|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tổng Giám đốc Xi măng Hà Tiên: Tình hình tiêu thụ xi măng toàn miền Nam giảm 25% quý I, sẽ nâng giá bán nếu giá điện tăng

16:24 | 24/04/2023
Chia sẻ
Cuối năm 2022 và 6 tháng 2023, tổng giám đốc Xi măng Hà Tiên đánh giá thị trường xi măng hết sức khó khăn, riêng quý I tình hình tiêu thụ cả miền Nam giảm 25%. Qua tháng 4 sức tiêu thụ vẫn còn rất yếu. Theo dự báo, 6 tháng cuối năm thị trường sẽ khởi sắc hơn.

 ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Xi măng Hà Tiên diễn ra sáng 24/4. (Ảnh: TN).

Ngày 24/4, CTCP Xi măng  Vicem Hà Tiên (Mã:HT1) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 tại quận 1, TP HCM. Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.

Về cổ tức, năm 2022, cổ đông đã thống nhất mức chia với 4% bằng tiền mặt (400 đồng/cp). Tổng số tiền HT1 cần chi gần 153 tỷ đồng.

Năm 2023, HT1 đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập khác gần 8.987 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 276 tỷ đồng, lần lượt giảm 5% và tăng 7% so với kết quả kiểm toán năm 2022.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty. 

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty.

Công ty đặt mục tiêu sản xuất 4,4 triệu tấn clinker và 6,5 triệu tấn xi măng, lần lượt giảm 0,6% và tăng 1,44% so với năm ngoái.

Với mức sản xuất trên, HT1 đặt mục tiêu tiêu thụ được 530.000 tấn clinker và khoảng 6,74 triệu tấn xi măng, lần lượt tăng 8% và 1%.

Dự báo thị trường xi măng Việt Nam năm 2023, ông Lưu Đình Cường, Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT nhận định tình hình chung vẫn còn nhiều khó khăn do nhu cầu phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của COVID-19; các công trình, dự án cũng bị đình trệ triển khai, thậm chí phải giãn/ hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công  chưa thuận lợi.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng và tăng trưởng âm do lãi suất cho vay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

Trong khi đó, nguồn cung xi măng tiếp tục mất cân đối, nguồn cung vượt cao so với nhu cầu. Cụ thể, trong năm 2023 tiếp tục có một số dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động đưa nguồn cung xi măng lên khoảng 120,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ ở mức từ 64 - 65,5 triệu tấn, dẫn tới cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt.

HT1 dự kiến khung giá bán lẻ điện bình quân tăng, dự báo chi phí phí điện sản xuất và tiêu dùng sẽ tăng trong năm 2023. Đồng thời, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than dự báo vẫn duy trì ở mức cao. 

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu dự báo vẫn khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại (trong đó tại Philippines bị áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng); giá cước vận chuyển cao... Đây là các yếu tố tác động đến kết quả kinh doanh của các công ty xi măng nói chung và HT1 nói riêng.

Ngoài ra, từ ngày 1/1/2023, Việt Nam áp thuế xuất khẩu clinker từ mức 5% lên mức 10% cũng ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu của HT1.

*Thảo luận:

Câu hỏi: Năng lực cạnh tranh của HT1 so với các đối thủ khác ra sao?

Tổng Giám đốc HT1 cho biết, nhiều năm qua, công ty vẫn giữ vững thị phần cao nhất tại thị trường miền Nam, với sản lượng tiêu thụ bình quân chiếm 10% -11% thị trường cả nước. Dù vậy công ty vẫn đối diện nhiều sức ép cạnh tranh từ các đối thủ.

Ông Cường đánh giá nhu cầu tiêu thụ xi măng vẫn còn thấp. Tính bình quân lượng tiêu thụ xi măng trên đầu người Việt Nam là 600 – 650 kg/người, thấp hơn so với các nước khác. Do đó dư địa thời gian tới vẫn còn lớn.

Cuối 2022 và 6 tháng 2023, ông Cường đánh giá thị trường xi măng hết sức khó khăn. Riêng quý I tình hình tiêu thụ xi măng giảm 20%, cả miền Nam giảm 25%.

Tháng 4 những năm trước đây, nhu cầu xây dựng rất lớn, nhưng hiện nay đang rất yếu. Đây là hệ quả của COVID và lạm phát. Ông Cường dự báo 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc, nhờ Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản, tiền tệ, giúp nguồn vốn được khơi thông,...
 
Công ty có dự kiến điều chỉnh giá bán xi măng ra thị trường không?

Ông Lưu Đình Cường cho biết, mong muốn của các đơn vị sản xuất và các công ty đều muốn tăng giá cả, nhưng theo chỉ định của tập đoàn hiện tại cần bình ổn giá, phù hợp với thị trường. 

Ông Cường chia sẻ, khi nào giá điện tăng, lúc đó chủ trương của công ty cũng như các đơn vị thành viên sẽ có điều chỉnh tăng giá bán xi măng để bù đắp.

Tỷ trọng giá than và giá điện chiếm bao nhiêu trong giá thành sản xuất?

Tổng Giám đốc công ty cho biết, trước thời điểm tăng giá than vào tháng 2, tháng 3/2022, tỷ trọng than chiếm từ 40 - 45% giá thành sản xuất clinker, tùy từng đơn vị và tùy giá than tại những thời điểm khác nhau, còn giá điện chiếm 10%.

Trong năm 2022 và hiện nay, giá than đã chiếm tới 56% giá thành sản xuất, còn tỷ trọng của giá điện chiếm tới 35%. Ông Cường nói, so với 2021, giá than tăng lên làm tổng chi phí của HT1 bị đội lên thêm 1.300 tỷ.

 

Công ty đang cung cấp sản phẩm cho những dự án đầu tư công nào?

Ông Cường cho biết, HT1 đã cung cấp xi măng cho Sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Cầu Mỹ Thuận 2 cũng như các tuyến cao tốc của khu vực miền Trung và sắp tới là các tuyến cao tốc từ Cần Thơ, Hậu Giang và các tuyến đường cao tốc khác.

Chiến lược đối với việc mua than nội địa của HT1?

Qua cuộc hoảng năm 2022, hiện HT1 đang mua than nội địa của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang nhỉnh hơn so với than thành phẩm. Nhưng công ty đã có hợp đồng hợp tác chiến lược với TKV để tránh câu chuyện lặp lại về an ninh năng lượng như những năm trước.

 

Minh Hằng