|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Danny Le: Trong ngắn hạn Masan High-Tech Materials (MSR) chưa có kế hoạch trả cổ tức, tiết lộ một số đối tác chiến lược đang muốn rót vốn

17:23 | 18/04/2023
Chia sẻ
Người đứng đầu Masan High-Tech Materials chia sẻ trong ngắn hạn, công ty chưa có kế hoạch chi trả cổ tức vì cần tập trung phát triển các chiến lược của công ty.

Sáng 18/4 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của CTCP Masan High-Tech Materials (Mã: MSR).

Tổng số cổ phần tham dự họp là hơn 1,06 tỷ cổ phần, chiếm hơn 96% số cổ phần đang lưu hành. (Ảnh: HK).

Trong bối cảnh dự báo sẽ còn nhiều khó khăn do tình hình bất ổn, áp lực lạm phát toàn cầu, MSR đặt ra hai kịch bản kinh doanh.

Kịch bản thứ nhất, MSR đặt mục tiêu 16.500 tỷ đồng doanh thu tăng 6% so với cùng kỳ và bỏ ngỏ con số lợi nhuận. Kịch bản thứ hai, công ty lên kế hoạch 18.200 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng; tăng lần lượt 17% và 186% so với năm ngoái.

  Nguồn: HK tổng hợp từ Wichart và tài liệu ĐHĐCĐ thường niên của MSR.

 Nguồn: HK tổng hợp từ Wichart và tài liệu ĐHĐCĐ thường niên của MSR.

Về việc tạm ứng cổ tức năm 2023, ĐHĐCĐ đã thông qua việc giao và cho phép HĐQT ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng Giám đốc tùy thuộc vào kế hoạch kinh doanh và đảm bảo tối ưu hóa dòng tiền, quyết định tỷ lệ tạm ứng cổ tức cụ thể, thời gian, phương thức chi trả và các vấn đề khác liên quan đến tạm ứng cổ tức.

Còn năm 2022, doanh nghiệp sẽ không chi trả cổ tức. Lợi nhuận sau thuế  chưa phân phối tính tới cuối năm 2022 là 3.031 tỷ đồng.

Chào bán riêng lẻ tối đa 110 triệu cổ phiếu

Năm 2023, MSR dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 10% tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty (vào thời điểm chào bán) cho không quá 99 nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Hiện công ty có gần 1,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tương đương số cổ phần chào bán riêng lẻ tối đa là 110 triệu cổ phiếu.

Công ty có thể chào bán một hoặc nhiều lần vớigiá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo báo cáo tài chính năm hợp nhất đã được kiểm toán gần nhất của công ty.

Thời điểm chào bán là trong năm 2023 hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ phục vụ cho các mục đích chung, nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động của công ty; đầu tư góp vốn vào các công ty con; nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh của công ty; và/hoặc tối ưu hóa bảng cân đối kế toán của công ty; và/hoặc phục vụ M&A.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án phát hành tối đa 1% tổng số cổ phiếu đang lưu hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương đương gần 11 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp, tương đương giá cổ phiếu MSR kết phiên 18/4 (10.300 đồng/cp).

Thời điểm phát hành sẽ do HĐQT quyết định sau khi được UBCKNN chấp thuận. Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm, kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Ngoài ra, đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm ông Akira Osada – thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đồng thời, bầu bổ sung ông Tadakazu Ohashi (quốc tịch Nhật) làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016 – 2024.  

Ông Tadakazu Ohashi sinh năm 1966, hiện đang làm Giám đốc R&D củaMitsubishi Materials Corporation.

Thảo luận:

Ban lãnh đạo của MSR trả lời câu hỏi của cổ đông trong phiên thảo luận. (Ảnh: HK).

MSR có cơ hội nào để hợp tác với VinFast - nhà sản xuất xe điện của Việt Nam hay không?

Lãnh đạo MSR: Đây không phải là lĩnh vực kinh doanh chính của MSR. Năng lực cạnh tranh cốt lõi của MSR là cung cấp giải pháp về pin cho thiết bị điện, xe điện thông qua công nghệ pin Nyobolt.

Trong tương lai dài hạn, rõ ràng sẽ có những cơ hội giữa MSR và VinFast. MSR cũng đã cung cấp vật liệu cho các nhà sản xuất xe điện khác và tương lai đương nhiên cũng sẽ có cơ hội cung cấp dịch vụ pin xe điện cho Vinfast.

Ảnh: HK chụp từ slide ở ĐHĐCĐ thường niên.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới việc phát triển bền vững, chiến lược của công ty ra sao đối với việc sản xuất xanh và ESG (Environmental – Social – Governance tức Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp)?

Lãnh đạo MSR: MSR đã có những hoạt động cụ thể như sau để giảm thiểu phát thải carbon:

Ở Đức, MSR có những tiêu chuẩn được đưa ra và những chứng nhận thân thiện môi trường. Ngoài ra, MSR cũng đo lường phát thải carbon và đang có một dự án lớn để có thể tự chủ được điện năng và chuyển hẳn qua dùng năng lượng tái tạo.

Trong hoạt động tái chế pin, công ty đã ứng dụng mô hình khép kín, cố gắng đảm bảo việc tái chế không chỉ hiệu quả về mặt kỹ thuật mà còn phải thân thiện, không gây tác động tới môi trường. 

Các sản phẩm cụ thể nào sản xuất ra khi đầu tư vào Nyobolt?

Lãnh đạo MSR: Hiện nay MSR đang hỗ trợ cho Nyobolt trong việc R&D. Từ những lợi thế có sẵn của họ trong sản phẩm pin Li-ion và MSR đang giúp họ đăng ký sở hữu trí tuệ,...

Với những kinh nghiệm của MSR, công ty cũng đang hỗ trợ họ tìm kiếm khách hàng. Các sản phẩm của Nyobolt có nhu cầu rất lớn với nhiều khách hàng. Chỉ vài tháng nữa thôi, sẽ có nhiều hợp đồng được ký kết liên quan tới sản phẩm cụ thể giữa sự hợp tác giữa MSR và Nyobolt.

Tháng 7/2022, thông qua H.C. Starck (HCS), MSR đã quyết định thực hiện thỏa thuận đầu tư 45 triệu bảng Anh (1.342 tỷ đồng)để đầu tư vào Nyo - bolt Limited (Nyobolt) - một công ty ở Anh chuyên cung cấp giải pháp pin Li-ion sạc nhanh mật độ năng lượng cao, sử dụng hợp chất Vonfram – Đồng Niobi.

Tính tới cuối năm 2022, MSR sở hữu 21,5% cổ phần ở Nyobolt.

Nyobolt có đóng góp doanh thu như thế nào cho MSR?

Lãnh đạo MSR: Về sản xuất chưa kích hoạt, chưa sản xuất ở quy mô lớn, Nyobolt mới đang chạy thử nghiệm, do đó chưa đóng góp vào doanh thu của MSR.

Thông tin về nhà máy tái chế Vonfram ở Thái Nguyên? 

Lãnh đạo: Khách hàng đang có nhu cầu, đòi hỏi MSR cung cấp sản phẩm Vonfram với tỷ trọng nhất định là Vonfram tái chế.

Hiện thế giới đang bị thiếu hụt Vonfram, ngoài Trung Quốc, phần còn lại của thế giới chỉ cung cấp được 20% nhu cầu. Nhu cầu hiện nay càng cao, chúng ta phải đảm bảo được đầu ra. Trữ lượng ở các mỏ hạn chế nên phải tìm kiếm được Vonfram từ các nguồn tái chế, phế liệu để đưa thành sản phẩm Vonfram công nghệ cao cho khách hàng.

Ngoài ra, các tập đoàn công nghệ sẽ chuyển dịch, thay vì đặt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc sẽ chuyển về Việt Nam nên các các công ty điện tử, viễn thông, họ sẽ có nhu cầu về sản phẩm Vonfram.

Ảnh: HK chụp từ slide ở ĐHĐCĐ thường niên.

Cập nhật thông tin về HC Starck, đơn vị này đóng góp doanh thu ra sao vào tập đoàn?

Lãnh đạo MSR: HC Starck có Vonfram và cacbua Vonfram. Doanh thu 640 triệu USD thì 60% doanh thu đến từ HC Starck. Trong tương lai, doanh thu từ sản phẩm của HC Starck sẽ chiếm tỷ trọng đa số ở công ty.

MSR đã tìm được khách mua tồn kho về đồng chưa?

Lãnh đạo MSR: Cuối năm 2022, công ty bán được 2.000 tấn đồng, từ đầu năm 2023 tới nay bán thêm được 6.000 tấn đồng nguyên chất. MSR bán đồng trong nước nhưng sản lượng bán này rất nhỏ so với sản lượng tồn kho. Trong kho còn 100.000 tấn đồng tinh chế.

Thị trường toàn cầu có nhu cầuvề sản phẩm này và MSR không thiếu khách hàng nhưng công ty hiện chưa có giấy phép để bán ra nước ngoài.

Lĩnh vực kinh doanh nào MSR sẽ tập trung, khai thác chế biến khoáng sản hay tái chế thành sản phẩm cho người tiêu dùng?

Lãnh đạo MSR: Công ty đang hoạt động ở hai mảng: Khai thác vật liệu vonfram cơ bản và tái chế phế liệu và cả hai đều tạo nguồn nguyên liệu để phát triển sản phẩm cao cấp. Vì vậy, MSR sẽ tập trung cả hai chứ không phải cái nào được ưu tiên hơn.

Công ty sẽ tiếp tục khai thác mỏ Núi Pháo và tối ưu hoá quá trình khai thác và chế biến quặng thành các sản phẩm Vonfram đồng thời tái chế, áp dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Các sản phẩm pin của công ty có hướng tới người tiêu dùng cuối không?

Lãnh đạo MSR: Các sản phẩm pin Nyobolt, vài tháng tới công ty sẽ có hợp đồng để cung cấp giải pháp pin này cho các nhà sản xuất, khách hàng và chắc chắn sẽ có mặt tới người tiêu dùng Việt Nam qua hệ thống phân phối của họ. MSR có hướng đến phục vụ thị trường Việt Nam với giải pháp pin này.

Tuy nhiên, MSR là một cổ đông của Nyobolt cho nên các bước tiến tiếp theo cho công nghệ pin cần phải thảo luận và thống nhất với các cổ đông khác của Nyobolt. 

Nhà máy tái chế Vonfram sẽ phục vụ thị trường như thế nào?

Lãnh đạo MSR: Có một số vấn đề nhạy cảm chưa chia sẻ chi tiết được. Trước mắt, ở Việt Nam vẫn có phế liệu Vonfram có thể thu mua và tái chế.

Ngoài ra, MSR cũng nhắm tới một số khu vực thu mua ở châu Á -  Thái Bình Dương để phục vụ cho đầu vào của nhà máy tái chế Vonfram.

Cập nhật tình hình kinh doanh của công ty con MSR?

Lãnh đạo MSR: Năm 2022 là năm vô cùng khó khăn. Nhà máy Trung Quốc vẫn khả quan dù bị ảnh hưởng bởi chính sách Zero COVID, năm nay dự kiến sẽ tốt từ quý II.

Về thị trường Bắc Mỹ, ngành dầu khí phát triển mạnh, về các sản phẩm cacbua Vonfram thì sức bán chậm hơn so với kỳ vọng và dự báo sẽ khởi sắc hơn từ quý II.

Ở EU thì giá năng lượng vẫn cao, dự kiến tình hình kinh doanh quý I không tốt song từ quý II có xu hướng tốt hơn.

Ảnh: HK chụp từ slide ở ĐHĐCĐ thường niên.

Tình hình trái phiếu của MSR?

Ông Danny Le - Chủ tịch HĐQT: "Trong ngành này chúng ta phải đảo nợ, tìm cách cân bằng lại sức khoẻ tài chính của công ty, từ góc độ tài chính chúng tôi không thấy có rủi ro nào trong việc phát hành trái phiếu".

Ngoài ra, một số đối tác chiến lược đang muốn tham gia đầu tư vào MSR và không chỉ hướng tới nhà đầu tư về mặt vốn mà cần những nhà đầu tư có năng lực về công nghệ.

MSR có một nhánh chiến lược chính là Vonfram và các sản phẩm của Vonfram, Vonfram liên tục là kim loại then chốt có ý nghĩa chiến lược cho nhiều quốc gia và ngành công nghiệp lớn.

Trong 6-12 tháng tới, MSR đang có kế hoạch để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của công ty khi giảm bớt được nhiều thách thức trên thị trường.

Kế hoạch chi trả cổ tức?

Ông Danny Le: Trong ngắn hạn, công ty chưa có kế hoạch chi trả cổ tức vì MSR cần tập trung phát triển các chiến lược của công ty.

"Hiện tỷ lệ nợ/EBITDA của MSR ngày càng cải thiện, tốt hơn. Khoảng cách giữa EBIT và lợi nhuận sau thuế ngày càng rút ngắn lại. Khi càng làm tốt điều này thì lợi ích cho cổ đông dài hạn sẽ được đảm bảo". 

Chất xúc tác ngắn hạn nào cho giá cổ phiếu MSR tăng lên không?

Ông Danny Le: Một số chất xúc tác như việc Trung Quốc mở cửa trở lại, chu kỳ tuần hoàn của hàng hoá sẽ quay trở lại và giá cả sẽ tốt cho MSR. Chúng ta sẽ kiến tạo thêm giá trị, có thêm nhiều nghiên cứu và phát triển để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vì vậy, kế hoạch 2023 hoàn toàn có khả năng thực hiện được.

Kết thúc đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Kiều

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.