đồng, chiếm 96,3% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ; dư nợ ngoại tệ ước đạt 137.000 tỷ đồng, chiếm 3,7%, tăng 0,5% so với tháng trước và giảm 20,4% so với cùng kỳ.
Phân theo kỳ hạn tín dụng, dư nợ ngắn hạn ước đạt 1,77 triệu tỷ đồng, chiếm 47,4% tổng dư nợ tín dụng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ; dư nợ trung hạn, dài hạn ước đạt 1,966 triệu tỷ đồng, chiếm 52,6% tổng dư nợ, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 872.000 tỷ đồng
Cục Thống kê TP HCM cho biết, 9 tháng qua, hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng trưởng ổn định, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tháng 9 ước tăng 4,8% so với tháng trước, tăng 13,5% so với cùng kỳ và tính chung 9 tháng tăng 10,5%.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 108.410 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 872.331 tỷ đồng.
CPI tăng 3,17%, 10/11 nhóm hàng tăng giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại địa phương tháng 9 tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước, mức tăng cao nhất là nhóm giáo dục, tăng 4,85%; giảm nhiều nhất là nhóm giao thông, giảm 2,86%.
Bình quân 9 tháng năm nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,17%, trong đó, 10/11 nhóm có chỉ số giá tăng và tăng cao nhất là nhóm giáo dục với mức tăng 8,02%, kế đến là nhóm thuốc, dịch vụ y tế tăng 7,83%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 3,12%.
Tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP HCM, trong quý III năm nay, trên địa bàn thành phố có nhiều dự án hoàn thành góp phần giảm áp lực giao thông, như: Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), đã hoàn thành hơn 98,4% khối lượng; Dự án tuyến đường sắt Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cơ bản đã hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định bồi thường 584/586 trường hợp, đạt 99,6%; Dự án Thành phần 1 đường Vành đai 3 TP HCM có tổng khối lượng thi công đạt gần 16% giá trị hợp đồng, 4 gói thầu xây lắp chính được khởi công từ tháng 6/2023 đang dẫn đầu về tiến độ…