|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Masan: Tiếp tục mục tiêu 'kết nối vạn nhu cầu', đưa hệ thống Masan ra ngoài Việt Nam

09:28 | 24/04/2023
Chia sẻ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, HĐQT Masan trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu gần 100.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng trình cổ đông thông qua nhiều phương án huy động vốn quan trọng.

Sáng ngày 24/4, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group - Mã: MSN) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 với số cổ đông tham dự cuộc họp đại diện cho gần 1,3 tỷ cổ phần của Masan, tương ứng 87,5% lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. 

Quang cảnh đại hội. (Ảnh: Đăng Nguyên).

Tiếp tục mục tiêu phục vụ đa nhu cầu

Chia sẻ với cổ đông, ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan cho rằng nhu cầu của người tiêu dùng đang phát triển rất nhanh và có thêm nhiều nhu cầu khác. Masan hướng đến tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng, tăng trưởng kinh doanh cả kênh hiện đại lẫn truyền thống và xây dựng hệ thống không những cung cấp nhu yếu phẩm mà tiến tới phục vụ nhu cầu khác, xa hơn của người tiêu dùng.”

2023-2025 là giai đoạn tăng tốc cho các động lực tăng trưởng, công ty hướng đến mục tiêu 2-3 tỷ doanh thu từ các nhu cầu dịch vụ thiết yếu, 50 triệu USD từ dịch vụ tài chính và 100 triệu USD từ nhu cầu về lifestyle.

Hiện nay, Masan chiếm 50% thị phần mạng lưới cửa hàng bán lẻ hiện đại và 92% cửa hàng mở mới năm 2022 đã hoà vốn. Chi phí để thu hút khách hàng của hệ thống của hàng Win đang cải thiện, tốn khoảng 3-5 USD để thu hút một khách hàng mới.

Từ cửa hàng bán lẻ hiện đại phục vụ nhu yếu phẩm, Masan cũng đang mở rộng phục vụ nhu cầu khác như Phúc Long hay thí điểm Dr.Win và dịch vụ tài chính của Techcombank. Với Dr.Win đang có tốc độ tăng trưởng 30%/năm.

Bên cạnh đó, có 2.000 tài khoản Techcombank mở mới mỗi ngày tại hệ thống Winmart và Tập đoàn hướng tới mục tiêu mở mới 5.000-6.000 tài khoản/ngày vào tháng 12 năm nay. Mục tiêu đưa đến 5 triệu khách hàng mới cho Techcombank trong 2-3 năm tới.

Công ty còn hướng đến làm chủ hệ thống kho bãi và phân phối với việc thành lập The Supra giúp giảm chi phí/đơn hàng và tỷ lệ phủ hàng hoá tốt hơn.

Về sự hợp tác giữa Wincommerce và Lazada, ông Danny Le tự tin có thể mang đến thành công dựa trên cơ sở là những đơn vị hàng đầu về hệ thống bán hàng offline và online.

Nói thêm về kế hoạch của Wincommerce, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc Wincommerce cho biết công ty hướng đến đạt 10.000 của hàng trong tương lai.

Năm nay, Wincommerce đặt mục tiêu mở mới 800 cửa hàng mới và xây dựng các mô hình tương ứng cho khu vực thành thị, nông thôn. Với doanh thu 400 triệu đồng/tháng thì một cửa hàng Winmart ở nông thôn đã có thể sinh lời,  bà Phương cho hay.

Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc The CrownX: “Giai đoạn 2023-2027, Masan Consummer hướng tới mục tiêu doanh thu 80.000-100.000 tỷ đồng, với thị trường trong nước chiếm 85% và nước ngoài chiếm 15%.

Ông Thắng cho rằng các sản phẩm về đồ uống và hoá mỹ phẩm rất khó có thể đưa ra thế giới nhưng các sản phẩm của Chinsu, Omachi, Vinacafe sẽ được đẩy mạnh đưa ra thị trường nước ngoài, Masan chỉ làm những sản phẩm Việt Nam có lợi thế. 

Đến năm 2027, Masan có thể bước chân đưa hệ thống ra ngoài Việt Nam. Công ty cũng đưa ra mô hình Consummer Innovation Center (CIC) và chính thức vận hành tại trung tâm ở KCN Tân Bình trong quý III/2022.

"Mô hình này giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng và cho phép phát triển các sản phẩm mới trong vòng 4-6 tuần. Trong năm nay, Masan Consummer sẽ đưa ra nhiều sản phẩm mới với tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với hiện nay (dưới 40%) và hướng tới doanh số 32.000-34.000 tỷ đồng (Doanh thu Masan Consummer năm 2022 là 27.178 tỷ đồng -  PV), ông Thắng nói.

Chương trình Hội viên của WIN 

Một trong những chiến lược nhằm thực thi tầm nhìn "kết nối vạn nhu cầu" của Masan Group là Chương trình Hội viên của WIN cũng được Masan đề cập đến trong kỳ đại hội lần này. 

Theo ông Danny Le, mô hình này không chỉ là tích điểm như mô hình truyền thống mà còn giúp Tập đoàn thấu hiểu nhu cầu của người tiêu dùng thông qua dữ liệu có được, qua đó cung cấp các chương trình khuyến mại, giảm giá mặt hàng phù hợp được cá nhân hóa cho họ, kết hợp với Techcombank để thanh toán tiện lơi hơn.

Theo số liệu Masan công bố, chương trình này đã đạt được 4 triệu hội viên đăng ký với 2 triệu hội viên hoạt động hàng tháng. Chi phí thu hút khách hàng chỉ 3-5 USD so với con số 15 USD của các nền tảng khác.

Tần suất quay lại hàng tháng đã tăng 3,3x so với 2,2x hồi tháng 1, trung bình 165.000 đồng/đơn. Doanh thu cho MeatDeali đến từ hội viên là 87%, Wineco là 70%. Các Hội viên cũng góp 5% tăng trưởng doanh thu cho sản phẩm của Masan Consumer; đơn hàng MeatDeli tăng trưởng 37%, đơn hàng cho WinEco tăng trưởng 19% so với tháng 1/2023.

Ông Danny Le kỳ vọng chương trình Hội viên cũng chính là cánh cổng tiếp cận sản phẩm dịch vụ tài chính. Cửa hàng Winmart mở số lượng tài khoản tương đương một chi nhánh ngân hàng, với gần 2.000 tài khoản Techcombank được mở mới mỗi ngày tại hệ thống Winmart, 100.000 tài khoản Techcombank mở mới trong 6 tháng.

Mục tiêu doanh thu gần 100.000 tỷ đồng

Tại cuộc họp, HĐQT công ty trình cổ đông về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần từ 90.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 18% - 31% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế trong khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4% - 30% so với năm 2022.

(Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ báo cáo tài chính của Masan Group). 

(Nguồn: Đăng Nguyên tổng hợp từ báo cáo tài chính của Masan Group).  

Chia cổ tức năm 2022 tỷ lệ 8%

HĐQT Masan đề xuất chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 8% (800 đồng/cổ phiếu) và công ty đã thực hiện việc thanh toán vào tháng 7/2022 với tổng số tiền gần 1.139 tỷ đồng. 

Đối với năm 2023, Masan đề nghị cổ đông uỷ quyền cho HĐQT, tùy thuộc vào kết quả kinh doanh, kế hoạch kinh doanh và đảm bảo tối ưu hóa dòng tiền, được toàn quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến việc tạm ứng cổ tức năm 2023, bao gồm việc có hoặc không có thực hiện tạm ứng cổ tức, mức tạm ứng cổ tức, thời gian, phương thức chi trả và các vấn đề khác liên quan đến tạm ứng cổ tức cho cổ đông.

 Huy động tối đa 500 triệu USD trái phiếu quốc tế 

HĐQT còn trình cổ đông về việc phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế với giá trị tối đa 500 triệu USD và giá phát hành bằng với mệnh giá 100.000 USD/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền.

Tỷ lệ chuyển đổi, lãi suất trái phiếu, giá chuyển đổi, thời hạn chuyển đổi sẽ được cổ đông xem xét ủy quyền cho HĐQT quyết định, thời gian thực hiện trong năm 2023 hoặc sang năm 2024.

Masan cho biết, số tiền thu được sẽ được dùng để thực hiện các chương trình và dự án đầu tư của công ty (bao gồm góp vốn hoặc mua lại cổ phần tại các công ty con); bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của Tập đoàn.

Quyền chuyển đổi sẽ được quy định trong văn kiện của trái phiếu, giá chuyển đổi không thấp hơn giá trị sổ sách dự theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc soát xét gần nhất. Tỷ lệ chuyển đổi do HĐQT tính toán dựa trên giá chuyển đổi.

Chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành ESOP

Masan còn dự kiến chào bán cổ phiếu riêng lẻ trong năm 2023 hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, sau khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo báo cáo tài chính năm hợp nhất đã được kiểm toán gần nhất của công ty.  

Cụ thể, công ty dự định chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông với tỷ lệ tối đa 10% tổng số cổ phần đang lưu hành vào thời điểm chào bán. HĐQT quyết định tổng số lượng cổ phần chào bán cụ thể và số lượng cổ phần chào bán cho từng nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Ngoài ra, Masan cũng có phương án chào bán riêng lẻ cổ phần ưu đã cổ tức với tỷ lệ tối đa 10% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán. Cổ phần được chào bán cho không quá 99 nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. 

Tổng lượng phát hành cổ phần trong cả hai phương án đều không vượt 10% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành của Masan tạn thời điểm chào bán.

Trong 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành, cổ phần ưu đãi không được hưởng cổ tức. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi cổ phần ưu đãi tối đa là 10%/năm. Ngoài cổ tức cố định, mỗi cổ phần ưu đãi sẽ được nhận cổ tức tương đương với mỗi cổ phần phổ thông (nếu có). Cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết.

Mỗi cổ phần ưu đãi được phép chuyển đổi thành một cổ phần phổ thông tại bất kỳ thời điểm nào sau ngày phát hành trên cơ sở yêu cầu của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi và theo quyết định của HĐQT. 

Công ty có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi tại bất kỳ thời điểm nào sau khi tròn một năm kể từ ngày phát hành. Giá mua lại một cổ phần ưu đãi không thấp hơn giá phát hành và không cao hơn 300.000 đồng/cổ phiếu.

Giá mua lại sẽ được điều chỉnh cho các khoản chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và các khoản phân phối bằng cổ phiếu mà công ty đã trả, cũng như các sự kiện gộp hay chia tách cổ phiếu, chi trả cổ tức bằng tiền và các sự kiện tương tự. 

Song song đó, HĐQT Masan dự kiến trình cổ đông phương án phát hành cổ phần ESOP với số lượng cổ phiếu tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty.

Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 87% so với giá cổ phiếu MSN đang giao dịch là 77.300 đồng/cổ phiếu (chốt phiên sáng 4/4). Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Thay đổi thành viên đại diện của SK Investment tại HĐQT

ĐHĐCĐ Masan cũng sẽ thông qua đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Ji Han Yoo. Ông Ji Han Yoo có quốc tịch Hàn Quốc, tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA), Đại học Quốc gia Seoul (Seoul National University). Ông được bổ nhiệm vào HĐQT của Masan vào tháng 4 năm ngoái.

Hiện tại, ông Ji Han Yoo đang là Phó Chủ tịch, Giám đốc Nhóm đầu tư số 2 của SK Supex Council. Đồng thời, ông Yoo cũng đang là Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc của SK Investment Vina I Pte Ltd và SK Investment Vina II Pte Ltd.

Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ bổ sung, Masan đã công bố danh sách đề cử vào vị trí Thành viên HĐQT để bầu bổ sung cho nhiệm kỳ 2019 – 2024 là bà Chae Rhan Chun.

Bà Chae Rhan Chun sinh năm 1979, là cử nhân Korea University, đồng thời là Thạc sỹ, MBA tại Đại học Chicago Booth School of Business.

Bà Chae Rhan Chun từng có kinh nghiệm 2 năm làm việc tại Union Bank of California. Từ năm 2005 đến 2010, bà đảm nhiệm vị trí phân tích tín dụng tại lần lượt hai nhân hàng China Construction Bank và Standard Chartered Bank. Giai đoạn 2013 - 2016, vị ứng viên này công tác tại J.P.Morgan.

Từ 2016 đến nay, bà Chae Rhan Chun là Giám đốc khu vực Việt Nam của SK SUPEX Council. Đồng thời bà hiện đang giữ chức Giám đốc tại SK Investment Vina III Pte. Ltd, tại MSN Investment Pte. Ltd và tại Maroon Bells Joint Stock Company.

Theo công bố, bà Chae Rhan Chun đại diện cho phần vốn của SK Investment Vina I Pte. Ltd với hơn 131,8 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 9,26% vốn điều lệ của Tập đoàn Masan.

Thảo luận:

Lợi thế cạnh tranh của Wincommerce là gì?

Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc Wincommerce: Wincommerce tập trung vào chất lượng hàng hoá, mang đến trải nghiệm cho người tiêu dùng (phát triển dịch vụ cá nhân hoá) và tính tiện ích. Bên cạnh đó là chương trình membership và chính sách giá cạnh tranh so với thị trường.

Chiến lược 3 năm tới của Masan Meatlife là gì?

Ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng Giám đốc Masan Meatlife (MML): MML có 5 chiến lược cụ thể.

Thứ nhất, duy trì vị thế số một của thịt mát Meat Deli. Thứ hai, chính sách giá cạnh tranh với đối thủ bên ngoài để gia tăng thị phần. Thứ ba, đầu tư R&D để tạo ra sản phẩm mới. Thứ tư, tập trung gia tăng tỷ lệ thịt chế biến sẵn. Thứ năm, giảm chi phí vận hành và chi phí tiết kiệm được sẽ dành cho R&D và đào tạo nhân viên.

Định vị của Phúc Long trong thị trường hiện nay? Kế hoạch và lợi thế cạnh tranh của Phúc Long là gì?

Đại diện doanh nghiệp: Khách hàng mục tiêu của Phúc Long vẫn là khách hàng trẻ nên vẫn liên tục có khách hàng mới.

Để thu hút nhóm khách hàng này, Phúc Long sẽ liên tục xây dựng thương hiệu và hướng đến dịch vụ cá nhân hoá, có những hoạt động cao cấp hoá các dòng sản phẩm.

Trong nước, lĩnh vực cà phê có nhiều đối thủ nhưng thị trường trà thì Phúc Long có lợi thế mạnh, do đó, đây sẽ là cơ hội. Còn với việc phát triển ra toàn cầu thì trong năm nay, bước đầu tiên sẽ là xây dựng quy chuẩn, quy trình đi ra toàn cầu.

Masan Consumer sẽ làm gì để kích thích chi tiêu người tiêu dùng?

Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc The CrownX:  Masan sẽ tìm những nhu cầu của người tiêu dùng chưa được đáp ứng tốt nhất, tiếp tục hành trình đưa ra sản phẩm chất lượng, tốt hơn về hình thức mà người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền.

Đối với các sản phẩm nằm trong nhu cầu tối thiểu thì tiết giảm chi phí không cần thiết để đưa giá bán hợp lý nhất.

Masan sẽ xây dựng agency bên trong công ty để tự sản xuất nội dung kỹ thuật số, tương tác với người tiêu dùng nhanh và hiệu quả hơn. Mục tiêu cuối năm nay, ngân sách cho tiếp thị số và truyền thống là 50-50.

Quý I, Masan Consumer tăng trưởng doanh thu 16% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến trong 6 tháng đầu năm thì doanh thu tăng 20% và lợi nhuận tăng 25% so với cùng kỳ.

Thời gian tới mảng nào dẫn dắt tăng trưởng Masan Consumer?

Ông Trương Công Thắng: Năm 2023, các ngành hàng của Masan Consumer tăng trưởng hai con số và có thể giữ được trong 2-3 quý tới.

Từng ngành hàng có tốc độ và mục tiêu tăng trường khác nhau, trong đó, lĩnh vực nước uống, hoá mỹ phẩm sẽ phát triển nhiều, bia cũng sẽ có sự bùng nổ trong một thời điểm nhất định, thức ăn tiện lợi như đưa mì Omachi từ 15% thị phần hướng đến mục tiêu chiếm 30% thị phần.

Ngoài ra, Masan cũng sẽ đi vào các mảng như “hot and spicy” và “ready to cook”.

Masan Consumer có dự định mở sang thị trường Trung Quốc không?

Ông Trương Công Thắng: Hiện tại, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc có quy mô khiêm tốn do không xác định là thị trường trọng điểm. Tuy nhiên, thời gian tới, thị trường này nằm trong chiến lược phát triển chung (go global). Trong đó, tại Trung Quốc, sản phẩm cà phê có tiềm năng lớn nhưng tương ớt, nước mắm thì không có nhiều tiềm năng.

Bên cạnh đó, các sản phẩm của Omachi cũng có thể đóng góp tăng trưởng tại thị trường này.

Chia sẻ chiến lược lại The Supra?

Bà Đỗ Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Tài Chính Masan Group: Tiền thân của đơn vị này là một bộ phận của Wincommerce và Masan sở hữu 100% The Supra. Bên cạnh giúp phát triển hệ thống supply chain cho nội bộ, đơn vị này cũng sẽ đáp ứng nhu cầu của các công ty bên ngoài.

Bà Nguyễn Thị Phương: The Supra đang có tỷ lệ ứng dụng số hoá 90%. Mục tiêu 3-5 năm tới, The Supra sẽ trở thành công ty logistics số một tại Việt Nam.

Năm nay 2023, Masan có định chia cổ tức không?

Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan: Công ty sẽ cân nhắc nếu dòng tiền tốt và không có khủng hoảng trên thị trường vốn, cũng như suy thoái kinh tế tại Việt Nam và toàn cầu.

Masan High-tech Materials có kế hoạch hợp tác với nhà sản xuất xe điện trong nước không?

Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials, ông Craig Bradshaw: Trong năm 2022 đã đầu tư vào Nyobolt (Anh). Họ đã phát minh ra công nghệ pin sạc nhanh và bền. Công ty đã thoả luận với các đối tác và sẽ thương mại hoá sản phẩm này.

Hiện tại, công ty chưa làm việc với Vinfast về việc ứng dụng công nghệ của Nyobolt, nhưng đây là một khách hàng tiềm năng.

Bên cạnh đó còn có những nhà sản xuất tiềm năng khác như Mercedes,… cũng có thể hưởng lợi từ công nghệ này. Bên cạnh đó, nhìn chung, sản phẩm của Nyobolt cũng nằm trong chiến lược “kết nối vạn vật nhu cầu” của Masan.

Khi nào Masan Meatlife có lãi và tình hình kinh doanh quý I. Cơ cấu doanh thu theo sản phẩm cảu Masan Meatlife trong năm 2023.

Ông Nguyễn Quốc Trung: Quý I, Masan Meatlife (MML) tăng trưởng doanh thu 13% so với cùng kỳ và EBITDA đạt điểm hoà vốn.

Việc thực thi chiến lược giảm giá cho thị heo, thị gà và diễn biến giá heo hơi, giá gà rất xấu cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận trong quý I. Nhưng EBITDA đạt điểm hoà vốn sẽ là tiền đề cho kế hoạch của công ty trong thời gian tới.

Về tổng doanh thu kế hoạch năm 2023 của riêng MML (bao gồm Masan Chinsu) là 8.500 – 9.000 tỷ đồng. Riêng, Masan Chinsu khoảng 3.000 tỷ đồng và MML là 6.500 tỷ, trong đó mảng heo (fresh pork) là 2.500 tỷ đồng, thịt gà (frech chicken) 1.200 tỷ đồng, hàng chế biến hơn 300 tỷ đòng và hơn 1.000 tỷ đồng sản phẩm từ trại heo, hơn 1.000 tỷ đồng sản phẩm từ trại gà.

Kế hoạch tài chính năm nay của tập đoàn?

Ông Michael Hung Nguyen, Phó Tổng Giám đốc Masan: Kế hoạch kinh doanh năm nay nhắm đến mục tiêu doanh thu 90.000-100.000 tỷ đồng và lợi nhuận 4.000-5.000 tỷ đồng cho cả tập đoàn. Nhiều sự tăng trưởng sẽ đến trong quý II, khi nền kinh tế khởi sắc.

Sự tăng trưởng doanh thu sẽ cao hơn lợi nhuận vì năm nay, một số chi phí cũng như lãi suất sẽ cao hơn.

Công ty cũng sẽ nghiên cứu, làm việc với các đối tác tiềm năng để thực hiện M&A, hướng đến các thương hiệu có thể đồng hành với triết lý của Masan và sẽ thận trọng trong phân bổ nguồn vốn. Bên cạnh đó, Masan đã có hành động kịp thời trong quản lý các khoản nợ để đảm bảo nguồn vốn hoạt động.

Chia sẻ kế hoạch lợi nhuận của Wincommerce?

Bà Nguyễn Thị Phương: Để tăng trưởng lợi nhuận sẽ dựa vào tăng trưởng doanh thu. Trong đó, tăng trưởng doanh thu dựa vào mở mới cửa hàng, chính sách membership, tăng trưởng concept và các dịch vụ công thêm như tài chính. Bên cạnh đó là phát triển các sản phẩm riêng và tiết giảm chi phí vận hành, logistic dựa vào số hoá doanh nghiệp.

Trustsocial đóng góp vào những lĩnh vực kinh doanh nào của Tập đoàn trong thời gian qua?

Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan: Năm vừa rồi, Masan kết hợp với Trustsocial xây dựng nền tảng để hiểu người tiêu dùng dựa trên công nghệ AI và machine learning. Winnie là sản phẩm đầu tiên trên hành trình của Masan và Trustsocial. Bên cạnh đó, công ty còn phối hợp với Trustsocial để phát triển thẻ tín dụng cho khách hàng tại thị trường Việt Nam.

Kế hoạch đưa giá cổ phiếu quay lại giá 160.000 đồng/cổ phiếu?

Ông Danny Le: Đây là một vấn đề khó và là một hành trình trung hạn. Tuy nhiên, trong quý II đến IV, sự tăng trưởng doanh thu của Masan sẽ có những kết quả rõ ràng. Bên cạnh đó, sự kết hợp của chương trình hội viên của công ty với hệ sinh thái của Techcombank sẽ mang lại nhiều giá trị. Ngoài ra, công ty đang xem xét cách tăng vốn chủ sở hữu, giảm tỷ lệ nợ, cân đối P&L (Profit and Loss).

Cập nhật tiến độ IPO The CrowX?

Ông Danny Le: Kế hoạch trước đây là IPO vào năm 2023. Tuy nhiên với bối cảnh môi trường vốn hiện nay, kế hoạch này có thể diễn ra vào năm 2024-2025.

Chia sẻ thêm về sự hợp tác với Lazada?

Ông Danny Le: Tháng 6, công ty sẽ có thông báo chính thức về sự hợp tác giữa Masan và Lazada.

Chiến lược “go global” của Masan Consumer (MCH) năm nay khác thế nào với các năm trước?

Ông Trương Công Thắng: Các sản phẩm chiến lược đưa ra thị trường thế giới tập trung vào thế mạnh của Việt Nam gồm thực phẩm, gia vị, cà phê.

Tuy nhiên, công ty không chỉ tập trung vào sản phẩm vì sản phẩm thì đối thủ cũng có thể sản xuất được, do đó, công ty sẽ xây dựng thương hiệu. Như sản phẩm tương ớt Chinsu đã bán được trên Amazon với giá 10 USD/sản phẩm và vào được Amazon, công ty cũng sẽ biết cách đưa sản phẩm vào các hệ thống khác.

Trong 20 năm nữa, doanh số thị trường nước ngoài có thể chiếm 70-80% doanh số của Masan Consumer.

Kế hoạch phát triển của Masan Consumer là gì?

Ông Trương Công Thắng: Masan Consumer đặt mục tiêu doanh thu 50.000 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận hoạt động 20% vào năm 2025. Công ty sẽ tung ra 12 nhãn hiệu mới trong ba năm tới. Gia vị tiện lợi, thực phẩm và đồ uống sẽ đóng góp khoảng 80% trong con số 50.000 tỷ đồng.

Các ngành hàng hoá mỹ phẩm, thịt chế biến và bia sẽ là động lực tăng trưởng trong tương lai. Như vậy tới năm 2025, ngành hoá mỹ phẩm không phải là trọng điểm nhưng đến năm 2027, mảng này sẽ là một trụ cột lớn trong bức tranh kinh doanh của công ty.

Masan Consumer là gì để giảm áp lực lạm phát lên chi chí sản xuất?

Bà Đỗ Thị Quỳnh Trang: Công tác lập kế hoạch phải ước tính gần đúng nhất với nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó đưa ra kế hoạch từ sớm, làm việc với các nhà cung cấp để có giá tốt. Công ty cũng làm việc với các ngân hàng để có giải pháp phòng ngừa với giá đầu vào của nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, là nghiên cứu phương án tối ưu hoá chi phí vận hành.

Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình đều được thông qua.

Đăng Nguyên

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...