Tổng Thư kí Hiệp hội Da - Giày - Túi xách: Kỳ vọng cú hích CPTPP đưa kim ngạch xuất khẩu vượt 22 tỉ USD
Việt Nam chi 1,4 tỷ để nhập nguyên, phụ liệu dệt may, da giày từ Trung Quốc 8 tháng đầu năm |
Năm 2018 sắp kết với nhiều kết quả tích hứa hẹn đến với ngành da, giày. Chuẩn bị bước sang năm 2019, ngành sẽ đón những cơ hội cũng như đối mặt với những thách thức nào.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam đã có buổi trao đổi ngắn với phóng viên về vấn đề này.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam. Ảnh: Thương Gia Online |
Bà đánh giá thế nào về tình hình xuất khẩu mặt hàng da giày năm 2018 và triển vọng năm 2019?
Theo kế hoạch đặt ra từ đầu năm, ngành da giày dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 10% năm 2018 lên 19.5 tỷ USD. Cho đến nay hoạt động xuất khẩu của ngành vẫn giữ được tốc độ kế hoạch năm 2018 và dự kiến sẽ vượt mục tiêu.
Sang năm 2019, chúng tôi kì vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 15 - 20% so với năm 2018 lên hơn 22,5 tỉ USD.
Năm 2019, Hiệp hội nhìn nhận động lực của ngành đến nhiều từ những hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP. Đối với các thị trường lớn của ngành thuộc khối CPTPP, kim ngạch xuất khẩu kì vọng sẽ tăng gấp đôi, đặc biệt là Nhật Bản, nơi chiếm tới 60% lượng hàng giày, dép Việt Nam xuất đi nước ngoài.
Tuy nhiên, khó khăn rõ rệt nhất ngành có thể phải đối mặt thời gian tới cũng đến từ các hiệp định thương mại tự do, khi hàng Việt Nam phải đảm bảo các yêu cầu về quy tắc xuất xứ.
Với những doanh nghiệp chuẩn bị tốt không sao, nhưng với doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu sẽ không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu và trượt cơ hội này.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn thụ động trong quá trình tiếp cận khách hàng. Họ gần như chỉ chờ khách hàng chủ tìm đến và đặt ra các điều kiện. Cũng chính từ đó, các doanh nghiệp thiếu tầm nhìn về việc lợi ích của các hiệp định.
Như bà đề cập đến vấn đề yêu cầu đáp ứng quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu, hiện nay tỉ lệ nội địa hóa hàng da, giày Việt Nam là bao nhiêu, thưa bà?
Sản lượng giày, dép mỗi năm của Việt Nam đạt 1,2 tỉ đôi, trong đó 90% phục vụ xuất khẩu và 10% cho nhu cầu trong nước. Những năm qua, Việt Nam tích cực tham gia hội nhập, cũng từ đó yêu cầu xuất xứ hàng hóa cũng tăng lên.
Điều đáng mừng là tỉ lệ nội địa hàng da, giày của chúng ta đã tăng lên 50% so với mức chỉ 35% như trước đây. Việc nhập khẩu nguyên liệu cũng giảm đáng kể. Đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng mở rộng quy mô sản xuất nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất nội địa.
Về nguồn nhân lực, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được, tuy nhiên, năng lực nội tại của các doanh nghiệp vẫn còn yếu. Vì vậy, đây sẽ là khó khăn lớn cho Việt Nam trong việc đáp ứng nguồn nguyên liệu sản xuất cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà đánh giá thế nào mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đối với mặt hàng da giày hiện nay?
Trong chuỗi liên kết giá trị toàn cầu: sản xuất nguyên phụ liệu, thiết kế, sản xuất, logistics, phân phối, chúng ta đang làm tốt nhất khâu sản xuất do lợi thế nhân công. Tuy nhiên, sản phẩm của chúng ta lại có giá trị gia tăng thấp.
Vấn đề liên kết chuỗi là một trong những điểm mấu chốt giúp tăng trưởng xuất khẩu tốt hơn và tăng tỉ lệ nội địa hóa.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn cung từ nước ngoài hoặc nguồn cung từ hệ thống của họ. Điều đó không giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nâng cao năng lực cũng như tiếp cận với chuỗi cung ứng.
Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ mạnh mẽ hơn nhằm nâng sản lượng, chất lượng và quy mô. Khi chúng ta đạt được trình độ ngang với quốc tế, chúng ta có cơ hội gia nhập hệ thống cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ cung cấp thông tin đến nhà mua hàng quốc tế, doanh nghiệp sản xuất lớn, mở rộng nguồn cung giúp doanh nghiệp tiếp cận vào thị trường.
Doanh nghiệp cần làm gì trong năm 2019?
Những doanh nghiệp vừa và nhỏ không được thụ động mà phải cùng khách hàng tham gia nghiên cứu và phát triển sản phẩm, với những vật liệu mới. Điều này giúp những mẫu mã mới được khách hàng chấp nhận. Đây chính là một trong những cách giúp gia tăng giá trị sản phẩm, chúng ta cũng "ăn sâu" vào vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp cũng cần tiếp cận được nguồn thông tin như yêu cầu về sản phẩm, trách nhiệm xã hội khi tiếp cận vào các thị trường nước ngoài.
Nếu không đáp ứng được những yêu cầu này, chúng ta sẽ không thành công. Để làm được điều này, điều quan trọng là hình thành mạng lưới, tiếp cận được những thông tin chính thống.
Cuối cùng, doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược để định vị mình đang ở đâu, mình thiếu cái gì, và thị trường cần gì. Từ đó, xây dựng kế hoạch kinh doanh cho công ty. Hiện nay, tầm nhìn chiến lược vẫn đang là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của bà!
Xem thêm |