Doanh nghiệp xi măng lớn nhất miền Nam báo lãi cả năm thấp nhất trong một thập kỷ
CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) đang sở hữu 2 nhà máy (gồm nhà máy xi măng Kiên Lương - tỉnh Kiên Giang và nhà máy xi măng Bình Phước - tỉnh Bình Phước) và 3 trạm nghiền xi măng (gồm trạm nghiền Phú Hữu - TP.HCM, Cam Ranh - tỉnh Khánh Hòa và Long An - tỉnh Long An) với tổng công suất hơn 4,6 triệu tấn clinker và 7,5 triệu tấn xi măng/năm. Đây cũng là nhà sản xuất xi măng lớn nhất miền Nam hiện nay.
Tuy nhiên trong bối cảnh ngành xây dựng, bất động sản chưa phục hồi rõ rệt khiến nhu cầu yếu, giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào leo thang, cộng với thêm nguồn cung dư thừa, Xi măng Hà Tiên nói riêng và những công ty trong ngành đều đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 100 năm qua.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, doanh thu thuần của CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) đạt 1.783 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022 do sản lượng sụt giảm hơn 17%.
Trong kỳ, biên lãi gộp nhích nhẹ từ 9% cùng kỳ lên 10% nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn mức giảm của doanh thu.
Chi phí tài chính giảm 33%, còn các chi phí hoạt động đều bị đội lên, khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp còn 54 tỷ đồng, giảm gần 7% so với quý cuối năm 2022. Dù vậy kết quả này cũng đã khả quan hơn mức lỗ 10 tỷ đồng của quý III/2023.
Lũy kế 2023, doanh thu thuần của Xi măng Hà Tiên đạt hơn 7.049 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2022. Do lỗ hai quý trong năm, nên cả năm, công ty chỉ lãi 17 tỷ đồng, giảm tới 93% so với cùng kỳ và là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Những năm trước, công ty đều có lãi hàng trăm tỷ đồng.
So với kế hoạch năm, Xi măng Hà Tiên mới thực hiện được 78% chỉ tiêu tổng doanh thu và 6% mục tiêu lãi sau thuế.
SSI Research dự báo quý I/2024 mức tiêu thụ xi măng trong nước sẽ ở mức thấp do các yếu tố mùa vụ (nghỉ Tết Nguyên đán) và nhu cầu vẫn ở mức yếu. Tuy nhiên, từ quý II/2024, các nhà phân tích kỳ vọng sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi.
Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn (như Sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và miền Nam) có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Xi măng Hà Tiên đạt hơn 8.623 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó hàng tồn kho là 846 tỷ đồng, giảm 19% và chiếm gần 10% tổng tài sản.
Cuối năm, công ty ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 1.061 tỷ đồng, trong đó liên quan đến các dự án đang xây dựng như dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên - nhà máy xi măng Bình Phước (200 tỷ đồng), dự án đường BOT Phú Hữu (538 tỷ đồng), dự án tại Kiên Lương (250 tỷ đồng).
Tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng tại cuối kỳ khoảng 623 tỷ đồng, trong khi đó, dư nợ đi vay ở mức 1.578 tỷ đồng, hoàn toàn là vay ngắn hạn. Năm ngoái, doanh nghiệp đã đi vay gần 5.039 tỷ đồng và trả nợ gốc vay 5.306 tỷ.
Ngoài ra, công ty xi măng này còn ghi nhận khoản mục nợ phải trả người bán ngắn hạn xấp xỉ 1.231 tỷ đồng và khoảng 1/3 trong số này là phải trả cho các bên liên quan trong nhóm thành viên thuộc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM).
Cuối kỳ, vốn chủ sở hữu là 4.832 tỷ đồng, với 918 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển và 17 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.